Tin tức

OECD kêu gọi đối phó với chủ nghĩa bảo hộ thương mại

24/04/2017    24

Tổng thư ký Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Angel Gurria ngày 19-4 kêu gọi chính phủ các nước chủ động bảo vệ tự do thương mại bằng cách phát triển nền kinh tế toàn diện hơn, trong bối cảnh quan điểm chống tự do thương mại ngày càng lan rộng, theo World Trade Online.

Theo ông Gurria, nhiều nền kinh tế vẫn đang đương đầu với những khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 gây ra. Điều này cho thấy toàn cầu hóa vẫn chưa thực sự mang lại lợi ích cho tất cả. Vì vậy, các nền kinh tế cần hành động nhiều hơn để khai thác lợi ích từ xu hướng này. Ông Gurria đề xuất một số biện pháp như tăng cường đào tạo kỹ năng, kiến tạo việc làm và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để mỗi nền kinh tế đều có thể thích ứng với những thay đổi mà toàn cầu hóa mang lại.

Ông Gurria cảnh báo việc thiết lập các rào cản thương mại như tăng thuế là bước đi sẽ đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ ra khỏi guồng quay, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp lớn đưa việc làm ra nước ngoài. Vì vậy, ông Gurria nhấn mạnh cần theo đuổi hệ thống thương mại toàn diện trên cơ sở tự do, công bằng và cởi mở.

Phát biểu trên của ông Gurria được đưa ra trong bối cảnh Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) chuẩn bị tổ chức cuộc họp bán niên tại Washington (Mỹ) tuần này với nội dung chính tập trung vào bảo vệ thương mại tự do và hợp tác đa phương.

Tuần trước, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cũng cảnh báo các chính sách bảo hộ lan rộng ra toàn cầu, là mối đe dọa và làm hạn chế đà phục hồi kinh tế. Dù không đề cập cụ thể đến chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng IMF cảnh báo “những làn gió ngược” sẽ thu hẹp thương mại.

Tuy nhiên, trong bản dự báo kinh tế thế giới mới nhất công bố ngày 18-4, IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2017 lên 3,5% - cao hơn dự báo trước đó là 3,4% - khi sản xuất và thương mại tại châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc gia tăng.

IMF cho biết tình trạng trì trệ kéo dài của các nền kinh tế phát triển sẽ được cải thiện nhờ sự phục hồi của ngành sản xuất và thương mại toàn cầu, bắt đầu có dấu hiệu tích cực từ mùa hè năm ngoái.

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản thêm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, lên 1,2%.

Mức dự báo tăng trưởng của khu vực đồng euro (eurozone) và Trung Quốc cũng tăng thêm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, lần lượt lên 1,7% và 6,6%.

Mức dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ được giữ nguyên ở 2,3%, một phần nhờ vào chính sách giảm thuế và tăng chi tiêu chính phủ mà Tổng thống Trump sẽ thực hiện. Đây là mức tăng trưởng đáng kể so với mức tăng trưởng 1,6% trong năm ngoái.

Nguồn: Thesaigontimes