Tin tức

Xuất khẩu rau quả 2010: Chưa tạo được thương hiệu vững chắc!

05/07/2010    125

So với tình hình kim ngạch đầu năm thời gian gần đây ngành hàng xuất khẩu rau hoa quả của nước ta đang có chiều hướng giảm nhẹ. Tới nay kim ngạch xuất khẩu mới chỉ đạt 27 triệu USD, giảm 19,1% so với cùng kỳ 2009. 

Giảm sút từ các thị trường

Phía Hiệp hội rau hoa quả Việt Nam (VinaFruit) cho biết: do sự chuyển đổi mùa vụ từ xuân hè sang vụ hè thu khiến nguồn cung giảm mạnh nên mặt hàng rau hoa quả trong nước xuất khẩu giảm sút. Bên cạnh đó, tình hình khô hạn tại một số tỉnh miền Trung và nắng nóng tại miền Bắc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng rau quả xuất khẩu. Đến đầu tháng 6/2010 kim ngạch của mặt hàng rau quả mới chỉ đạt trên 27 triệu USD, giảm 19,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên VinaFruit cũng dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả trong những tháng tới sẽ tăng lên, đặc biệt là nhóm trái cây tươi và trái cây chế biến. Nhiều loại trái cây là thế mạnh của Việt Nam như vải thiều, xoài, nhãn, chôm chôm, măng cụt,… đang bước vào vụ thu hoạch sẽ góp phần đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. 

Hiện Trung Quốc đang là thị trường dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu rau hoa quả của Việt Nam nhưng kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường này lại giảm nhẹ so với cùng kỳ 2009. Hiện tại, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc mới chỉ đạt 2,1 triệu USD và giảm 32,6% so với tháng trước. Ngoài ra, thị trường Nhật Bản kim ngạch cũng giảm 23% so với tháng trước và giảm 6,1% so cùng kỳ năm 2009 với giá trị hiện tại là 1,1 triệu USD. 

Riêng thị trường Mỹ và EU vẫn tiếp tục tăng trưởng khá tốt, trong đó kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Mỹ đạt 524 nghìn USD, tăng 32% so với tháng trước và tăng 50% so với cùng kỳ 2009. Còn kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả sang thị trường EU đạt 2,2 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2009. Trong khối EU, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Hà Lan đạt cao nhất với 500 nghìn USD với các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là bưởi, thanh long, dưa chuột và rau gia vị. 

Chưa tạo được chỗ đứng vững chắc

Lý giải nguyên nhân ngành hàng rau hoa quả luôn ở trong trạng thái xuất khẩu tăng giảm thất thường, ông Võ Hoàng Dũng, đại diện VCCI Cần Thơ cho rằng: Hiện nay vấn đề mở rộng thị trường vẫn còn quá khó khăn. Hơn nữa, giá thành sản phẩm của nước ta lại chênh lệch quá lớn so với giá thành cùng loại của các nước trong khu vực (nếu như sầu riêng của ta bán với giá 25.000 đ/kg thì sầu riêng của Thái chỉ có giá 10.000 đ/kg) vì rau quả đem xuất khẩu phải trung chuyển qua nhiều tầng nấc trung gian nên giá thành bị đội lên cao. Thêm vào đó, chất lượng sản phẩm lại không ổn định, không đồng đều, quy mô sản xuất nhỏ, lạc hậu, phân tán và chưa có một thương hiệu vững chắc. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền lại cập nhật thông tin về xuất khẩu không đầy đủ và thiếu chi tiết về chủng loại, thị trường và giá cả… Trong khi đó các hợp tác xã và các nhà vườn còn rất yếu và thiếu hiểu biết về kinh doanh, năng lực quản lý cũng như cách tiếp cận các tiêu chuẩn kỹ thuật canh tác. Đa phần họ gieo trồng và sản xuất dựa vào kinh nghiệm, thói quen nên dẫn đến tình trạng bị ảnh hưởng và phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên. 

Nhiều chuyên gia khác thì cho rằng, tại các tỉnh có vùng canh tác rau quả hiện nay vẫn còn thiếu các công ty kinh doanh nông nghiệp và công ty sản xuất kinh doanh. Điều này làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn sản xuất và đầu tư khi cần thiết cho sự phát triển của ngành. Mặc dù tại các tỉnh có hình thành trang trại riêng của hộ nông dân nhưng đa phần vẫn chưa khẳng định được vị thế, còn mô hình hợp tác xã hầu như không đủ uy tín để các định chế tín dụng có thể vay vốn như một công ty. 

Theo ông Phạm Văn Tần (Phân viện cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch - SIAEP): Để có thể giảm tổn thất sau khi thu hoạch và mở rộng thị trường thiêu thu, nâng cao thu nhập cho nông dân trồng rau quả thì cần phải đầu tư tương xứng cho các hoạt động nghiên cứu của các viện nghiên cứu và trường đại học. Việc làm này sẽ thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm mới làm đa dạng hóa các sản phẩm được chế biến từ trái cây. Vì theo ông Tần, việc đa dạng hóa sản phẩm được chế biến từ trái cây như trái cây đông lạnh, trái cây sấy khô, nước ép trái cây… có thể làm giảm tổn thất sau thu hoạch và tăng thêm giá trị cho sản phẩm xuất khẩu. Do có sự khác biệt về khí hậu và mùa vụ giữa các nước với nhau, những sản phẩm đã thông qua chế biến bảo quản tốt có thể giúp mặt hàng rau quả của nước ta vươn đến được những thị trường tiềm năng và xa xôi nhất. 

Hiện nay, vẫn còn nhiều sản phẩm của Việt Nam được xuất khẩu trung gian dưới thương hiệu của nước ngoài, gây khó khăn cho việc làm chủ và mở rộng thị trường, ảnh hưởng đến thu nhập và lợi nhuận của các đối tác trong chuỗi cung ứng sản phẩm trong nước. Vì vậy để phát triển vững chắc ngành sản xuất và xuất khẩu rau quả các địa phương phải chú trọng hơn đến công tác xây dựng thương hiệu cho rau quả, nhất là những sản phẩm đã có giá trị và tiềm năng xuất khẩu cao. Song song đó phải cải tiến mẫu mã, hình thức và chất lượng của các loại bao bì đóng gói cho phù hợp với từng loại sản phẩm mà khách hàng yêu cầu. 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử