Hệ thống phân phối bán lẻ Việt Nam sau 3 năm gia nhập WTO: Cơ hội song hành cùng trở lực
05/07/2010 152“Nguy cơ khu vực phân phối bán lẻ bị lấn át bởi các nhà đầu tư nước ngoài có thể lan rộng sang cả lĩnh vực bán buôn, từ đó gây ảnh hưởng đến sự bảo đảm cân đối ổn định kinh tế vĩ mô chung của toàn bộ mạng lưới sản xuất của nền kinh tế”- Đó là ý kiến của ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ.
Ý kiến của ông Cao Sỹ Khiêm được đưa ra tại hội thảo “Cam kết WTO về dịch vụ phân phối-Những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam” vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội. Gần 200 người có mặt, rất ít người bỏ về nửa chừng như thường thấy ở các hội thảo khác. Họ đã không thất vọng khi tiếp cận những thông tin thẳng thắn từ 4 diễn giả chính và 17 ý kiến phân tích, bình luận của các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.
“Miếng bánh thị phần"
VN được coi là thị trường bán lẻ tiềm năng, với hơn 84 triệu dân, đứng thứ 13 trong tổng số hơn 200 nước. Năm 2009, thị trường bán lẻ nội địa có những khởi sắc mới, hướng nhiều hơn về người tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.197,5 tỷ nghìn tỉ đồng. Nhiều nhà phân phối nội địa như Hapro, Phú Thái, Sài Gòn-Satra, Sài Gòn Co.op... đã mở rộng hệ thống siêu thị ra các địa phương nhằm chiếm lĩnh thị trường, sẵn sàng cạnh tranh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các diễn giả, sau 3 năm gia nhập WTO, hệ thống phân phối bán lẻ của VN còn nhiều bất cập, thiếu chuyên nghiệp. Việc mở cửa thị trường bán lẻ cũng tạo áp lực lớn đến các nhà sản xuất, bao gồm cả những hộ nông dân, đặc biệc là các nhà phân phối trong nước. Về tương quan thị phần, các tập đoàn nước ngoài đang chiếm tỷ trọng khá ấn tượng trong phân phối bán lẻ hiện đại tại các thành phố lớn, đẩy DN phân phối VN về vùng nông thôn. Theo ông Cao Sĩ Kiêm, hiện 95% DN của VN có quy mô vừa và nhỏ, nên không thể tự tổ chức hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, với quy mô nhỏ, khả năng liên kết và tài chính đều hạn chế, DN VN sẽ mất lợi thế trong đàm phán thu mua và chịu thêm sức ép về giá cả, điều kiện thanh toán...
Khác với dự đoán, sau thời điểm 1/1/2009, các tập đoàn bán lẻ thế giới sẽ xâm nhập ồ ạt và chiếm lĩnh thị trường VN. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, “chúng ta đã trầm trọng hóa vấn đề bởi đến thời điểm này, điều đó vẫn chưa xảy ra”. Thực tế, sau hơn 1 năm mở cửa hoàn toàn cho các DN 100% vốn nước ngoài chỉ có một vài tập đoàn bán lẻ nước ngoài có quy mô tương đối lớn hoạt động tại VN như Metro Cash&Carry - Đức, đăng ký kinh doanh theo hình thức bán buôn nhưng thực chất là bán lẻ; Bourbon – Pháp; Parkson – Malaysia... và gần đây (tháng 4/2009), Tập đoàn Lotte Mart - Hàn Quốc mới chính thức tham gia thị trường bán lẻ VN. Các tập đoàn bán lẻ lớn như Wal Mart - Mỹ, Dairy Farm – Singapore, Carrefour – Pháp... từng được xem là nhà đầu tư tiềm năng nhưng hiện vẫn chưa vào VN. “VN đã mở cửa hoàn toàn. Việc các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường phân phối VN tuy có làm “miếng bánh” nhỏ lại, nhưng cũng buộc DN VN phải vươn lên cạnh tranh, tạo kênh phân phối, giữ được vai trò dẫn dắt thị trường”- ông Phúc nói.
Trên thực tế, thị trường bán lẻ nội địa vẫn còn nhiều khoảng trống cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Song vấn đề đặt ra, VN có nắm và cần nắm bao nhiêu thị phần bán buôn, có chi phối và chi phối ra sao với thị phần bán lẻ? VN phải phát triển thế nào đối với hệ thống phân phối vĩ mô và vi mô trên các loại hình đô thị, thị trường nông thôn và trên các loại hình tổ chức phân phối hiện đại và truyền thống, trên những ngành kinh doanh chủ chốt có liên quan đến chuỗi giá trị của ngành...
Không để "bàn tay vô hình" điều khiển thị trường
Hội nhập và phát triển thị trường bán lẻ là xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường, một trong những thước đo cơ bản phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế. Theo TS Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ VN, xu hướng bán lẻ đang phát triển theo hướng hiện đại. Doanh nghiệp VN vẫn giữ lợi thế trong thiết lập các mối liên kết, hiểu rõ văn hóa tiêu dùng của người Việt. Thêm vào đó, việc mua sắm tại chợ, cửa hàng bán lẻ truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn đến 2015, một thời gian đủ dài để DN nâng cao năng lực cạnh tranh, lấy người tiêu dùng làm trung tâm phát triển ngành công nghiệp bán lẻ. Tuy nhiên, mở cửa thị trường đòi hỏi việc thực hiện các cam kết của WTO về dịch vụ phân phối, tạo cạnh tranh bình đẳng và phát triển bền vững. “Nhà nước cần có chiến lược dài hạn cho ngành phân phối bán lẻ, tạo điều kiện cho DN trong nước đầu tư, phát triển hệ thống phân phối bán lẻ, không nên để “bàn tay vô hình” điều kiển thị trường”- TS Loan nói.
Theo PGS.TS Bùi Xuân Nhàn Phó Hiệu trưởng ĐH Thương mại, các dự báo kinh tế và thương mại thế giới cho thấy, từ 2012 trở đi là thời điểm của hậu phục hồi kinh tế, bắt đầu cho chu kỳ tăng trưởng mới. Việc các nhà phân phối nước ngoài chưa vào nhiều có thể đang nghiên cứu, triển khai thẩm định thị trường. “DN sẽ trở tay không kịp nếu chủ quan không chuẩn bị những điều kiện cần thiết ở tầm quản lý chiến lược”- PGS.TS Bùi Xuân Nhàn nói- “Vì vậy, ngoài đánh giá đúng thực trạng thị trường nội địa, ta cần phải xem xét một cách thấu đáo các chính sách thương mại nội địa, đặt nó ngang hàng với các chính sách thương mại xuất khẩu”.
Trong dài hạn, PGS.TS Bùi Xuân Nhàn cho rằng, cần có chiến lược, quy hoạch hệ thống phân phối thị trường nội địa. Không nên làm quy hoạch trước làm hoạch định chiến lược như thời gian qua chúng ta đã làm. Để hoạch định chiến lược phát triển thị trường phân phối nội địa đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, cần phải có những định chế chính sách hài hòa đồng bộ thuộc phạm vi can thiệp của Nhà nước.
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử
- Ông Trump vui mừng khoe thỏa thuận thương mại đầu tiên
- Đại sứ Hoa Kỳ: Quá trình đàm phán giữa hai nước sẽ đạt được những kết quả tích cực
- Thủ tướng: Phía Mỹ đã đưa lịch trình đàm phán thương mại cụ thể, thiện chí
- Bộ trưởng Tài chính Mỹ thừa nhận vẫn chưa có đàm phán thương mại với Trung Quốc
- Cơ hội "hạ nhiệt" căng thẳng thương mại toàn cầu