Giải quyết tranh chấp giữa các nước đang phát triển: Achentina và Hệ thống dải giá Chi lê
02/07/2010 4986Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang dần có một vai trò khá mới mẻ trong quan hệ thương mại khu vực. Tiếp cận hệ thống giải quyết tranh chấp đa phương rà soát kỹ lưỡng và gắn kết những nguyên tắc lỏng lẻo trong khu vực. Mặc dù chỉ những ngành sinh lời cao mới áp dụng do tham gia vào giải quyết tranh chấp rất tốn kém và mất thời gian, WTO vẫn mang lại lợi ích vô hình từ việc áp dụng hệ thống này. Sức ép của việc tham gia và cơ chế giải quyết tranh chấp này khiến các quốc gia không thể hoặc không muốn trả đũa để đạt được kết quả thuận lợi hơn trong các vụ việc song phương hoặc trong khu vực. Trên thực tế, các quy tắc trong WTO đóng vai trò như một kính lúp trong chính sách thương mại của các nước thành viên (không tuân thủ quy định trong WTO). Trong bối cảnh này, uy tín quốc gia, một nhân tố có sức mạnh trong việc thu hút kinh doanh cũng như đàm phán các hiệp định thương mại, cũng chưa chắc đã làm nên chuyện. Vụ tranh chấp giữa Achentina và Chi lê xung quanh vấn đề thuế nhập khẩu biến thiên đối với sản phẩm dầu ăn thực vật là một trường hợp điển hình.
I. Bối cảnh vụ việc
Sau khi phân loại lại thuế quan vào năm 1999, Hệ thống dải giá (PBS) của Chi Lê đã đưa ra quyết định áp mức thuế cao hơn đối với các loại dầu ăn thực vật. Thông thường Achentina có thể chấp nhận được mức sụt giảm trong thị phần, tuy nhiên động thái của Chi Lê lại xảy ra trong bối cảnh quốc tế thắt chặt đối với sản phẩm này. Đây là ngành dẫn đầu của Achentina: chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất và thương mại và vì thế lợi ích của ngành không thể bị xem nhẹ. Kết quả là vấn đề đã trở thành tranh chấp pháp lý đầu tiên giữa hai quốc gia có quan hệ đối tác khu vực được đệ trình lên WTO. Nguy cơ xảy ra tranh chấp chính trị là tương đối cao bởi các vấn đề biên giới liên tiếp gây căng thẳng quan hệ hai quốc gia này.
Achentina là một trong những quốc gia sản xuất dầu thực vật hàng đầu trên thế giới. Tổng sản lượng bao gồm dầu đậu nành, hạt hướng dương, dầu lạc, ô liu, bông, lanh, ngô, củ cải và các hỗn hợp dầu ăn khác đạt khoảng 5.283 nghìn tấn trong năm 2001 (theo CIARA 2004). Phần lớn khối lượng sản xuất nhằm phục vụ xuất khẩu với sản lượng xuất khẩu chiếm 80% đến 90% tổng sản lượng. Nhu cầu tiêu thụ nội địa thấp cùng với năng suất cao đã đưa Achentina trở thành nước xuất khẩu dầu hạt hướng dương và dầu đậu nành số một thế giới, và theo sau đó là Braxin và Hoa Kỳ. Hiện tại, nguồn thu từ xuất khẩu dầu thực vật và chất béo chiếm khoảng 28% tổng kim ngạch hàng thực phẩm xuất khẩu và 10% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tình hình xuất khẩu của Achentina trong bảy năm trở lại đây diễn biến khá thất thường chủ yếu là do tình hình thị trường thế giới. Những thay đổi cả về cung và cầu thế giới khiến giá ngũ cốc giảm trong giai đoạn 1997 – 2001. Về nhu cầu, khu vực Đông Nam Á và Nga vốn là hai trong số các quốc gia nhập khẩu lớn nhất giai đoạn này đang gặp khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và do vậy sức mua giảm. Về khía cạnh cung, việc thực hiện chính sách bù đắp vay nợ (người sản xuất sẽ được bù khi mức giá rơi xuống thấp hơn mức lãi suất đi vay) đối với sản phẩm đậu nành của Hoa Kỳ, cùng với việc sản xuất đậu nành biến đổi gen và vụ mùa bội thu hạt hướng dương và đậu nành kỷ lục tại hai quốc gia sản xuất chính là Achentina và Braxin đã góp phần tăng sản lượng hạt toàn cầu. Đặc biệt, giai đoạn 1999-2001, các mức giá đã giảm 10% so với đầu thập kỷ và 40% so với mức đỉnh điểm năm 1997. (theo Schvarzer và Heyn 2002: 7). Trong nước, giá sụt giảm đã dẫn đến bảy nhà máy phải đóng cửa. Thậm chí những công ty lớn nhất cũng bị ảnh hưởng nặng nề: hãng Molinos phải cho đóng cửa một nhà máy và sa thải 270 công nhân.
Giá giảm đã ảnh hưởng đến hoạt động của Hệ thống dải giá Chi lê (PBS): năm 2000 mức thuế quan tính theo giá trị áp đặt với dầu lên tới 64,61% và 60,25% đối với bột mỳ, mức thuế này đã vi phạm mức trần 31,5% được ấn định tại vòng đàm phán Uruguay. Cùng thời điểm đó, thị trường Chi lê nhập khoảng một nửa tổng sản lượng xuất khẩu các loại dầu ăn của Achentina (trị giá 26 triệu đô la Mỹ). Doanh thu từ xuất khẩu dầu hỗn hợp tới Chi lê tăng mạnh trong khi tổng xuất khẩu tới thị trường này bắt đầu giảm do dầu đậu nành và dầu hạt hướng dương là đối tượng bị áp dụng các biện pháp tự vệ. Thị trường Chi Lê tuy nhỏ (80 triệu đô la Mỹ) nhưng có ý nghĩa chiến lược do lợi thế về khoảng cách địa lý gần và điều này mang lại thuận lợi thâm nhập thị trường tương đồng cho cả doanh nghiệp lớn và nhỏ của Achentina.
Quyết tâm khởi kiện của Achentina càng được thôi thúc khi Chi Lê hoàn thuế cho Bolivia trên cơ sở áp dụng biện pháp tự vệ (đã được nâng đáng kể) mà không thực hiện đối với Achentina.(1) Hơn nữa, ngành sản xuất sản phẩm này tại Achentina có mức tập trung cao, do vậy, hành động liên kết của nhóm các doanh nghiệp không hề khó thực hiện. Sức ép khởi kiện các biện pháp của Chile lên hệ thống giải quyết tranh chấp đa phương lên cao buộc chính phủ Achentina phải quyết định khởi xướng vụ việc. Thực tế, Cộng đồng các quốc gia Nam Mỹ (Andean Community) cũng thực hiện một hệ thống dải giá thay thế thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp biến xung đột trở thành tranh chấp lên bình diện khu vực rộng hơn.
Sự kiện pháp lý đa phương
Xung đột này đã leo thang lên cấp độ đa phương mãi đến khi các nỗ lực ngoại giao và pháp lý tỏ ra vô hiệu. Achentina lần đầu tiên đệ trình tranh chấp lên Ủy ban Hành chính về Hiệp định Khối thị trường chung Nam Mỹ - Chi Lê (Hiệp định kinh tế bổ sung 35 (ECA35)). Trong ECA 35, Chi Lê đã cam kết sẽ không đưa thêm hàng hóa hay có bất kỳ thay đổi nào trong Hệ thống dải giá của nước này. Sau khi nhận được kiến nghị có lợi (mặc dù không mang tính ràng buộc) của nhóm các chuyên gia trong khu vực, Achentina quyết định đưa vấn đề này ra WTO khi Chi Lê tỏ rõ sự miễn cưỡng tuân thủ.
Tại WTO, vụ việc chủ yếu xoay quanh hai vấn đề chính:
1. Liệu Hệ thống dải giá PBS có vi phạm điều khoản của GATT – (thuế quan ràng buộc); và
2. Liệu Hệ thống dải giá có phải là một biện pháp “thuế quan hóa” theo Điều 4.2 của Hiệp định nông nghiệp (AA). (2)
Hệ thống dải giá (PBS) áp dụng đối với sản phẩm nông nghiệp. Khi một sản phẩm chịu sự điều chỉnh của PBS xuất sang Chi Lê, cơ quan hải quan sẽ áp mức thuế theo giá trị (8%) chỉ khi giá tham chiếu (RP) ở mức giữa ngưỡng thấp hơn và cao hơn của PBS. Giá tham chiếu không phải là giá của một giao dịch cụ thể mà là giá do cơ quan có thẩm quyền của Chi Lê quyết định vào mỗi thứ sáu căn cứ trên giá FOB (giá giao lên tàu) thấp nhất trên thị trường. (3) Giá tham chiếu áp dụng đối với một mặt hàng cụ thể được quyết định căn cứ vào tham chiếu ngày vận đơn. Khi giá tham chiếu được xác định, nhân viên hải quan sẽ so sánh với các ngưỡng của Hệ thống dải giá PBS. PBS, đến lượt nó, được xác định hàng năm dựa trên cơ sở giá FOB tại một số thị trường quốc tế của giai đoạn 60 tháng trước. Không giống như các mức giá dùng trong tính toán Hệ thống dải giá PBS, giá tham chiếu không được điều chỉnh đối với “chi phí nhập khẩu thông thường”. Nếu giá tham chiếu thấp hơn giá sàn, nhân viên hải quan sẽ đánh thuế tới mức giá sàn, và ngược lại, nếu giá cao hơn giá sàn, hải quan phải giảm cho xuống tới giá sàn.
Achentina lập luận rằng Hệ thống dải giá PBS đã vi phạm Điều II (b) của GATT 1994 với lý do nhờ vào cấu trúc, thiết kế và các phương thức áp dụng, Chi lê có thể áp các mức thuế đặc biệt vi phạm thuế quan ràng buộc của Chi lê. Achentina cáo buộc rằng, trên thực tế Hệ thống dải giá PBS đã khiến cho tổng thuế quan theo giá trị vượt mức thuế trần ràng buộc ở mức 31,5%. Ngoài ra, Achentina cũng cho rằng PBS là một hình thức thuế nhập khẩu biến thiên hay giá nhập khẩu tối thiểu không phù hợp với Hiệp định nông nghiệp (AA), do điều 4.2 quy định rằng các biện pháp như trên phải được chuyển thành thuế quan thông thường.
Ngược lại, Chi lê cho rằng các mức thuế trong Hệ thống dải giá là thuế quan thông thường và vì thế không là đối tượng của thuế quan hóa, và để cấm áp dụng một biện pháp nào, biện pháp đó phải đáp ứng hai điều kiện độc lập như sau: thứ nhất nó phải được nêu trong chú thích 1, Điều 4.2 (4) và thứ hai là do một nước thành viên yêu cầu. Hệ thống dải giá PBS không được nêu trong Điều 4.2 và chưa có quốc gia thành viên nào yêu cầu thuế quan hóa. Hơn nữa, Chi lê lập luận rằng Hiệp định kinh tế bổ sung 35 (ECA35) đã được ký kết sau vòng đàm phán Uruguay, Hiệp định này rõ ràng cho phép sử dụng Hệ thống dải giá, (5) Achentina không thể tham vấn rằng PBS bị cấm.
Ban hội thẩm nhận định PBS là một biện pháp cần được chuyển sang thuế quan thông thường và để duy trì hệ thống này, Chi lê đã không tuân thủ Hiệp định nông nghiệp. Ban hội thẩm cũng cho rằng thuế PBS được xem là “thuế hoặc phí ở bất kỳ dạng nào” áp đặt hoặc liên quan đến nhập khẩu, căn cứ vào câu thứ hai của Điều II (1)(b). Do Chi lê không ghi PBS vào cột “các loại thuế và phí khác” tại Biểu cam kết thuế của nước này nên ban hội thẩm nhận định các mức thuế trên vi phạm Điều II(b) của GATT 1994.
Ban hội thẩm khuyến nghị rằng Chi lê cần điều chỉnh các biện pháp trên sao cho tuân thủ các quy định đa phương (tháng 4 năm 2002). (6) Khuyến nghị này được đưa ra sau một quá trình xây dựng luận chứng pháp lý và tìm kiếm dữ liệu kinh tế đòi hỏi nhiều thời gian và chi phí. Chính phủ Achentina liên tục thực hiện những biện pháp nhằm tránh sự móc nối các vấn đề và sự căng thẳng chính trị với Chi lê đồng thời vẫn đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Trong phần tiếp theo đây, chúng tôi sẽ trình bày các nhân tố và đặc điểm đặc trưng của các bên liên quan cũng như cách thức họ hành xử trong vụ việc này.
II. Các bên tham gia
Các bên tham gia chính của Achentina ở cấp độ đa phương gồm có: phía chính phủ, đại diện là Hội đồng Giải quyết tranh chấp đa phương (DISCO) trực thuộc Bộ Ngoại giao; phía ngành dầu, đại diện là Hiệp hội ngành công nghiệp dầu ăn (viết tắt theo tiếng Tây Ban Nha là CIARA). Các bên khác gồm có các viên chức Bộ Kinh tế, công ty luật được ủy quyền đại diện cho bên Achentina và cơ quan mới thành lập gồm các chuyên gia kinh tế mang tên Viện Đàm phán Nông nghiệp Quốc tế (viết tắt theo tiếng Tây Ban Nha là INAI). Trước tiên, chúng tôi sẽ giới thiệu đặc điểm tổ chức, nhiệm vụ của khu vực công, sau đó là khu vực tư nhân và cuối cùng là cách thức các khu vực này tương tác nhằm đưa ra vấn đề trong các bối cảnh khác biệt.
Khu vực công
Quy trình tham vấn chính phủ theo đuổi vụ tranh chấp thương mại thông qua Quy tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp trong WTO (DSU) không theo bất cứ quy định nào. Không có trình tự hành động cụ thể để giải quyết các khiếu nại từ phía doanh nghiệp hay bất cứ một hướng dẫn nào về vấn đề các cơ quan nhà nước sẽ phải hợp tác như thế nào để đệ trình vụ việc này. Cũng không có một quy định nào về thủ tục tố tụng đối với các vấn đề như doanh nghiệp cần phải hướng vụ kiện này đến cơ quan nào, cần thu thập những bằng chứng gì, chính phủ phải giải quyết khiếu nại theo thủ tục hành chính như thế nào hay trong những trường hợp này chính phủ có đề xuất khiếu nại của khu vực tư nhân hay không. Trên thực tế, Bộ Ngoại giao gộp tất cả các vụ việc lại và sau đó đưa ra quốc tế. Trong khi đưa ra quyết định khởi xướng cuộc tham vấn (hoặc giải quyết tranh chấp) luôn đòi hỏi một quyết định mang tính chính trị, trách nhiệm của các bên đối với tiến trình của vụ việc, cách thức phối hợp với doanh nghiệp, đảm bảo đúng thời hạn trong quá trình theo đuổi vụ việc cũng như các yêu cầu kỹ thuật do Hội đồng Giải quyết tranh chấp đa phương (DISCO) đảm nhận. Kể từ khi thành lập năm 1999, DISCO đã theo dõi ba mươi chín (39) vụ tranh chấp, bao gồm cả tham vấn, đạt được thỏa thuận và hội thẩm. Số lượng vụ việc là tương đối nhiều so với quy mô thị phần nhỏ bé của Achentina trong thương mại toàn cầu.
Trái ngược với hạn chế về quy trình khiếu nại lên WTO, các bước hành động đối với doanh nghiệp đệ đơn lại được nêu rõ trong hệ thống giải quyết tranh chấp của Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur). Bước đầu tiên thường là tham vấn thông qua Ủy ban Thương mại (thuộc Bộ Kinh tế). Nếu xung đột căng thẳng đến độ cần phải đưa ra Tòa án Mercosur, Bộ Kinh tế sẽ giữ vai trò chính trong vụ việc này. (7)
Một điều thú vị là trong Hiệp định Mercosur – Chi lê, các đơn kiện giải quyết tranh chấp của khu vực tư nhân không được tính đến. Tuy nhiên chuyên viên pháp lý giải quyết các tranh chấp của Khối thị trường chung Nam Mỹ Mercosur trong Bộ Kinh tế cũng phụ trách cả tranh chấp giữa Mercosur – Chi lê và thực hiện giải quyết với khu vực tư nhân cũng giống như khi giải quyết các vụ việc trong Mercosur.
Tôi là một thành viên của Ủy ban Hành chính của Hiệp định kinh tế bổ sung 35 (ECA35) và vì thế tôi hoàn toàn nắm rõ mọi chi tiết. Tôi phụ trách các vụ việc trong Mercosur. Với lý do rằng Tổ chuyên trách thuộc Bộ Ngoại giao phụ trách vấn đề quan hệ Mercosur – Chi lê không có kinh nghiệm xử lý tranh chấp, Bộ Kinh tế đã đứng ra chịu trách nhiệm về vụ việc này: thiếu quy trình kiến nghị chính thức không làm ảnh hưởng đến công việc của tôi với khu vực tư nhân. (8)
Ngành công nghiệp dẫn đầu
Ngành công nghiệp này là ngành dẫn đầu của Achentina. Thứ nhất, doanh thu từ xuất khẩu mặt hàng này chiếm tới 10% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi nước này rất cần ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu thanh toán với nước ngoài. Sản xuất và kinh doanh mặt hàng này tạo ra khoảng 8,5% tổng lao động (theo Bertello 2004). Thứ hai, việc tập trung các nhà máy (và các lĩnh vực thượng nguồn và hạ nguồn) tại các tỉnh thành lớn tạo nên sức ảnh hưởng mạnh mẽ cho ngành công nghiệp này. Cuối cùng, việc có ít các bên tham gia làm cho liên kết hành động trở lên tương đối dễ dàng.
Các doanh nghiệp nội địa đóng góp hầu hết sản lượng. Các doanh nghiệp liên doanh đã mất dần thị phần trong khi các nhà mày tại nước ngoài từng bước tăng sản lượng từ năm 1994 và tăng đáng kể khả năng cạnh tranh trong ngành (Ferrugua và Guerrero 2000: 122-5). Những nhà xuất khẩu chủ yếu phải kể đến Cargill và Vicentin. Năm 2001 Aceitera General, Deheza, Dreyfus và Bunge Arhentina bắt đầu cạnh tranh với Vicentin để dành vị trí thứ hai; năm công ty này nhanh chóng tăng thị phần và đến nay chiếm tới hơn 70% thị trường.
Logic của hành động tập thể về bản chất là tính hợp tác. Theo nguồn tư liệu từ một doanh nghiệp cho thấy: “Nhìn chung, chúng tôi tham khảo ý kiến và từng bước thực hiện cùng nhau với tư cách là những doanh nghiệp Achentina trong các tình huống xung đột quốc tế” (9)
Các công ty kết nối yêu cầu của mình thông qua Hiệp hội ngành công nghiệp dầu ăn CIARA, tổ chức đóng vai trò như một trung tâm môi giới, phát ngôn viên và hiệp hội này cũng tạo được mối quan hệ tốt đẹp, lâu dài với chính phủ. CIARA được thành lập năm 1980 với mục đích bảo vệ và thúc đẩy ngành chế biến dầu ăn từ hạt và hiện nay hiệp hội này bao gồm hầu hết các công ty sản xuất bột protein và dầu thực vật. Khi đối mặt với các rào cản từ thị trường nước ngoài thì hành động tập thể là bước đi đầu tiên. Tuy nhiên theo những nghiên cứu sơ bộ dự tính chi phí để khởi xướng vụ kiện lien quan đến đậu nành cao tới một triệu đô la Mỹ, một số công ty đã rút lui. Một vài công ty quyết định đầu tư vào một nước bảo hộ thay vì khởi kiện như trường hợp thuế chống bán phá giá ở Peru.
Thêm nữa, INAI, cơ quan tư vấn kinh doanh, cung cấp các trợ giúp chuyên môn. Số lượng nhân viên tại INAI tuy nhỏ nhưng có trình độ chuyên môn cao bao gồm một giám đốc, hai luật sư và một nhà kinh tế. Ban đầu cơ quan này được thành lập năm 1999 bởi ba sàn giao dịch ngũ cốc (Rosario, Bahia, Blanca và Buenos Aires) với mục đích nâng cao khả năng đàm phán về nông nghiệp. Sau đó các tổ chức khác cũng tham gia và CIARRA là một trong số đó.
Nhìn chung, sự gắn kết, “sức mạnh chính trị” và kiến thức chuyên môn là ba trụ cột chính để doanh nghiệp dựa vào đó đưa ra quyêt định khởi xướng.
III. Quá trình và kết quả
Ban đầu, vấn đề được đưa ra một diễn đàn khu vực là Ủy ban hành chính ECA35. Nhân viên pháp lý tại Bộ Kinh tế phụ trách giải quyết tranh chấp Khối thị trường chung Nam Mỹ Mercosur chịu trách nhiệm diễn thuyết và đề trình, và làm việc chặt chẽ với CIARA để thu thập số liệu và các luận chứng pháp lý. Bà nhấn mạnh rằng
Trong trường hợp này, chi phí là rất thấp bởi không cần phải thuê một công ty luật nước ngoài. Quy trình cũng rất linh hoạt, chỉ cần xem xét vấn đề phát sinh tháng 3 năm 1999 và đến tháng 4 năm 2000 đã có khuyến nghị từ nhóm chuyên gia. (10) Hơn cả căn cứ vững chắc của các luận chứng, yếu tố then chốt trong chiến lược giành thắng lợi của chúng tôi là đề bạt ông Sortheix – một chuyên gia cao cấp về phân loại thuế quan nổi tiếng trên thế giới. Mặc dù ông không lãnh đạo nhóm chuyên gia nhưng kiến thức và kinh nghiệm của ông khiến ông trở thành người dẫn đầu tất yếu.
Hệ thống giải quyết tranh chấp khu vực thường không được dư luận chú ý, hơn nữa chi phí thấp và giải quyết nhanh. Trong khi đó, Chi lê lại không hề điều chỉnh việc phân loại thuế. Ngược lại, các biện pháp tự vệ được áp dụng nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho việc tăng cường bảo hộ trong nước. Theo như quan sát của một nhà tư vấn pháp lý cao cấp, (11)
Ban đầu chúng tôi cho rằng thực tế hệ thống giải quyết tranh chấp Mercosur – Chi lê không có giá trị ràng buộc. Do vậy chúng tôi đã rất nỗ lực đàm phán và thông qua một hệ thống giải quyết tranh chấp có giá trị ràng buộc. Nhưng sau khi Chi lê từ chối việc tuân thủ các quy tắc của WTO, tôi nhận thấy những cơ sở kinh tế chính trị của một vụ tranh chấp sẽ là phán quyết về việc tuân thủ và cơ sở này chính là những đặc điểm của cơ chế hoạt động giải quyết tranh chấp này. (12)
Mọi người đều hy vọng rằng Chi lê sẽ tuân thủ ECA35 với khuyến nghị của Nhóm chuyên gia. CIARA cũng tin như vậy bởi “Chi lê rất có uy tín trong thương mại quốc tế” (13)
Trong hai cuộc họp tổ chức tại Bộ Ngoại giao, việc Chi lê vẫn giữ thái độ cho rằng mình đúng đã khiến mọi người ngạc nhiên. Hi vọng vào danh tiếng tốt của chính họ (trong khi Achentina có dấu ấn không mấy tốt đẹp về mặt này), đoàn khách đã kiên quyết tự tin rằng các nhà xuất khẩu cuối cùng cũng sẽ chấp nhận biện pháp hạn chế của Chi lê và họ cũng không hề nghĩ đến việc đưa vấn đề này ra bình diện đa phương.
Tiếp tục câu chuyện, sau khi Chi lê từ chối thay đổi Hệ thống dải giá, các doanh nghiệp đã gửi thư hối thúc chính phủ Achentina tìm kiếm giải pháp song phương. Mặc dù CIARA đã gửi thư chính thức tới Bộ Ngoại giao do có sự biến động của hai thị trường nhập khẩu. Thứ nhất và quan trọng nhất là Ấn Độ - thị trường nhập khẩu quan trọng nhất của Achentina, đã nâng thuế nhập khẩu lên gần gấp đôi đối với mặt hàng dầu đậu nành và hạt hướng dương. Điều này đe dọa kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ - thị trường chiếm 20% tổng xuất khẩu. Thứ hai, Trung Quốc (nhà nhập khẩu đứng thứ ba của Achentina) đang nỗ lực thiết lập các rào cản phi thương mại mà thực chất là nhằm đóng cửa thị trường. Đề nghị này do Chủ tịch Hiệp hội CIARA gửi đến Bộ trưởng Bộ Ngoại giao yêu cầu “một khiếu nại nhanh chóng và quyết liệt với các công cụ song phương cần thiết nhằm trung lập ảnh hưởng bất lợi của những động thái trên”. (14)
Trong khi đó, chính phủ Achentina lại đang đặt mối ưu tiên khác trong lộ trình với Chi lê: Achentina đang đợi Thượng viện Chi lê thông qua Hiệp định mỏ song phương. Hiệp định này có ý nghĩa kinh tế chiến lược bởi Achentina đang hy vọng nó sẽ tạo ra mức đầu tư khoảng 10 tỷ đô la Mỹ với các quốc gia thuộc khối Nam Mỹ và sẽ nâng gấp đôi tổng sản lượng xuất khẩu mỏ của cả hai nước. Hiệp hội CIARA lo ngại rằng lợi ích khai mỏ sẽ khiến vụ việc bị chìm đi và phải tăng cường sức ép tới chính phủ để đưa vụ việc này lên WTO. CIARA cũng đã nỗ lực ngoại giao với việc yêu cầu một cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chi lê. Nhưng phải đến tận năm tuần sau khi Hiệp định về khai mỏ được ký kết vào ngày 29 tháng 8 năm 2000 chính phủ Achentina mới bắt đầu hành động và vào mồng 5 tháng 10 chính phủ gửi yêu cầu tham vấn với Chi lê tại WTO. Vào giữa tháng 01 năm 2001, Achentina chính thức yêu cầu thành lập Ban hội thẩm.
Quyết định đưa tranh chấp lên WTO nhận được ủng hộ về mặt chính trị. Theo một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết,
Có hai thời khắc mà động lực chính trị có vai trò quyết định. Thứ nhất là yêu cầu thành lập Ban hội thẩm; thứ hai là trong quá trình hội thẩm khi một số bên muốn kết thúc vụ việc theo hướng đưa ra một giải pháp thỏa thuận hợp lý. Sau khi giải thích chi tiết về mặt kỹ thuật, cơ quan chức năng đã quyết định theo đuổi tiếp vụ kiện. (15)
DISCO chịu trách nhiệm nghiên cữu kỹ lưỡng vụ việc và sơ thảo các luận chứng pháp lý và kinh tế. Khối lượng công việc là rất nhiều đối với tất cả các bên liên quan nhưng chủ yếu là bốn nhân viên chính thức của DISCO và hai nhân viên bán thời gian. (16). Các chuyên gia của CIARA và INAI cùng cộng tác dịch trong quá trình soạn bản sơ thảo nhưng chuyên gia của DISCO vẫn phải làm tới 13 tiếng một ngày để tiến trình công việc đúng hạn. Thêm vào đó, một viên chức của Ban Thư ký Nông nghiệp đã được yêu cầu tham gia một số cuộc họp do ông có kinh nghiệm trong làm việc với Chi lê. (17). Việc làm này được coi là cần thiết bởi trong giai đoạn đầu của tranh chấp khả năng đạt được một giải pháp thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên là rất cao.
Trong suốt vụ việc, DISCO và khu vực tư nhân hợp tác rất chặt chẽ và mang tính xây dựng cao. CIARA chi trả chi phí thực hiện và chi phí thuê hãng luật. Vai trò của hãng luật là cung cấp phác thảo ban đầu về yêu cầu và tham gia một vài cuộc tham vấn đã không được hiệu quả như mong muốn. Cả các bên thuộc chính phủ và doanh nghiệp đều thấy rằng hãng luật sẽ đóng góp được nhiều hơn nếu họ được tham gia vào soạn thảo tất cả các đệ trình chứ không chỉ bản sơ thảo đầu tiên. Trong giai đoạn đầu, một số luận chứng đưa ra trực tiếp liên quan đến các thông tin sẵn có và nhóm các chuyên gia trong nước có thể đảm nhận công việc này. (18)
Chỉ khoảng 10% các ý kiến ban đầu của các chuyên gia này được sử dụng vào bản thảo cuối cùng và trở thành những hướng dẫn chung. Khi chúng tôi tiếp tục công việc, chúng tôi thấy rõ ràng rằng hãng luật được lựa chọn không có nhiều chuyên môn trong các lĩnh vực nông nghiệp. Theo tôi sự hạn chế trong ngân sách chính là rào cản trong việc lựa chọn hãng luật này.
Một viên chức đã nhấn mạnh rằng, khi làm việc với công ty luật phải ghi nhớ rằng lợi ích của họ không hề trùng khớp với chính phủ. Mục đích của họ là kết quả trong khi chính phủ phải cân nhắc tới lợi ích sâu xa khác. Khi chính phủ đưa vụ việc ra WTO, chính phủ cũng cân nhắc các vấn đề như những ảnh hưởng đối với Hiệp định nông nghiệp AA hay tới quan hệ thương mại chung như thế nào. (19)
Chi phí cho công ty luật lên tới khoảng 200.000 đô la Mỹ trong số đó chủ yếu là liên quan đến khiếu nại về Hiệp định nông nghiệp (AA). CIARA cung cấp thông tin và dữ liệu về ngành dầu ăn còn INAI chịu trách nhiệm xây dựng các luận chứng. Cụ thể, INAI đã thực hiện phân tích ý nghĩa kinh tế của hệ thống PBS và rà soát các luận chứng pháp lý của vụ việc đặc biệt là điều 4.2 của Hiệp định Nông nghiệp.
Đóng góp của khu vực tư nhân – các doanh nghiệp - là rất tuyệt vời cả về mặt nhân lực cũng như các nguồn thông tin. Dường như không thể có một bản sao thứ hai trừ một trường hợp khác mà tôi có thể nghĩ đến. Đó là một ngành khác của Achentina với cùng một lợi ích trên toàn cầu và cũng với những kỹ năng để tuân theo đã tạo điều kiện về mặt hậu cần và cung cấp cơ sở dữ liệu. [tôi muốn nhắc đến một lĩnh vực đầu ngành khác, các nhà sản xuất ống liền mạch (20)]
Khi hãng luật điều chỉnh lại các bản thảo, chuyên viên của DISCO, đại diện của CIARA và INAI tiến hành các cuộc họp. Đôi khi trong những cuộc họp này có sự tham gia của các bên khác (chẳng hạn như Ban Thư Ký nông nghiệp hay đại diện từ các tập đoàn lớn như Molinos và Nidera). Tại WTO các phiên hội thẩm có thể được tổ chức bằng bất cứ ngôn ngữ nào; tuy sau một số bài thuyết trình đầu tiên bằng tiếng Tây Ban Nha khiến một thành viên của Ban hội thẩm ngán ngẩm và gà gật, đã quyết định chuyển sang sử dụng tiếng Anh. Và trường hợp này, một thành viên được phỏng vấn đã cho hay, thực sự là mệt mỏi và mất thời gian cho việc đợi biên dịch trong các phiên điều trần. Thông thường sẽ mất khoảng 10 ngày để dịch các tài liệu, do vậy các thành viên ban hội thẩm không có thời gian đọc chúng. Đây là một bất lợi đối với bị đơn khi phải đệ trình tài liệu ngay lập tức bằng tiếng Anh. Các thành viên ban hội thẩm biết được lập luận của họ dựa vào đâu trong khi không biết cơ sở lập luận của chúng tôi, và đây là một bất lợi lớn. (21)
Phái đoàn của Achentina không có luật sư nước ngoài ở bên ngoài trong thời gian các phiên điều trần diễn ra. Đến phiên điều trần thứ hai, phái đoàn bắt đầu nhận thấy họ có lợi thế trong vụ kiện khi hầu hết các thắc mắc đều hướng đến Chi lê và các câu hỏi thể hiện mối quan tâm của ban hội thẩm có xu hướng nghiêng về quyền lợi của Achentina. Không khí chung cũng có vẻ hối thúc hơn khi phản bác các lập luận của Chi lê. (22)
Tuy nhiên không phải mọi vấn đề đưa lên trong vụ tranh chấp này đều mang tính chuyên môn. Các tính toán chính trị được thể hiện trên mọi khía cạnh. Đầu tiên, doanh nghiệp phải đối mặt với ưu tiên ngoại giao hơn là tham gia khởi kiện. Ngoài ra, doanh nghiệp lo ngại rằng Tổng thống có thể rút đơn kiện nếu như Chi lê loại bỏ các hạn chế kiểm dịch đối với mặt hàng thịt bò. Để tránh việc này, Sàn giao dịch ngũ cốc và CIARA đã chính thức gửi thư lên Tổng thống đề nghị hậu thuẫn cho các chuyên gia và nhấn mạnh rằng nếu chính phủ từ bỏ vụ kiện sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến triển vọng thương mại. Các doanh nghiệp cũng lập luận rằng quyết định của WTO sẽ tạo thuận lợi hơn cho giải quyết các vụ việc tương tự với khối EU và Khối các quốc gia Nam Mỹ. (23) Kết quả là thực tế có nhiều cơ hội thắng kiện đã vượt qua các toan tính chính trị.
Cuộc chiến trên sân nhà đã được tái diễn tại WTO. Việc thông qua khuyến nghị của Ban hội thẩm (và báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm) không đồng nghĩa với việc vụ kiện chấm dứt. Cho đến nay, Chi lê vẫn không tuân thủ và duy trì hệ thống dải giá PBS. Trong trường hợp này, các bên tham gia đều nhất trí với quan điểm rằng thiếu sót lớn nhất của WTO là phụ thuộc vào sự trả đũa đơn phương. Trong khi một số ý kiến đề xuất tới giải pháp thay thế là bồi thường tài chính, một số khác là đền bù thương mại. Tuy nhiên, một số quan chức có tầm ảnh hưởng nhấn mạnh quan điểm cần kiên định với mục tiêu ban đầu trong việc đánh giá kết quả tổng thể. Khi vụ việc bắt đầu, dầu ăn chịu mức thuế 70%. Kể từ sau khi tranh chấp, mức thuế tối đa là 31.5% với đảm bảo từ hai phía: một là nguyên tắc WTO và hai là pháp luật Quốc hội Chi lê. Ngoài ra, dầu thực vật đã được loại khỏi Hệ thống dải giá và có giải thích về cơ chế giá tối thiểu và thuế biến thiên hoạt động như thế nào với cùng một giá trị như trước kia.
Quả thật, đối với Achentina, lợi ích thấy được rõ nhất từ vụ kiện lên WTO là giới hạn trần về mức thuế quan của Chi lê. (24) Đồng thời cũng có lợi ích vô hình đó là danh tiếng của Achentina. Về mặt này, có lẽ mất mát lớn nhất của Chi lê cũng chính là ở khía cạnh vô hình: uy tín của nước này về mặt tuân thủ quy định quốc tế. WTO đã đóng vai trò như chiếc kính lúp đối với tiếng tăm của một quốc gia.
IV. Thách thức trong quá trình khởi kiện
Những thách thức chính đối với chính phủ là gấp đôi: vừa phải đưa vụ việc lên WTO với kết quả thắng lợi trong bối cảnh hạn chế về tài chính và nhân lực, đồng thời phải tránh việc móc nối vấn đề gây ảnh hưởng xấu trong quan hệ đối tác chiến lược trong khu vực. Các doanh nghiệp cần phải liên kết và duy trì hành động tập thể; gây quỹ trang trải chi phí liên quan đến vụ kiện và chịu thiệt hại kinh tế trong thời gian tranh tụng kéo dài. Cả chính phủ và doanh nghiệp đều phải chấp nhận hợp tác để đạt được thành công
Chiến lược của chính phủ là cô lập xung đột này với các vấn đề song phương khác và cố gắng kiểm soát từng vấn đề trong thời gian của nó. Vấn đề tách biệt kết nối này đã xảy ra ít nhất hai lần. Lần đầu là vào thời điểm ký kết hiệp định khai mỏ vào năm 2000 và lần thứ hai là năm 2003 với vấn đề áp đặt biện pháp hạn chế về kiểm dịch lên sản phẩm thịt bò của Achentina. Hơn nữa, nhờ vào công ty luật nước ngoài và đội ngũ chuyên gia của CIARA và INAI với chuyên môn thấp hơn, Hội đồng Giải quyết tranh chấp đa phương (DISCO) đã vượt qua khó khăn về nguồn lực tài chính và kỹ thuật. Các nhân viên của Hội đồng cũng nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn được giao theo thời hạn của Cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO và mặc cảm đến từ một nước đang phát triển nếu không muốn nói là tiêu cực thì đó là sự hoài nghi về khả năng: “khi được hỏi, công đồng quốc tế đều nghi ngờ năng lực tự bảo vệ và giải quyết vụ việc của chúng tôi với cương vị là nguyên đơn.” (25)
Chi phí tố tụng và hành động tập thể thường là hai rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp. Thực tế chỉ một số ít các công ty trong ngành dầu ăn chấp nhận chiến lược tố tụng để theo đuổi chi phí giao dịch tương đối thấp. Rõ ràng việc ngành này tham gia sân chơi toàn cầu là một động lực quan trọng đẩy nhanh tiến độ hơn so với các ngành nội địa khác.
Tại thời điểm đó, các doanh nghiệp phải lặn lội qua các kênh không chính thức bởi không có quy định hay cơ chế nào điều chỉnh việc khởi kiện trong cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại đa phương. Điều này dẫn đến hai nguy cơ cùng lúc: một mặt có thể cho phép chính phủ tự hủy khiếu nại thương mại, mặt khác có thể gây ra tranh cãi nội bộ các cơ quan chính phủ và do đó cản trở khả năng hợp tác hiệu quả.
Cuối cùng, kéo dài quá trình giải quyết tranh chấp tại WTO có thể phương hại đến thị phần của Achentina tại Chi lê: “Khi mà chúng ta không có mặt trên thị trường khoảng hai năm, để giành lại vị trí ban đầu là điều vô cùng khó khăn.”(26)
Đối mặt với khả năng không được bồi thường và mức thiệt hại lên tới 50 triệu đô la Mỹ, cả chính phủ và doanh nghiệp đều cân nhắc vấn đề trả đũa với các sản phẩm của Chi lê. Nhưng việc trả đũa là một giải pháp hoàn toàn không thỏa đáng. Từ góc độ doanh nghiệp, biện pháp trả đũa không bù đắp được khoản lỗ, còn về phía chính phủ, nó có thể phá hủy hoàn toàn quan hệ hợp tác với Chi lê.
V. Bài học
Không phải vấn đề nào cũng đưa lên Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO và đây cũng không phải là việc dễ dàng thực hiện. Việc này mất thời gian, tốn kém và do đó chỉ các doanh nghiệp và quốc gia lớn mới áp dụng. Cùng với đó là ảnh hưởng về chính trị, đặc biệt khi áp dụng giải quyết tranh chấp với một đối tác thân thiết. Tuy nhiên, kinh nghiệm của Achentina cho thấy WTO đã góp phần hạn chế những hiện tượng phân biệt về thương mại, WTO như một chiếc kính lúp theo sát chính sách thương mại của các nước thành viên. Ngoài ra, WTO còn được xem như một bên thứ ba trung lập trong vấn đề chia rẽ khu vực.
Cụ thể, vụ việc này cho chúng ta những bài học sau:
Về vấn đề xây dựng cơ chế nội địa, việc thiếu những cơ chế rõ ràng và sẵn có để giải quyết tranh chấp là bất lợi cho tất cả các bên. Trong khi khu vực tư nhân có nguy cơ bị lờ hoặc hủy các khiếu nại, các cơ quan chức năng không chắc chắn về năng lực cũng như các quyết định của họ. Đối với các nước đang phát triển thì chi phí và nguồn lực chuyên môn là một vấn đề lớn. Một giải pháp khả thi và không tốn kém là tái phân bố các viên chức nhà nước để xây dựng các nhóm chuyên gia đa ngành và ổn định giải quyết các tranh chấp thương mại. Theo cách này, kinh nghiệm và nghiên cứu sẽ do một cơ quan chuyên trách đảm nhận, việc thuê hãng luật bên ngoài sẽ chỉ có ý nghĩa bổ sung hoặc phục vụ thu thập dữ liệu khi cần.
Về mặt tham gia của doanh nghiệp, nhân tố then chốt là ý thức trách nhiệm chung với khu vực nhà nước để có thể có được kết quả thành công. Nếu không có các thông tin thực tế, dữ liệu thống kê và hợp tác tài chính từ phía doanh nghiệp thì sẽ không thể nào xây dựng được căn cứ cho vụ kiện.
Về mặt xây dựng năng lực, vụ việc trên là một bài học chung cho tất cả các bên tham gia. Trong khi doanh nghiệp có thể đánh giá chính xác các chi phí và lợi ích cho các vụ kiện có thể xảy ra sau này, sự bảo mật thông tin từ các cơ quan chức năng cũng được thiết lập và khuyến khích áp dụng khiếu nại đối với các sản phẩm khác.
Về chiến lược đàm phán, việc chính phủ tách bạch tạm thời các vấn đề và thực hiện cùng một thời điểm là rất quan trọng để trách sức ép chồng chéo trong nước cũng như vấn đề liên quan trong trong quan hệ song phương với Chi lê. Về phương diên này, vấn đề đặt ra là phải tính toán trước tổn thất lớn nhất và nhỏ nhất mà ngành tham gia có thể phải chịu.
Về quá trình thực hiện cam kết trong WTO, ngoài các vấn đề thực tế (như chi phí, cần trình bày vụ việc bằng tiếng Anh hay tầm quan trọng của việc có các đại diện thương mại của nước láng giềng), một vấn đề rõ ràng là tính chất vô nghĩa của việc thực hiện hành động trả đũa. Hậu quả là nếu các biện pháp kiểu này không được bãi bỏ trong khi quốc gia đó lại không muốn đặt mình vào thế đi trả đũa, nước đó sẽ thất bại. Việc không tuân thủ và đền bù thấp của hành động trả đũa đã hạn chế sức ảnh hưởng của chính hành động này.
Danh mục tham khảo
Ferrugia, Olga và Guerrero, Irene (2000) ‘El complejo oleaginoso en la Argentina y en la provincia de Santa Fe’, trong Mario Lattuada, Olga Ferrugia và Irene Guerrero, eds., El complejo oleaginoso, Ediciones del Arca: Ituzaingo & Rosario, trang 98—136.
Franco, Daniel (2004) ‘Aceite de soja. Análisis de cadena alimentaria’, Secretariat of Agriculture (Ban thư ký nông nghiệp), 24 tháng 5, 2004.
Schvarzer, Jorge and Heyn, Iván (2002) ‘El comportamiento de las exportaciones argentinas en la década del noventa. Un balance de la convertibilidad’, CESPA, tài liệu chuyên môn, tháng 11.
Các trang web khác:
www.ciara.com.ar
www.copal.com.ar
www.indec.gov.ar
Chú thích
1.- Đây là một ví dụ điển hình của “bát mỳ luật pháp”. Trong khi thuế tự vệ tác động lên cả sản phẩm của Bôlivia và Achentina, Bôlivia phải sử dụng tới Hiệp định song phương với Chi lê với một hệ thống giải quyết tranh chấp ràng buộc đôi bên. Theo quy định, biện pháp tự vệ đã không tương thích với Hiệp định Bôlivia-Chi lê và vì thế thuế thu là bất hợp pháp, Chi lê phải hoàn lại thuế.
2.- Theo điều 4.2, các thành viên WTO không được phép duy trì, sử dụng hoặc áp dụng bất kỳ biện pháp nào, theo quy định phải chuyển sang thuế quan thông thường trừ những quy định khác tại Điều 5, Phụ lục 5 (chú thích cuối trang liệt kê cụ thể các biện pháp)
3.- Các thị trường chung lợi ích bao gồm Achentina, Úc và Canada. Các biện pháp nêu ra ở đây là hạn chế số lượng nhập khẩu, thuế nhập khẩu biến thiên, quy định giá nhập khẩu tối thiểu, tự cấp phép nhập khẩu, các biện pháp phi thuế quan khác được áp dụng thông qua các doanh nghiệp thương mại quốc doanh, hạn chế xuất khẩu tự nguyện hoặc các biện pháp biên mậu tương tự khác mà không phải là thuế quan.
4.- Điều 24: ‘Khi sử dụng Hệ thống dải giá trong pháp luật nội địa liên quan đến nhập khẩu hàng hóa, Cộng hòa Chi lê cam kết, trong khuôn khổ Hiệp định này, sẽ không áp dụng với các sản phẩm mới hay sửa đổi cơ chế hay áp dụng chúng theo cách có thể gây ra sự sụt giảm trong khả năng tiếp cận thị trường của MERCOSUR.’
5.- Hiện nay Achentina đang thắc mắc Chi lê về việc thực thi báo cáo này.
6.- Thông thường, các chuyên gia của Bộ kinh tế chịu trách nhiệm chuẩn bị vụ kiện trong các lần xử trước sẽ được chỉ định làm đại diện cho Achentina trên Tòa án Mercosur.
7.- Tiến sĩ Marina García del Rio, tư vấn pháp lý cao cấp tại Bộ kinh tế, bài phỏng vấn, 25 tháng 6 năm 2004
8.- Phỏng vấn, 2 tháng 6 năm 2004.
9.- Nhóm chuyên gia được thành lập bao gồm một chuyên gia từ Chi lê, một từ Mercosur và một người khác với vai trò Chủ tịch từ một nước không phải thành viên.
10.- Tiến sĩ Marina Garcia del Rio, phỏng vấn, 25 tháng 6 năm 2004.
11.- Tiến sĩ Marina Garcia del Rio, phỏng vấn, 25 tháng 6 năm 2004.
12.- Raquel Caminoa from CIARA, phỏng vấn, 9 tháng 6 năm 2004
13.- La Nación,15 tháng 6 năm 2000.
14.-Phỏng vấn, 14 tháng 7 năm 2004
15.- Theo các viên chức nhà nước tham gia vụ việc, khối lượng công việc là khổng lồ và Bộ Ngoại giao đã không hỗ trợ gì cho họ. Giải pháp cho những tranh chấp này vẫn nằm ngoài quyền hạn của những người quyết định việc hỗ trợ trong Bộ và mưc lương thì thấp hơn rất nhiều so với thị trường.
16.- Tiến sĩ Facundo Vila, thuộc Bộ Ngoại giao và là cựu luật sư tại DISCO, phỏng vấn qua điện thoại, 7 tháng 6 năm 2004. Lic. Jorge Iturruza cho hay: “Tôi nghĩ mình có vai trò quan trọng bởi tôi đã quen làm việc với bên Chi lê sau đàm phán Hiệp định Mercosur-Chi lê”
17.- Phỏng vấn, 7 tháng 7 năm 2004
18.- Phỏng vấn, 14 tháng 7 năm 2004
19.- Theo cách này, các nước đang phát triển như Braxin và Venezuela đã học tập khi tiến hành khởi kiện trong các lĩnh vực đầu tầu. Braxin kiện Canada nhằm bảo vệ cho Embraer, hãng sản xuất phi cơ loại nhỏ hàng đầu thế giới, và gần đây là Mỹ và EU với mặt hàng đường, gia cầm và bông. Trường hợp của Venezuela là về các tiêu chuẩn môi trường với Mỹ nhằm bảo vệ PSDVSA, chiếm tới 80% tổng lượng xuất khẩu của nước này.
20.- Vila, phỏng vấn, 7 tháng 6 năm 2004
21.- Vila, phỏng vấn, 14 tháng 7 năm 2004
22.- Vila, phỏng vấn, 7 tháng 6 năm 2004
23.- La Nación, 18 tháng 3 năm 2002
24.-Hậu quả, một thời gian ngắn sau khi quá trình bắt đầu, Chi lê đã thông báo rằng Hệ thống dải giá PBS không làm cho thuế quan cao hơn mức ràng buộc là 31,5%.
25.-Phỏng vấn nhân viên Bộ Ngoại giao, 14 tháng 7 năm 2004
26.-Phỏng vấn một đại diện doanh nghiệp (không tiết lộ danh tính), 2 tháng 6 năm 2004
Tố Loan dịch
Nguồn: www.wto.org