Đưa vụ kiện tôm ra WTO: Việt Nam quyết bảo vệ quyền lợi nhà xuất khẩu
09/01/2012 4415Đưa vụ kiện áp thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với mặt hàng tôm xuất khẩu lên WTO đồng nghĩa với việc gửi thông điệp ra thế giới, Việt Nam thể hiện rõ quyết tâm đấu tranh để bảo vệ các quyền lợi của nhà xuất khẩu trong các vụ kiện chống bán phá giá ở Mỹ hay ở bất kỳ nước nào khác.
Hai nhóm vấn đề được Chính phủ Việt Nam khởi kiện ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là phương pháp zeroing (quy biên độ phá giá âm về 0, làm thiệt cho các nhà xuất khẩu) cùng với phương pháp xác định biên độ phá giá cho các đơn vị tự nguyện và quy tắc “thuế suất toàn quốc” mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã sử dụng trong quá trình rà soát lại thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, vấn đề quan trọng là phương pháp tính zeroing, một thông lệ được Mỹ sử dụng thường xuyên và ổn định trong nhiều vụ kiện chống phá giá. Trong đó, DOC chỉ tính các biên độ có giá trị dương (>0), còn các giá trị âm sẽ tự động chuyển về 0. Như vậy, biên độ phá giá được tính toán cao hơn, mức thuế cũng bị đội lên.
Theo quy định hiện hành của WTO, ngày 1/2/2010 Việt Nam đã trao cho phía Mỹ bản “Yêu cầu tham vấn”, trong đó đề nghị trao đổi một số vấn đề về “kết quả xem xét hành chính của vụ kiện chống bán phá giá tôm” liên quan tới việc tuân thủ Điều I, II, VI:1 và V:2 của Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) 1994; Điều 1, 2.1, 2.4, 2.4.4, 6.8,6.10, 9.1, 9.4, 11.2, 11.3, 18.1 và 18.4 Phụ lục II của Hiệp định chống bán phá giá; Điều XVI:4 của Hiệp định thành lập WTO và Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam. Theo trình tự tố tụng, hai bên sẽ tham vấn trong thời gian 60 ngày.
Việt Nam mong muốn có được cách tính thuế hợp lý và đúng thực tế. Nếu đạt được đồng thuận, phía người tiêu dùng Mỹ có cơ hội thưởng thức tôm của Việt Nam nhiều hơn. Ngược lại, doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam cũng có cơ hội cạnh tranh một cách bình đẳng hơn với các doanh nghiệp khác tại thị trường này. Việc Việt Nam đưa vụ kiện tôm ra WTO được thực hiện thận trọng, đúng nguyên tắc, bảo đảm quyền của một thành viên WTO. "Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý, thực tiễn để đưa vụ kiện tôm ra WTO, đồng thời có đủ căn cứ để chứng minh phía Mỹ ra các quyết định không phù hợp, vi phạm quy tắc WTO”- ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế Việt Nam- khẳng định.
Thực tế, đây không phải lần đầu Mỹ áp thuế bán phá giá mặt hàng tôm nhập khẩu. Trước đây, Bộ Thương mại Mỹ từng phán quyết các nhà xuất khẩu tôm Brazil, Ecuador, Ấn Độ và Thái Lan bán phá giá. Ecuador và Thái Lan đã khởi xướng vụ kiện tranh chấp này lên WTO, tố cáo Bộ Thương mại Mỹ đã sử dụng bất hợp pháp phương pháp tính zeroing và cho rằng, phương pháp này thổi phồng một cách giả tạo biên độ phá giá. Theo kết quả các vụ kiện, hai nước này đã được hưởng thuế thấp do không bị áp dụng zeroing và thôi không phải ký quỹ.
Lợi ích của việc khởi kiện các vấn đề nói trên ra WTO là rất lớn, xét cả góc độ ngành sản xuất, xuất khẩu tôm, cộng đồng doanh nghiệp cũng như vị thế của Chính phủ Việt Nam. Theo VASEP và các luật sư tư vấn, vụ kiện thành công có thể đem lại lợi ích to lớn cho khả năng cạnh tranh của tôm đông lạnh VN trên thị trường Mỹ do không phải đặt cọc tiền chống bán phá giá. Nếu Việt Nam thắng kiện, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế rà soát lần 2 (POR 2) bằng 0, thay cho mức thuế hiện nay từ 4,13 đến 25,75% tùy đơn hàng. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể được thoát hoàn toàn khỏi thuế chống bán phá giá do 3 lần rà soát liên tục có kết quả 0%. Các vấn đề đề xuất kiện nói trên không chỉ liên quan đến vụ kiện tôm của Việt Nam mà còn là phương pháp được Hoa Kỳ áp dụng cho tất cả các vụ kiện trong tương lai đối với hàng hóa khác của Việt Nam.
Từ khi gia nhập WTO, tháng 1/2007 đến nay, đây là lần đầu tiên Việt Nam khởi xướng vụ kiện tranh chấp thương mại giữa hai nước thành viên WTO, sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp trong WTO như một công cụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp nước thành viên. Kiện ra WTO không chỉ để chứng minh tôm xuất khẩu của Việt Nam không bán phá giá mà còn khởi kiện Mỹ vi phạm các quy định trong Hiệp định chống bán phá giá ( ADA). Tuy nhiên, Mỹ là nước có nhiều kinh nghiệm khởi kiện và đối phó với khởi kiện. Vì vậy, trong trường hợp xấu nhất, Việt Nam không thắng kiện, đây sẽ là bài học bổ ích, mang lại kinh nghiệm sâu sắc cho các cơ quan quản lý và các ngành xuất khẩu khác của Việt Nam.
Nguồn: Báo công thương điện tử