Tin tức

Việt Nam chuẩn bị như thế nào trước sự trỗi dậy của các thị trường Châu Á?

01/07/2010    119

Được coi là nền kinh tế tiêu dùng lớn nhất thế giới nhưng khủng hoảng toàn cầu bắt đầu từ năm 2008 đã làm thay đổi đáng kể mức tiêu dùng cá nhân của Hoa Kỳ. Câu hỏi được đặt ra ở đây là, nếu Mỹ không còn giữ vị trí quốc gia tiêu dùng số 1 thế giới nữa thì quốc gia hay vùng lãnh thổ nào sẽ thế chân Hoa Kỳ?

 

Tạp chí Kinh doanh Harvard (HBR) từng đưa ra 2 kịch bản cho thị trường thế giới đến năm 2020 như sau:

 

Kịch bản 1: Châu Á có thể nổi lên như một trung tâm tiêu dùng mới. Trung Quốc và Ấn Độ đều có trên 1 tỷ dân, với thu nhập ở mức trung, mỗi hộ gia đình có thể đạt mức thu nhập 20.000 USD/năm. Con số này có thể cho thấy khả năng về một sự bùng nổ trong tiêu dùng tại các quốc gia này trong tương lai gần. Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế tiêu dùng lớn thứ 3 của thế giới (sau EU và Hoa Kỳ), còn Ấn Độ là thứ 5 (sau Nhật Bản) vào năm 2020. Khi đó, 3 trong số 5 nền kinh tế tiêu dùng lớn nhất thế giới sẽ thuộc về Châu Á à Châu Á sẽ nổi lên như một trung tâm tiêu dùng đơn cực của thế giới.

 

Kịch bản 2: Xu hướng tiêu dùng thế giới có thể trở thành đa cực. Giả sử Trung Quốc và Ấn Độ vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao như hiện nay nhưng chính phủ các nước này lại muốn duy trì tỷ lệ tiết kiệm cao và tỷ lệ tiêu dùng thấp. Khi đó, Hoa Kỳ, EU và Nhật vẫn sẽ duy trì vị trí trong nhóm 3 nền kinh tế có tỷ lệ tiêu dùng lớn nhất thế giới, nhưng với tốc độ tăng trưởng chậm dần. Sau đó mới đến vị trí của Trung Quốc và Ấn Độ.

 

Theo Báo cáo xúc tiến xuất khẩu năm 2009-2010 vừa được xuất bản và được hoàn thành bởi Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) và Cục Xúc tiến Thương mại, trong 2 kịch bản trên, dù thị trường tiêu dùng thế giới phát triển theo hướng đơn cực hay đa cực, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn sẽ nổi lên như những trung tâm tiêu dùng mới do lợi thế về dân số và tốc độ tăng trưởng ổn định trong nhiều năm. Ngoài ra, cũng phải kể đến một số quốc gia mới nổi khác trong khu vực Châu Á như Indonesia và Malaysia.

 

Dự báo tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của một số nước trên thế giới giai đoạn 2010-2015. Nguồn: http://www.marketlineinfo.com

 

 

Đồ thị trên cho thấy, cùng là những nền kinh tế lớn, chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, trong khi Hoa Kỳ và Nhật Bản đang dần phục hồi ở tốc độ tăng trưởng nhập khẩu 4‐5% thì Trung Quốc và Ấn Độ đã vươn lên mạnh mẽ ở mức 18‐23% trong năm 2010 và tiếp tục duy trì ở mức 17‐19% trong các năm tiếp theo. Điều này, ngoài hai nguyên nhân đã đề cập ở trên là quy mô dân số và tăng trưởng ổn định trong nhiều năm, còn được giải thích bằng một nguyên nhân nữa là sự xuất hiện của một tầng lớp dân cư mới, đặc biệt là ở Trung Quốc. Tầng lớp dân cư sinh này ra và lớn lên trong điều kiện vật chất đầy đủ, không bị ràng buộc bởi tâm lý tiết kiệm của thế hệ trước, bị ảnh hưởng bởi phong cách tiêu dùng Âu ‐ Mỹ, đang dần từng bước biến Trung Quốc thành xã hội tiêu dùng.

 

“Diễn biến trên thị trường quốc tế như vậy ảnh hưởng như thế nào đến chiến lược xuất khẩu củaViệt Nam? Khi thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới được dự đoán là quốc gia láng giềng với mình, Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội này  như thế nào?” – báo cáo đặt ra câu hỏi.

 

Đây rõ ràng là bài toán lớn, đặt ra cả cơ hội và thách thức cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên cho tới nay, dường như Việt Nam chưa có sự chuẩn bị cho sự dịch chuyển trong cơ cấu tiêu dùng, cũng như sự trỗi dậy của người Trung Quốc dưới góc độ là một thị trường to lớn. Do đó, các tác giả của Báo cáo cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam nên có nghiên cứu về vấn đề này. 

 

Nguồn: InfoTV