Tin tức

Công bố dự thảo biểu thuế thực hiện 4 hiệp định giữa ASEAN với các đối tác

10/06/2016    42

 Bộ Tài chính đang lấy ý kiến 4 dự thảo Nghị định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các Hiệp định giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Ấn Độ.

Các Nghị định này được thay thế cho hình thức Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành, thực hiện theo Luật Thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2005 cũ.

Theo đó, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2016-2018 ban hành kèm theo dự thảo Nghị định là biểu thuế đã được ban hành theo Thông tư 166/2014/TT-BTC. Các nội dung trong Biểu thuế như mã hàng, mô tả hàng hoá, mức thuế suất cụ thể cho từng mặt hàng, thời gian áp dụng được giữ nguyên theo Thông tư 166.

Về tổng thể, Biểu thuế ACFTA gồm 9.491 dòng thuế (không bao gồm 87 dòng thuế CKD – đây là các mặt hàng bộ linh kiện hoàn chỉnh, hiện Việt Nam không áp dụng chính sách với diện mặt hàng này), trong đó gồm 9.454 dòng thuế theo cấp độ 8 số và 37 dòng thuế được chi tiết theo cấp độ 10 số.

Đối với Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) giai đoạn 2016-2018, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam ban hành kèm theo dự thảo Nghị định là biểu thuế ban hành theo Thông tư 167/2014/TT-BTC và Thông tư sửa đổi 44. Các nội dung trong Biểu thuế như mã hàng, mô tả hàng hóa, mức thuế suất cụ thể cho từng mặt hàng, thời gian áp dụng được giữ nguyên theo Thông tư 167/2014/TT-BTC và Thông tư sửa đổi 44.

Biểu thuế AKFTA gồm 9.487 dòng thuế (không bao gồm 87 dòng thuế CKD) trong đó gồm 9.455 dòng thuế theo cấp độ 8 số và 32 dòng thuế được chi tiết theo cấp độ 10 số.

Tương tự các Hiệp định trên, Biểu thuế của Việt Nam ban hành kèm theo dự thảo Nghị định để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Ấn Độ (AIFTA) giai đoạn 2016-2018 là biểu thuế ban hành theo Thông tư 169/2014/TT-BTC. Các nội dung trong Biểu thuế như mã hàng, mô tả hàng hóa, mức thuế suất cụ thể cho từng mặt hàng, thời gian áp dụng được giữ nguyên theo Thông tư 169/2014/TT-BTC.

Biểu thuế AIFTA gồm 9.489 dòng thuế (không bao gồm 87 dòng thuế CKD) trong đó gồm 9.456 dòng thuế theo cấp độ 8 số và 33 dòng thuế được chi tiết theo cấp độ 10 số.

Lộ trình cắt giảm thuế quan trong 3 Biểu thuế nêu trên được áp dụng cho 3 giai đoạn: Từ 01/9/2016 đến 31/12/2016; từ 01/01/2017 đến 31/12/2017; và từ 01/01/2018 đến 31/12/2018.

Thuế suất ACFTA, AKFTA và AIFTA được xây dựng trên cơ sở lộ trình giảm thuế phù hợp với cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Trong khi đó, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) giai đoạn 2016-2019 ban hành kèm theo dự thảo Nghị định là biểu thuế ban hành theo Thông tư số 24/2015/TT-BTC, được sửa đổi về mặt thời gian áp dụng cho giai đoạn 2016-2019 để phù hợp với tình hình thực tế khi Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/9/2016. Các nội dung trong Biểu thuế như mã hàng, mô tả hàng hóa, mức thuế suất cụ thể cho từng mặt hàng, thời gian áp dụng được giữ nguyên theo Thông tư số 24/2015/TT-BTC.

Về tổng thể, Biểu thuế gồm 9.487 dòng thuế (không bao gồm 87 dòng thuế CKD) trong đó gồm 9.459 dòng thuế theo cấp độ 8 số và 28 dòng thuế được chi tiết theo cấp độ 10 số. Lộ trình cắt giảm thuế quan trong Biểu thuế ban hành được áp dụng cho 3 giai đoạn: Từ 01/9/2016 đến 31/3/2017; từ 01/4/2017 đến 31/3/2018; và từ 01/4/2018 đến 31/3/2019. Thuế suất AJCEP được xây dựng trên cơ sở lộ trình giảm thuế phù hợp với cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ AJCEP.

Điều kiện cụ thể để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định của các Hiệp định nêu trên tương tự theo quy định tại các Thông tư 25/2015/TT-BTC (AJCEP), Thông tư 167/2014/TT-BTC (AKFTA), Thông tư 169/2014/TT-BTC (AIFTA) và Thông tư 166/2014/TT-BTC (ACFTA).

Cụ thể như: thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định; được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước là thành viên của Hiệp định Thương mại hàng hóa giữa ASEAN với các đối tác trên; được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu đến Việt Nam theo quy định của Bộ Công Thương; đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa và có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo quy định...

Cả 4 dự thảo Nghị định nêu trên sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2016 để phù hợp với thời điểm có hiệu lực của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016; áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2018, riêng AJCEP là 2016 – 2019, phù hợp với thời điểm hiệu lực của Nghị định và đồng bộ hóa với Lộ trình Biểu thuế đã ban hành, đảm bảo tính ổn định và dễ theo dõi cho doanh nghiệp.

Theo Bộ Tài chính, về bản chất, việc áp dụng Biểu thuế theo các dự thảo Nghị định nêu trên không thay đổi so với việc áp dụng Biểu thuế theo các Thông tư hiện hành. Như vậy, việc ban hành Nghị định không phát sinh tác động đến việc thực thi các cam kết trong khuôn khổ ACFTA, AKFTA, AIFTA và AJCEP nhưng vẫn đảm bảo tính ổn định của biểu thuế ưu đãi đặc biệt./.

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam