Tin tức

Hoạt động xúc tiến thương mại: Đừng để cái khó bó cái khôn (Kỳ 1)

26/04/2016    10

Trong nhiều năm trở lại đây, xuất khẩu của Việt Nam vẫn luôn duy trì được mức tăng trưởng hai con số và trở thành trụ cột phát triển chính của cả nền kinh tế. Thành quả đó có được, không thể tách rời sự đóng góp to lớn của công tác xúc tiến thương mại (XTTM). Tuy nhiên, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới công tác XTTM, tạo động lực cho xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng bền vững.

Bài 1: Thiếu bài bản, chuyên nghiệp

Quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã mở ra cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế, nhất là về xuất khẩu. Tuy nhiên, một trong những động lực chính để thúc đẩy xuất khẩu là công tác XTTM lại đang vấp phải không ít khó khăn do ngân sách nhà nước (NSNN) dành riêng cho XTTM dần bị cắt giảm. Bên cạnh đó, cách làm thiếu bài bản, chuyên nghiệp đã khiến hiệu quả XTTM mang lại chưa được như mong đợi.

Nguồn lực “eo hẹp”

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) được thành lập vào năm 1998, cũng là thời điểm các doanh nghiệp (DN) thủy sản trong nước bắt đầu bước ra thế giới tìm kiếm cơ hội khai phá thị trường. Ở giai đoạn này, để hỗ trợ DN thủy sản làm XTTM, VASEP chỉ có khả năng tổ chức những gian hàng với diện tích vỏn vẹn vài chục mét vuông tại các hội chợ chuyên ngành thủy sản tại TP Brúc-xen (Bỉ) hay TP Bô-xtơn (Hoa Kỳ),… với nguồn kinh phí được đóng góp từ DN hội viên hay tài trợ của các Dự án hỗ trợ phát triển xuất khẩu. Mọi chuyện bắt đầu khởi sắc khi VASEP được chọn làm đơn vị chủ trì tham gia Chương trình XTTM quốc gia với nhiệm vụ thực hiện các hoạt động tiếp thị cho ngành thủy sản. Trong giai đoạn từ năm 2006-2010, với số tiền trung bình khoảng 12 tỷ đồng/năm được hỗ trợ từ nguồn NSNN, VASEP đã có điều kiện để tổ chức mỗi năm khoảng 10 đoàn DN đi tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế, khảo sát thị trường, kết nối giao thương cũng như mua thông tin số liệu thị trường…

Các hoạt động này đã góp phần rất lớn trong phát triển thị trường, tìm kiếm đầu ra cho ngành thủy sản và thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của ngành tăng mạnh trong thời gian này (tăng hơn 50% trong vòng 5 năm). Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2011 - 2015, nguồn kinh phí này giảm hơn một nửa, trung bình mỗi năm, VASEP chỉ còn nhận được khoảng năm tỷ đồng cho các hoạt động XTTM. Cùng với khó khăn chung của thị trường thế giới cũng như những yếu kém nội tại của ngành thủy sản, sự đầu tư giảm sút cho hoạt động XTTM càng khiến tốc độ phát triển của ngành chậm đi thấy rõ. Đáng lo ngại, kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đã giảm hơn 16% so với năm 2014, cho thấy ngành thủy sản bắt đầu đi vào thời kỳ suy thoái sau hơn 20 năm phát triển mạnh mẽ.

Ý thức được vai trò chiến lược của XTTM, trong những năm qua, dưới sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, nhiều hoạt động đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, hỗ trợ các DN thuộc nhiều lĩnh vực, địa bàn và quy mô khác nhau để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Những nỗ lực này cũng đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng trưởng bình quân 10%/năm. Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến Chương trình XTTM quốc gia đã hỗ trợ tích cực, hiệu quả việc xúc tiến xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm; đồng thời chú trọng đẩy mạnh hoạt động XTTM đối với các sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh, như: dệt may, da giày, công nghệ thông tin, điện tử, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ,…

Từ Chương trình này, sự hiện diện của sản phẩm xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,… ngày càng được mở rộng. Ngoài ra, Chương trình cũng đạt thành công trong việc đưa DN trở lại các thị trường truyền thống như Nga và các nước Đông Âu; tăng cường hoạt động tại thị trường Mi-an-ma, Lào, các nước châu Phi,… Theo thống kê, các hoạt động thuộc Chương trình XTTM quốc gia giai đoạn 2010 - 2015 đã thu hút hơn 30 nghìn lượt DN tham gia, trực tiếp giao dịch và ký kết hợp đồng với tổng trị giá hợp đồng xuất khẩu hàng hóa và doanh số bán hàng đạt gần 6,3 tỷ USD cộng với hơn hai nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, công tác XTTM thực tế vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi mà một trong những nguyên nhân là do nguồn lực quá “eo hẹp”. Cục trưởng XTTM (Bộ Công thương) Bùi Huy Sơn nhìn nhận: Mức đầu tư cho các hoạt động XTTM tại Việt Nam là rất hạn chế so với thế giới cũng như các nước trong khu vực. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh phí dành cho Chương trình XTTM quốc gia của Việt Nam hiện nay tính trên kim ngạch xuất khẩu chỉ chiếm tỷ trọng 0,003%, trong khi mức trung bình của thế giới là 0,11%. Như vậy, tỷ trọng này chỉ tương đương 1/30 tỷ trọng trung bình của toàn thế giới, bằng 1/4 so với Băng-la-đét và bằng 1/10 so với Thái-lan. Chưa kể, cách thức XTTM phục vụ xuất khẩu của các nước rất chuyên nghiệp, bài bản hơn ta rất nhiều.

Đụng đâu cũng khó

Thực tế cũng chỉ ra rằng, mức kinh phí từ NSNN dành cho Chương trình XTTM Quốc gia cũng thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế của các DN. Trong năm 2015, Bộ Công thương đã tiếp nhận 389 đề án với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ là 240 tỷ đồng, nhưng NSNN chỉ bố trí được hơn 40% nhu cầu của các đơn vị. Sang năm 2016, Bộ Công thương tiếp nhận 496 đề án (tăng 27% so với năm 2015) với tổng kinh phí là gần 300 tỷ đồng (tăng 22% so với năm 2015) nhưng lại chỉ được bố trí kinh phí là 90 tỷ đồng (đáp ứng khoảng 30% nhu cầu). Theo Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải, kinh phí “eo hẹp” đã gây rất nhiều khó khăn trong việc phê duyệt Chương trình XTTM. Nhiều đề án tốt, có tính khả thi cao và thiết thực, phục vụ trực tiếp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và an sinh xã hội nhưng do không có kinh phí, cho nên không được đưa vào phê duyệt thực hiện. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng, nhưng đầu tư ngược lại cho xúc tiến xuất khẩu lại ngày càng bị cắt giảm, đã dẫn đến việc thiếu nguồn lực để triển khai các chương trình hỗ trợ, nhất là cho DN nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, ngoài vấn đề về kinh phí, công tác XTTM hiện nay cũng đang tồn tại rất nhiều hạn chế khác. Trước hết, nguồn nhân lực làm XTTM hiện vẫn thiếu. Số liệu điều tra chỉ rõ, chỉ có 31,7% các cơ quan XTTM địa phương có hơn 10 cán bộ trực tiếp làm công tác XTTM. Đội ngũ này còn “vấp” phải hai hạn chế cơ bản là yếu về nghiệp vụ và ngoại ngữ trong khi công việc XTTM lại đòi hỏi phải giao tiếp thường xuyên với các đối tác nước ngoài để trao đổi thông tin, đàm phán, kết nối các DN trong và ngoài nước. Vì vậy, đội ngũ này cần sớm được nâng cao về số lượng cũng như chất lượng. Tiếp đến, hoạt động XTTM nhiều năm qua vẫn chưa có sự đổi mới rõ rệt. Hiệu quả của các hoạt động này dường như mới chỉ dừng ở những hoạt động bề nổi như các hội chợ, triển lãm, hội thảo… mà ít nội dung đi vào thực chất. Nhiều DN cũng thống nhất rằng, XTTM là hoạt động cần thiết và phải làm thường xuyên. Song, muốn đạt hiệu quả tốt hơn, hoạt động XTTM phải thay đổi theo hướng có chiến lược dài hơi, tập trung đúng đối tượng, tránh kiểu làm dàn trải. Hiện nay, thành phần được tham gia các hoạt động XTTM tương đối rộng. Cách làm này dường như đã lạc hậu. Thời điểm hiện tại, công tác XTTM nên tập trung vào những thị trường trọng điểm với sự đầu tư chuyên sâu vào từng mặt hàng chiến lược. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt đánh giá: Nhiều đoàn đi XTTM được tổ chức thiếu chuyên nghiệp, thường làm theo kiểu kết hợp nên không tạo được ấn tượng cũng như uy tín. Vì vậy, nhiều hoạt động đã không thu hút được sự quan tâm từ những đối tác quan trọng, những khách hàng lớn.

Một thực trạng khác đang khiến nhiều DN lo lắng là khi thị trường xuất khẩu đang ngày càng “mở” thì thông tin cho DN lại càng thiếu, nhất là về những thị trường mới. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) Phan Thị Thanh Xuân nhấn mạnh: Thông tin rất quan trọng đối với DN. Muốn hội nhập sâu, DN cần nắm rõ những thông tin về tiêu chuẩn cũng như điều kiện của quá trình hội nhập, đồng thời tìm hiểu rõ làm thế nào đáp ứng tốt những yêu cầu đặt ra. Ngược lại, khách hàng trên toàn cầu cũng cần biết được lợi thế, tiềm năng của DN Việt Nam để tiến hành hợp tác. Vì vậy, việc tuyên truyền thông tin theo cả hai chiều cần được đẩy mạnh hơn nữa. Thực tế, thông tin XTTM dành cho DN thường rất hạn chế, đôi khi chỉ là những số liệu đơn thuần, thiếu sự phân tích. Tổng Thư ký Hiệp hội các DN nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh nhấn mạnh: Người làm XTTM phải hiểu được nhu cầu trước mắt của DN, đồng thời nắm bắt rõ về thời vụ sản phẩm cũng như nhu cầu dài hạn của thị trường để đưa ra định hướng cho các nhà sản xuất phát triển sản phẩm.

Một vấn đề cũng được nhiều DN phản ánh là sự tương tác thông tin giữa các trung tâm XTTM, các thương vụ của Việt Nam tại nhiều quốc gia trên thế giới với các hiệp hội, ngành hàng trong nước chưa phát huy được hiệu quả. Tại một số thị trường, vai trò cung cấp thông tin của thương vụ rất mờ nhạt, khiến DN khó nắm bắt được thông tin chính xác về thị trường. Do vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các thương vụ với các hiệp hội, ngành hàng để cung cấp thông tin hai chiều một cách hiệu quả. Đại diện của VASEP cho rằng: Lực lượng nhân sự của hầu hết các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài rất mỏng, do đó, việc hỗ trợ DN còn gặp rất nhiều hạn chế.

Đặc biệt, khi DN có nhu cầu khảo sát thị trường chuyên sâu, tìm kiếm khách hàng hay quảng bá sản phẩm đến các đối tượng tiềm năng, hầu như là bất khả thi với nguồn nhân lực và kinh phí hoạt động của các thương vụ. Cơ chế dịch vụ hóa mà Chính phủ đã phê duyệt chính là chiếc “chìa khóa” để giải quyết tốt vấn đề này. Tuy nhiên, việc thực hiện trả phí cho các dịch vụ hỗ trợ này cần được thực hiện một cách minh bạch và hợp lệ để DN có thể hạch toán đầy đủ khoản chi phí này vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, một số yêu cầu cơ bản về thông tin thị trường như quy mô thị trường, sản phẩm được tiêu thụ phổ thông, đối tượng dẫn dắt thị trường, danh sách các DN đầu mối (nhà nhập khẩu, nhà phân phối, nhà bán lẻ hiện đang hoạt động trên thị trường),… các cơ quan thương vụ nên hỗ trợ miễn phí cho DN trong giai đoạn thăm dò thị trường.

Nguồn: Báo điện tử Nhân Dân