Tin tức

Vấn đề lao động trong hội nhập kinh tế quốc tế: Biến thách thức thành cơ hội

02/04/2016    398

Hội nhập kinh tế sẽ mang đến những cơ hội về thương mại, tăng trưởng kinh tế cũng như tạo ra việc làm. Song hội nhập cũng tạo ra những thách thức đối với lao động, việc làm, an sinh xã hội…

Thách thức khu vực kinh tế phi chính thức

Theo bà Đào Hồng Lan- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, hội nhập sâu rộng đồng nghĩa với Việt Nam sẽ phải đối mặt nhiều hơn với những cú sốc, những biến động từ kinh tế thế giới. Biến động này sẽ nhanh chóng tác động tới việc làm và thu nhập của NLĐ. Vì vậy, việc mở rộng khu vực chính thức là một ưu tiên quan trọng nhằm phát triển việc làm bền vững. Hiện khu vực kinh tế phi chính thức tiếp tục chiếm tỉ trọng cao và có đóng góp lớn. Song lợi ích của nhóm này vẫn chưa được chính thức hóa mặc dù đây là yêu cầu cần thiết trong quá trình hội nhập.

Việc chính thức hóa kinh doanh, thúc đẩy NLĐ từ phi chính thức thành chính thức cần có sự hỗ trợ và thúc đẩy từ phía Nhà nước. Dưới góc độ chính sách về thị trường lao động, cần hướng tới sự cân bằng giữa pháp luật bảo vệ NLĐ và bảo vệ việc làm. Đó là vừa bảo vệ được quyền lợi NLĐ, nhưng đồng thời cũng giảm các gánh nặng về chi phí nhằm khuyến khích chủ SDLĐ chủ động chuyển đổi.

Còn theo TS.Vũ Sỹ Cường- Khoa Tài chính công (Học viện Tài chính), bình đẳng giới và vấn đề lao động phi chính thức đang là một thách thức rất lớn với nền kinh tế. Tuy nhiên, vai trò của khu vực kinh tế cá thể, kinh tế phi chính thức rất quan trọng. Lợi ích của chính thức hóa, đặc biệt thúc đẩy việc làm bền vững là xu thế bắt buộc trong hội nhập. Việc chính thức hóa kinh doanh thúc đẩy NLĐ, từ lao động phi chính thức thành chính thức cần có sự hỗ trợ và thúc đẩy từ phía Nhà nước. Do đó, Nhà nước cần thiết kế chính sách theo hướng bảo vệ NLĐ hơn là bảo vệ việc làm sẽ tăng tính linh hoạt của thị trường lao động, góp phần nới lỏng các quy định về bảo vệ việc làm theo hướng cân bằng hơn về quyền lợi giữa NLĐ và người SDLĐ. Đồng thời, phải xem đào tạo nghề là hỗ trợ then chốt cho lao động ở khu vực phi chính thức. “Việc chuyển đổi lao động mang lại nhiều lợi ích cho DN như: Tăng đầu tư, tăng lợi nhuận từ 10 đến 20%, giảm lao động thời vụ từ 12- 16%, trả lương cao hơn 17% so với nhóm phi chính thức và tiếp cận tốt hơn với tín dụng”- ông Cường nhận định.

Bà Đào Hồng Lan cũng cho biết thêm, đào tạo nghề hiện nay vẫn là khâu yếu, các chương trình nghề chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người SDLĐ. Khu vực phi chính thức, kể cả DN NVV trong khu vực chính thức còn tiếp cận hạn chế các chương trình đào tạo nghề. Chính vì vậy, tăng tính thị trường của hệ thống cung cấp dịch vụ công về đào tạo nghề, tăng tính cạnh tranh, cho phép và tạo điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân tham gia vào các chương trình nghề đang được tài trợ bởi ngân sách là một giải pháp cần được xem xét và cân nhắc.

Tăng bao phủ hệ thống an sinh xã hội

Việt Nam hiện có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh về việc làm bền vững và bình đẳng giới. Tỉ lệ lực lượng lao động và sự chênh lệch về tiền lương giữa lao động nam và lao động nữ đã được thu hẹp đáng kể. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 23% phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế, có công việc được trả lương nhưng cũng chỉ được trả bằng 86% mức tiền lương cơ bản của nam giới. Khoảng 72% nữ giới đang tham gia vào lực lượng lao động song chủ yếu là những ngành nghề đơn giản, vị trí ít quan trọng, thu nhập thấp khiến họ bị hạn chế khả năng cống hiến và phát triển.

Cũng theo phân tích của bà Lan, lao động phổ thông, lao động thu nhập thấp và đặc biệt là lao động nữ sẽ là đối tượng chịu tác động khắc nghiệt nhất. Khả năng ứng phó của họ cũng thấp hơn do tiếp cận mạng lưới an sinh xã hội yếu hơn. Do đó, để giúp đỡ hiệu quả nhóm này, hệ thống an sinh xã hội phải tổ chức tốt, bao trùm được những nhóm yếu thế và khu vực phi chính thức.

Việt Nam đã lồng ghép bình đẳng giới trong quy trình xây dựng Luật BHXH năm 2014 và Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014. Trong khi Luật BHXH đã bổ sung chế độ thai sản với nam giới, cải thiện các chính sách cho phụ nữ thì Luật Giáo dục nghề nghiệp tạo cơ hội để các học viên nam và nữ được bình đẳng hơn trong hưởng thụ các chính sách giáo dục. Bà Lan nói: “Theo Luật mới, thời gian đào tạo và liên thông trong đào tạo linh hoạt hơn. Các chính sách dạy nghề đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp và đảm bảo tỉ lệ 50% số lượng học viên nữ được tham gia học nghề. Người học là phụ nữ, lao động nông thôn sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo”.

Nguồn: Bảo hiểm xã hội