Tin tức

Khi nước ngoài đầu tư nuôi cá: Sức ép tạo nên liên kết

16/06/2010    111

Trong tháng 6 này, 300 tấn cá tra nuôi theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu (Global GAP) của công ty cổ phần NTACO (An Giang) được Binca Seafoods Vietnam (nhà phân phối thuỷ sản châu Âu) thu mua với giá cao.

Mới đây, Mazzetta, nhà nhập khẩu, phân phối thuỷ sản đông lạnh hàng đầu của Mỹ, liên kết với Proconco triển khai dự án nuôi cá tra sạch tại An Giang.

Áp lực cạnh tranh khi xuất hiện các trang trại có vốn nước ngoài mở đường cho con tôm, con cá tiếp cận lối nuôi mới, sạch và đủ sức đến được các thị trường khó tính ở nước ngoài.

Bà Phạm Thị Hoà, phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho biết tập đoàn Mazzetta (Mỹ) và Proconco – đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, xuống khảo sát và đề nghị chọn một số nơi triển khai kỹ thuật cho nông dân nuôi cá sạch. Theo bà Hoà, UBND tỉnh đã yêu cầu phải lập dự án cụ thể, sau đó mới chấp thuận cho triển khai.

Từ áp lực người dùng

Theo thông tin từ hai doanh nghiệp trên, bước đầu họ sẽ hỗ trợ cho người nuôi cá tra xây dựng quy trình khép kín từ nguồn thức ăn, nông trại, chế biến, đến người tiêu dùng. Ông Tom Mazzetta, chủ tịch tập đoàn Mazzetta cho biết, Proconco sẽ đảm trách nguồn thức ăn sạch, hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng và chế biến sản phẩm. Còn Mazzetta, với lợi thế nhà phân phối thuỷ sản hàng đầu tại Mỹ sẽ đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Dự kiến, mô hình hợp tác này sẽ giúp Mazzetta tăng sản lượng mua cá mỗi tháng từ 600 tấn hiện nay lên 1.000 tấn mỗi tháng từ năm 2011 trở đi.

Trước đó, ông Bùi Khương Thới, trưởng đại diện Binca Seafoods Vietnam, nhà nhập khẩu thuỷ sản Đức, cho biết, từ đầu năm 2009, Binca chủ động liên kết với NTACO xây dựng vùng nuôi cá tra khởi đầu, rộng 35ha đạt chuẩn Global GAP. Ngoài ra, Binca còn đầu tư 2 triệu USD cho các hộ ở An Giang nuôi cá tra sinh thái, sản lượng 1.200 tấn/năm và đang liên kết với công ty Sinabico (Năm Căn, Cà Mau) nuôi tôm sú sinh thái, sản lượng khoảng 2.000 tấn/năm. Ông Thới cho hay, khi thị trường châu Âu đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng, nhất là trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nên Binca phải chuyển giao kỹ thuật, trực tiếp đứng ra giám sát quy trình nuôi trước khi thu mua, chế biến, bán sang châu Âu.

Không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà ngay cả nhà nhập khẩu – nếu muốn bán được hàng cũng phải nắm rõ nguồn gốc sản phẩm, và họ bắt đầu nhảy vào liên kết với một số doanh nghiệp đầu tư nuôi.

Đến áp lực cho doanh nghiệp trong nước

Theo ông Ngô Phước Hậu, phó chủ tịch hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), một khi nhà nhập khẩu nước ngoài trực tiếp tham gia vào thị trường nguyên liệu sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam quan tâm hơn đến việc đầu tư vào nuôi trồng. “Nếu cứ ngồi chờ dân nuôi thì chắc chắn sẽ không có đủ nguyên liệu. Hơn nữa, một khi nguồn gốc nguyên liệu mà không nắm thì khó được thị trường chấp nhận”, ông Hậu nói.

Thực tế đến nay, trong nước vẫn còn rất ít doanh nghiệp đạt Global GAP. Ngày 10.6, mới có thêm hai đơn vị ở An Giang được cấp chứng nhận Global GAP là công ty cổ phần thuỷ sản Việt An và trung tâm Nghiên cứu giống thuỷ sản An Giang. Ông Trương Minh Giàu, phó tổng giám đốc phụ trách nuôi trồng Việt An, thừa nhận chính việc thị trường ngày càng khó tính hơn buộc doanh nghiệp phải thay đổi. Theo ông Giàu, để vùng nuôi cá đạt chuẩn Global GAP là cả quy trình khắt khe, nhưng đổi lại doanh nghiệp có thể an tâm đầu ra.

Theo ông Hậu, so với hộ nông dân, doanh nghiệp có lợi thế hơn khi đầu tư vào vùng nuôi đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Ông Thới thì cho rằng, nông dân có thể tự đứng ra tổ chức nuôi thuỷ sản sạch nhưng nếu không ký được hợp đồng tiêu thụ ổn định thì cũng rất khó, vì mô hình nuôi này chi phí cao hơn 20 – 25%. Do đó, theo ông Hậu, để người nuôi tham gia, hưởng lợi từ quy trình nuôi thuỷ sản sạch, cách tốt nhất là tạo ra chuỗi liên kết từ nhà máy, người nuôi, các bên sản xuất giống, thức ăn, thuốc thú y.

Nguồn: Báo Công Thương Điện tử