Hoa Kỳ đánh giá cao những bước tiến vượt bậc của Việt Nam
16/06/2010 104
Đó là khẳng định của Đại sứ Demetrios Maratis, Phó trưởng Đại diện thương mại Hoa Kỳ phụ trách khu vực châu Á và châu Phi, trong buổi thuyết trình chiều nay (10/6) tại trường Đại học Ngoại thương Hà Nội nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Buổi thuyết trình do Bộ Công Thương,Ủy ban Hợp tác kinh tế quốc tế và Trường Đại học Ngoại thương phối hợp tổ chức tại Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội). Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, ông Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, chủ trì buổi thuyết trình với sự tham dự của các đại biểu đại diện cho nhiều tổ chức kinh tế, khoa học trong nước cùng đông đảo sinh viên trường Đại học Ngoại thương.
Phát biểu khai mạc buổi thuyết trình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyên Cẩm Tú nhấn mạnh, trong 25 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là thương mại, cùng với các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng… đã đóng góp to lớn vào những thành tựu đổi mới của đất nước. Đây chính là cơ sở đề Việt Nam đứng vững và vượt qua một cách thành công cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới trong thời gian vừa qua và đây cũng chính là nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai của Việt Nam.
Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và đang tiếp tục hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới với chính sách mở rộng quan hệ đối ngoại, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập. Về thương mại, hiện nay Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó, Hoa Kỳ là một trong những bạn hàng và cũng là nhà đầu tư lớn của Việt Nam. Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ kể từ sau thời điểm bình thường hóa quan hệ (tháng 7/1995) đến nay đã phát triển nhanh chóng, mang lại lợi ích, nhất là lợi ích kinh tế cho cả hai quốc gia.
Thống nhất với nhận định này, mở đầu cho phần thuyết trình của mình, Đại sứ Demetrios Maratis đánh giá cao những bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong những năm qua, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Đại sứ Demetrios Marantis cũng đánh giá cao những kết quả mà Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được sau 15 năm bình thường hóa quan hệ. Ông nói: “Kể từ sau năm 1995- năm Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức bình thường hóa quan hệ- thương mại hai chiều của hai nước đã phát triển nhanh chóng. Một ví dụ điển hình, nếu năm 2001, kim ngạch thương mại hai chiều là 1,97 tỷ USD thì nay đã lên đến 15,4 tỷ USD và hiện Hoa Kỳ là đối tác lớn nhất của Việt Nam trong cả lĩnh vực thương mại và đầu tư và là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, có được những kết quả và bước tiến nói trên chính là từ mối quan hệ song phương Việt- Mỹ, cũng như những chính sách tự do hóa thương mại của hai bên. Đây là nền tảng quan trọng để hai quốc gia tiếp tục phát triển hơn nữa mối quan hệ thương mại, đầu tư trong tương lai. Đây cũng chính là lý do mà trong các chính sách thương mại trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Hoa Kỳ Obama đã xem Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng".
Đề cập đến những ưu tiên trong chính sách thương mại trong chương trình nghị sự nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama, ông Demetrios Maratis cho biết, Tổng thống Hoa Kỳ đã công bố một sáng kiến quốc gia tại Hoa Kỳ đó là chính sách giúp tăng cường lưu lượng thương mại giữa Hoa Kỳ với các quốc gia khác trên thế giới trong đó có khu vực châu Á- Thái Bình Dương- Trung tâm phát triển của thế giới. “Tổng thống Hoa Kỳ đã yêu cầu Trưởng đại diện thương mại Hoa Kỳ tập trung các chính sách và sáng kiến thương mại đối với khu vực này. Hiện các chính sách và sáng kiến này đang được triển khai dưới nhiều hình thức tại hầu hết các nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, đặc biệt là tại Việt Nam- Ngài Demetrios Maratis nhấn mạnh- Đáng chú ý là thông qua Diễn đàn kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) với 21 nền kinh tế thành viên, Hoa Kỳ, Việt Nam và các nước thành viên APEC đã cùng nhau đưa ra những sáng kiến mở rộng quan hệ thương mại với mục tiêu giúp hoạt động giao thương giữa Hoa Kỳ với các nước thành viên APEC và giữa các thành viên APEC với nhau được thuận lợi hơn và cùng nhau tuân thủ tốt hơn các quy tắc thương mại quốc tế trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Đại sứ Demetrios Maratis cho biết, Tổng thống Hoa Kỳ cũng đưa ra sáng kiến đối tác xuyên Thái Bình Dương, Thương mại quốc tế (TPP) với 8 quốc gia, bao gồm Australia, Brunei, Chile, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam. Đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ mở rộng Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương hiện tại giữa Brunei, Chile, New Zealand và Singapore đã có hiệu lực từ năm 2006. Vòng đàm phán chính thức đầu tiên cho Đối tác Xuyên Thái Bình Dương đã được tổ chức tại Melbourne, Australia vào trung tuần tháng 3/2010 vừa qua. Trong vòng đàm phán này, các nhà đàm phán đã tập trung tháo gỡ những trở ngại mới nảy sinh trong khu vực, bao gồm các dịch vụ, thương mại điện tử và công nghệ xanh.
“Trong vòng đàm phán này, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tham gia tích cực nhất, điều này cho thấy Việt Nam đang chủ động hợp tác với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới với mục tiêu mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư”- ông Demetrios Maratis cho biết và nói thêm: “Việc đi tiên phong của Việt Nam sẽ là động lực để các quốc gia khác tham gia và các hiệp định tương tự như vậy. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực đáng kể này của Chính phủ Việt Nam”.
Nguồn: Báo Công Thương Điện tử
- Hội thảo: Thuế Đối ứng của Hoa Kỳ & Ứng phó của Doanh nghiệp Việt Nam
- Ông Trump nâng thuế hàng Trung Quốc lên mức 'không tưởng' 245%
- Mỹ chuẩn bị điều tra dược phẩm, chất bán dẫn nhập khẩu làm cơ sở áp thuế mới
- Khai thác FTA: Định hình nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững
- Cần nghiên cứu kỹ thị trường khi xuất khẩu sang EU