Tin tức

Doanh nghiệp nên tận dụng triệt để lợi thế TPP

03/08/2015    20

(DĐDN) – Ngày 3/8, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đã kết thúc toàn bộ đàm phán song phương với tất cả các nước tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo lời khuyên của các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng triệt để những lợi thế từ Hiệp định này.

Dù còn vướng mắc ở một số điểm, nhưng các chuyên gia cho rằng với việc hoàn tất đàm phán, Việt Nam sẽ đạt được lợi ích vô cùng lớn.

Cuối tuần qua, bộ trưởng 12 nước tham gia TPP (gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam) đã nhóm họp phiên thứ 5 tại đảo Hawaii (Mỹ) từ ngày 28-31/7/2015 nhằm giải quyết các nội dung quan trọng còn tồn đọng để kết thúc đàm phán hiệp định TPP.

Vụ Chính sách Thương mại đa biên cho biết, các nước thành viên TPP cơ bản đã đạt được thỏa thuận đáng kể, chỉ để lại một số ít các vấn đề cần thêm thời gian tham vấn trong nước. Ngoài ra, 12 quốc gia cam kết sẽ tiếp tục duy trì động lực đàm phán để giải quyết các vấn đề còn tồn tại này. Hiện các khác biệt chính giữa các nước khiến đàm phán TPP chưa đi đến kết thúc chủ yếu xoay quanh các vấn đề như xuất khẩu sữa và thời hạn bảo hộ quyền sáng chế các loại thuốc mới.

Đoàn Việt Nam gồm lãnh đạo một số bộ ngành và đại diện các bộ ngành có lien quan đến đàm phán do Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng dẫn đầu.

Tại hội nghị, đoàn Việt Nam đàm phán và trao đổi bên lề với đại diện Thương mại Mỹ, Bộ trưởng phụ trách đàm phán TPP của Nhật Bản – hai nước lớn nhất trong TPP, Bộ trưởng Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia Sri Mustapa Mohamed và Bộ trưởng Kinh tế Ildefonso Guajardo của Mexico, và trao đổi bên lề hội nghị với Bộ trưởng Công Thương Lim Hng Kiang của Singapore, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Ed Fast của Canada. Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, sau các cuộc đàm phán này, Việt Nam đã kết thúc toàn bộ đàm phán song phương với tất cả các nước có liên quan trong TPP.

TPP có nguồn gốc từ Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương, được ký kết ngày 3/6/2005 giữa 4 nước Singapore, Chile, New Zealand, Brunei. Đến nay, đã có 12 nước tham gia đàm phán, gồm 4 thành viên sáng lập, thêm Australia, Peru, Mỹ, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico, Nhật Bản. Hiệp định được đánh giá là công trình của thế kỷ XXI với kỳ vọng tạo ra một tiêu chuẩn, khuôn khổ cơ bản cho quá trình hội nhập khu vực, thậm chí của cả thế giới. So với các Hiệp định thương mại tự do khác, TPP có tham vọng, toàn diện và sâu rộng hơn hẳn.

Dù còn vướng mắc ở một số điểm, các chuyên gia cho rằng nếu hoàn tất đàm phán, Việt Nam sẽ đạt được lợi ích vô cùng lớn. Theo Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR), Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia TPP, cụ thể, GDP Việt Nam sẽ tăng tới 2% nếu gia nhập cộng đồng kinh tế này, trong khi mức thay đổi của các quốc gia còn lại đều dưới 1%. Đầu tư toàn xã hội cũng tăng ấn tượng nhất trong các nước, lên tới 30%. Về giá trị tuyệt đối, Việt Nam sẽ có thêm gần 13 tỷ USD vốn đầu tư, xấp xỉ mức tăng của Nhật và gần gấp đôi mức tăng của Australia, Malaysia và Mỹ.

Nguyên nhân là do trong số các nước thành viên của TPP, Việt Nam là quốc gia có ít tự do về thương mại nhất. Các nước có mức thuế đối với Việt Nam là cao, khi vào TPP, mức thuế này hạ xuống thì Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều. “Nếu chúng ta cải cách nền kinh tế giống với các nước đối tác, càng có những sự thay đổi như cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, di chuyển các nguồn lực sản xuất, đất đai, nhân lực…. thì chúng ta càng hưởng lợi nhiều” – ông Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR nhấn mạnh.

TPP cũng sẽ giúp Việt Nam định hình lại được cấu trúc kinh tế. Những ngành kém lợi thế hoặc lợi thế đang suy giảm như thịt lợn, gà, sữa, lâm nghiệp, gỗ… sẽ thu hẹp; mặt khác, có sự mở rộng về sản lượng lẫn lao động trong các ngành có lợi thế và những ngành ít thương mại, đặc biệt là dệt may, da giày, dịch vụ công và xây dựng.

Tuy nhiên, theo VEPR để TPP có sức lan tỏa cao trong dài hạn, Việt Nam cần phải tiến hành cải cách thể chế, tự do hóa thị trường các yếu tố đầu vào như lao động, vốn, đất đai. Hội nhập nếu không đi liền với những cải cách thì không những khiến Việt Nam khó tận dụng được những cơ hội tốt mà còn có thể dẫn đến những suy giảm trong kim ngạch xuất khẩu, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Không sớm thì muộn, Việt Nam sẽ không duy trì được lợi thế về lao động giá rẻ và tăng trưởng kinh tế như trước, giống như trường hợp Trung Quốc hiện nay. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có những biện pháp hợp lý để đối phó với tình huống mất cân đối ngân sách, bởi khi hiệp định TPP được thực thi, các dòng thuế quan sẽ giảm về 0% khiến cho doanh thu từ thuế giảm. Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, bởi khi dỡ bỏ thuế quan, các hàng rào phi thuế quan sẽ ngày càng nhiều.

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp