Tin tức

FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu: Gỡ rào cản cho thủy sản Việt vào Nga

31/08/2015    6

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu, bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan (FTA EAEU) chính thức được ký kết cuối tháng 5 vừa qua mang lại nhiều cơ hội, thuận lợi cho DN Việt Nam nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “FTA Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu: Để doanh nghiệp chủ động nắm bắt cơ hội”, các khách mời đã cung cấp nhiều thông tin cần thiết cũng như gợi ý giải pháp cho những lĩnh vực xuất nhập khẩu quan trọng của Việt Nam.

Thủy sản vào Nga sẽ bớt khó

Đối với ngành thủy sản, FTA EAEU cung cấp khá nhiều ưu đãi như thuế, tỷ lệ hàm lượng nội địa, CO… Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản cho biết, từ nhiều năm qua, thị trường Nga đã được xác định là có sức tiêu thụ đặc biệt lớn, các mặt hàng nông thủy sản không có sự cạnh tranh trực tiếp nhiều. Tuy nhiên do nhiều bất cập, giá trị xuất khẩu thủy sản không nhiều, mỗi năm chỉ đạt 106 – 110 triệu USD.

Một khó khăn lớn là yêu cầu kiểm tra, kiểm dịch, an toàn thực phẩm theo yêu cầu của Nga chưa minh bạch, khiến DN rất khó khăn. Số DN đạt yêu cầu xuất hàng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với số đăng ký với Bộ NN&PTNN và Bộ Công thương. Đây là một vấn đề rất cần có sự hỗ trợ khắc phục của các cơ quan quản lý.

Cung cấp thêm thông tin về vấn đề này, ông Dương Hoàng Minh, Phó Vụ trưởng Vụ châu Âu, Bộ Công thương cho biết, lâu nay DN thủy sản quen xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật Bản, EU, Mỹ. Tuy nhiên tiêu chuẩn của các thị trường này khác với hệ thống kiểm soát chất lượng của Nga (kế thừa của Liên Xô cũ). Vì vậy khi đàm phán, Việt Nam đã đưa ra nội dung tiến tới công nhận tương đương lẫn nhau về hệ thống quản lý vệ sinh ATTP nông lâm thủy sản. Theo quy định của FTA EAEU, với một quốc gia có hệ thống quản lý chất lượng tương đương thì DN được phía bạn chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu.

Tuy nhiên, do phía Á - Âu chưa coi chất lượng của Việt Nam tương đương, nên họ sẽ tiến hành kiểm tra hệ thống và một số DN theo giới thiệu của Việt Nam. Quy trình này rất chặt chẽ, dựa trên quy trình kiểm soát chất lượng từ nuôi trồng, vận chuyển, cơ sở chế biến…

Về việc thông tin phía Nga chưa minh bạch, ông Dương Hoàng Minh cho rằng không hẳn vậy. Phía Nga có công bố thông tin và có website cập nhật thông tin kịp thời. Hiện tại, Nga là thị trường có quy định chặt chẽ nhất.

Phản hồi thêm, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng quy định của Nga và các nước lớn khác đều chặt chẽ. Nhưng vấn đề là thời gian qua các DN Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã nỗ lực đáp ứng yêu cầu kiểm dịch của phía Nga nhưng “giữa mong đợi và phản hồi có sự lệch pha”.

Cuối năm ngoái, Bộ Công thương đã gửi danh sách 60 DN có nhu cầu xuất khẩu vào Nga cho phía bạn nhưng đến nay chưa có phản hồi. Theo ông Nam, bên cạnh sự hợp tác tốt về chính trị, quan hệ kinh tế cũng cần được gắn kết hơn. “Hy vọng với FTA lần này, hai bên sẽ nhanh chóng giải quyết các bất cập hiện tại”.

Nguồn: VASEP