Âu lo về hội nhập bao trùm Diễn đàn Kinh tế mùa Thu
28/08/2015 12Các chuyên gia, học giả hàng đầu đất nước đều chia sẻ sự lo âu sâu sắc về tiến trình hội nhập chưa từng có trong lịch sử Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu diễn ra ngày hôm nay, 27-8, tại Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược nhận xét, Việt Nam đã và sắp ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm các hiệp định lớn như TPP, FTA với EU,… trở thành quốc gia “số một trên thế giới về hội nhập”.
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, người góp phần tích cực trong toàn bộ quá trình hội nhập của Việt Nam, cho biết thêm, từ 2011 đến nay, Việt Nam đang đàm phán sáu FTA có quy mô tự do hóa rất cao.
Thuyết phục các quan chức, và chuyên gia khác tại diễn đàn về sự cần thiết của việc tham gia các FTA, Viện phó Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Võ Trí Thành nói: “Chúng ta không hội nhập, không tham gia các FTA thì chúng ta vẫn phải đối diện với những vấn đề đó của thế giới. Chúng ta chủ động chơi, thì chúng ta có cơ hội nắm bắt mạnh hơn… Đây là thời cơ để chúng ta chuyên nghiệp hơn”.
Nhưng, sự lo âu, hoài nghi là bao trùm.
Các doanh nghiệp không quan tâm
Ông Tuyển khẳng định rằng cải cách thể chế; dân chủ hóa đời sống xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền; và hội nhập là ba trụ cột lớn của đất nước hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Tuyển, hội nhập đi nhanh trong khi hai trụ cột kia lại chậm nên Việt Nam “không hấp thụ được cơ hội hội nhập, và không vượt qua thách thức nó mang lại”.
“Chuẩn bị trong nước không đồng bộ, chuyển đối trong nước không tốt,” ông Tuyển nói.
Ông ví dụ, có tới 76% doanh nghiệp Việt Nam không biết gì về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), và 65% doanh nghiệp cho rằng AEC không ảnh hưởng gì tới hoạt động của họ.
Bên cạnh đó, chỉ có 25% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN được giấy chứng nhận ưu đãi vì doanh nghiệp không quan tâm, dù Việt Nam đã tham gia ASEAN gần 20 năm.
“Số doanh nghiệp vô tư trong sự kiện AEC này là lớn nhất, hơn cả Lào và Campuchia rất nhiều. Các quan chức cũng rất lơ mơ. Tức là về nhận thức chúng ta không đủ để đối đầu với cạnh tranh,” ông Tuyển nói.
Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược nói, mỗi năm Việt Nam thu hút được khoảng 10 tỉ đô la Mỹ vốn FDI.
“Ta thì các tỉnh trải thảm đỏ, miễn thuế cho các tập đoàn, kể cả Samsung, nhưng họ lại toàn mang linh kiện vô lắp ráp tại Việt Nam. Sẽ có nguy cơ sau 5 năm hết ưu đãi, họ lại chuyển nhà máy đi,” ông cảnh báo sự dễ dãi trong thu hút vốn FDI.
“Tôi cho là trung ương cần có kiểm soát, chứ không thể để các địa phương trải thảm đỏ tràn lan như vậy,” ông nói.
Tuy nhiên, ông Võ Trí Thành khẳng định, ông không lo lắng vấn đề doanh nghiệp Việt Nam chết đi do không cạnh tranh được. “Doanh nghiệp Việt Nam cùng lắm là chết, nhưng dù có 100 ngàn doanh nghiệp chết đi, rồi thì sẽ có 200 ngàn doanh nghiệp khác sẽ lại mọc lên,” ông khẳng định.
Viện trưởng CIEM, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, khi nói về hội nhập, các doanh nghiệp thường bị phê phán là bị động, không quan tâm, yếu kém, song điều đó không hoàn toàn đúng.
Ông Cung nói: “Tôi muốn lấy ví dụ, doanh nghiệp Việt Nam như người đi trên cầu khỉ, vai đội gánh nặng là chi phí. Họ phải cúi đầu dò dẫm bước trên cầu khỉ là nền tảng thể chế để sao cho không rơi xuống sông. Như thế thì họ không thể đi nhanh được, không thể hội nhập được”.
Nhà nước cư xử bề trên
Với giọng nói đầy tha thiết, ông Cung khẳng định, Nhà nước không thay đổi về chức năng, vai trò, và công cụ quản lý trong bao năm nay.
“Tư duy quản lý của Nhà nước là đứng bề trên, tôi kiểm soát, chứ không phải tôi đồng hành cùng doanh nghiệp. Nhà nước đặt ra bao nhiêu rào cản để quản. Nhà nước thích quản, nghiện quản,” ông nói.
“Cơ cấu tổ chức của bộ máy không thay đổi, nên năng lực quản lý không thay đổi, thái độ không thay đổi, làm cản trở doanh nghiệp hội nhập,” ông nói, và cho rằng không nên phê phán doanh nghiệp, mà trọng tâm là phải cải cách nhà nước, cải cách thể chế.
Ông Võ Đại Lược nói, dù Việt Nam hội nhập sâu rộng như vậy nhưng khả năng cạnh tranh quốc gia không theo kịp.
“Đây là cuộc cạnh tranh về thể chế, về điều hành ở cấp quốc gia, cấp địa phương… Nhưng thể chế có vấn đề như hiện nay thì doanh nghiệp làm gì được,” ông nói.
“Hội nhập phải đổi mới, nhưng chúng ta đổi mới bên trong chậm trễ quá. Chúng ta giảm thời gian hải quan là chuyện nhỏ, chuyện lớn hơn là đột phá về thể chế thì chả làm được bao nhiêu,” ông nói.
Ông Lược lấy ví dụ, lãi suất cho vay lên tới 10% vào hàng cao nhất thế giới, thì không doanh nghiệp nào cạnh tranh được nổi, khi mà lãi suất nước ngoài chỉ dưới 3%.
Ông Tuyển nói, ông thấy nhu cầu phải cải cách thể chế trong nước là rất “bức xúc”, do kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia chỉ giàu lên khi có thể chế tốt.
“Chúng ta phải giải quyết được vấn đề nhà nước và thị trường. Toàn cầu hóa không làm giảm chức năng của Nhà nước. Đó là ngộ nhận, là sai lầm”, ông nói.
“Tuy nhiên, Nhà nước phải thay đổi chức năng, từ nhà nước chỉ huy sang nhà nước kiến tạo phát triển. Điều quan trọng là chuyển vai trò nhà nước chỉ huy, sở hữu sang nhà nước tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nếu chúng ta không làm được thì sẽ còn tụt hậu xa hơn,” ông Tuyển nói.
Ông Tuyển đặt câu hỏi, phải chăng văn hóa Việt Nam là “nước đến chân mới nhảy”, cứ hội nhập đi đã, rồi mới thay đổi.
“Không có khủng hoảng kinh tế xã hội những năm đầu thập kỷ 80 thì không có Đổi mới. Có thể đó là cốt cách của văn hóa Việt Nam chúng ta chăng?” ông Tuyển suy tư.
Ông Thành cho rằng, chất lượng của bộ máy công chức là vấn đề lớn. “Nếu có điều tra, thì tôi tin chưa đến 30% công chức hiểu về hội nhập. Tôi không lo doanh nghiệp, họ có thị trường dẫn dắt, điều chỉnh. Còn công chức ai điều chỉnh họ, ai dám sa thải họ? Công chức là sức ỳ lớn nhất, ” ông Thành nói.
Nguồn: TBKTSG