Xuất khẩu giày dép vào EU: Doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế
24/08/2015 10Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) khi ký kết sẽ đem lại lợi ích lớn cho ngành da giày Việt Nam. Thế nhưng, “miếng bánh” này, doanh nghiệp (DN) Việt được hưởng bao nhiêu khi 77% tỷ trọng xuất khẩu của ngành thuộc về DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Ưu đãi lớn về thuế
Theo ông Jean- Jacques Bouflet - Trưởng Bộ phận Thương mại và Kinh tế, Phái đoàn Liên minh châu Âu, sau khi EVFTA chính thức được ký kết, 99% dòng thuế quan sẽ được dỡ bỏ. Việt Nam sẽ được miễn 65% dòng thuế xuất khẩu ngay ngày đầu tiên Hiệp định có hiệu lực. Riêng sản phẩm dệt may và giày dép, Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% sau 7 năm.
Hiện nay, tại thị trường EU, giày dép của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) tương đương với việc thuế nhập khẩu giảm 3,5-4% tùy mặt hàng. Tuy nhiên, ông Jean- Jacques Bouflet cho biết: Khi tham chiếu sang EVFTA, ưu đãi GSP không bị bãi bỏ đến khi được hưởng mức ưu đãi theo Hiệp định mới. Nói cách khác, giày dép của Việt Nam sẽ được hưởng lợi ở mức cao nhất.
Trên thực tế, cùng với Mỹ và Nhật Bản, EU là thị trường trọng điểm của ngành da giày Việt Nam. Bà Phan Thị Thanh Xuân- Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso)- thông tin: 2/3 DN giày dép đã và đang tham gia khẩu sang EU. Số liệu từ Lefaso cũng cho thấy: Năm 2014, Việt Nam đứng thứ 3 về kim ngạch trong số các nước xuất khẩu giày dép sang thị trường EU với 4,88 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam cũng đã xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD giá trị mặt hàng giày dép sang EU.
“Miếng bánh” vào tay ai?
Với EVFTA, quy tắc xuất xứ không làm khó được ngành da giày Việt Nam bởi DN đã tự chủ được trên 50% nguyên phụ liệu, vượt qua ngưỡng 40% theo quy định. Điều đáng nói là 77% tỷ trọng xuất khẩu của ngành thuộc về các DN FDI. DN Việt Nam trong ngành da giày chủ yếu sản xuất gia công cho các thương hiệu lớn trên thế giới. Giá trị xuất khẩu của ngành bằng thương hiệu Việt rất nhỏ. Điều này có nghĩa là, “miếng bánh” lợi nhuận phần lớn thuộc về DN FDI.
Ngoài ra, cùng với việc mở cửa thị trường, EU sẽ dựng lên những rào cản phi thuế quan về chất lượng sản phẩm, trách nhiệm xã hội… buộc DN phải đáp ứng. Trong điều kiện hiện nay, các rào cản trên chỉ làm khó thêm cho DN Việt.
Bà Phan Thị Thanh Xuân khuyến cáo: Bản thân DN phải nhận thức, đầu tư xứng đáng về công nghệ nhằm thỏa mãn những rào cản phi thuế quan. Đặc biệt, thị trường EU rất quan tâm đến tiêu chuẩn an toàn liên quan đến hóa chất thông qua Đạo luật An toàn REACH. Cũng theo bà Xuân, sản xuất gia công là cần thiết trong thời điểm ngành da giày còn lạc hậu về công nghệ, nhân lực và phương thức quản lý. Tuy nhiên, DN cần có chiến lược hướng tới “độc lập tự chủ”, dần thoát khỏi bóng DN FDI.
DN Việt Nam trong ngành da giày chủ yếu sản xuất gia công cho các thương hiệu lớn trên thế giới. Giá trị xuất khẩu của ngành bằng thương hiệu Việt rất nhỏ. |
Nguồn: Báo Công Thương