Tin tức

Tham gia FTA, không phải ký xong là mai có “quà”!

19/08/2015    9

Việt Nam có cơ hội tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu (XK) khi các hiệp định thương mại tự do (FTA thế hệ mới) vừa được ký kết. Các chuyên gia nhận định, sau khi tham gia các FTA, sẽ có người thành công, kẻ thất bại. “Không phải cứ ký FTA xong là ngày mai có “quà” ngay! Lợi ích đến từ FTA là lợi ích tiềm năng. Chỉ DN nào tận dụng được nó mới có cơ hội phát triển bền vững” - ông Lê Tiến Trường - TGĐ Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam - nhận định.

Tránh phụ thuộc vào một thị trường duy nhất

Lâu nay Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường xuất khẩu truyền thống, điều này đem lại rủi ro lớn. Bài học nhãn tiền từ những vụ ùn tắc dưa hấu tại cửa khẩu Tân Thanh khiến người nông dân và doanh nghiệp lao đao, Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với cá tra, cá basa Việt Nam khiến cho sản phẩm mũi nhọn xuất khẩu của Việt Nam thiệt hại nặng nề… Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: “Việc gia nhập các FTA thế hệ mới giúp Việt Nam có điều kiện cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng, tránh việc phụ thuộc quá mức vào một khu vực nào đó. Tránh việc khi có tình huống bất lợi xảy ra thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu. Trong khi đó xuất khẩu đóng góp chủ lực vào tăng trưởng GDP của Việt Nam”.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EV FTA) được Ủy ban Châu Âu coi là “Hiệp định FTA tham vọng và toàn diện nhất mà Liên minh EU đã từng ký kết với một quốc gia đang phát triển”. Điểm đặc biệt trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp. Theo bà Trinh Nguyễn, chuyên gia kinh tế trưởng của HSBC nhận định: “So với các nước trong khối ASEAN và Trung Quốc thì VN là nước có thương mại bổ sung nhất với EU. Nói cách khác, lợi thế so sánh của Việt Nam - sản xuất tận dụng lao động - không mâu thuẫn với lợi thế so sánh của EU trong sản xuất cần nhiều vốn và tay nghề cao”.

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là một trong hai thị trường XK lớn nhất của Việt Nam. Trong năm 2014, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt hơn 36,8 tỉ USD, tăng 9% so với năm 2013, trong đó, Việt Nam XK sang EU đạt gần 28 tỉ USD và NK từ EU đạt gần 9 tỉ USD. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản. EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam với hơn 2.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 37 tỉ USD. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.

Cần “cú hích” phát triển

EU đưa ra những quy định nghiêm ngặt về yêu cầu xuất xứ hàng may mặc, trong khi gần 90% các DN Việt Nam chỉ làm mỗi công đoạn lắp ráp sản phẩm. FTA được ký kết sẽ khuyến khích các DN dệt may nước ngoài di chuyển một số khâu sản xuất đến Việt Nam để tận dụng lợi thế của hiệp định FTA. Không ít các doanh nghiệp nước ngoài đang triển khai các kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Ông Phạm Hồng Hải - TGĐ HSBC Việt Nam - cho biết: “HSBC mới đây công bố chiến lược xoay quanh “Trục Châu Á”, theo đó đẩy mạnh đầu tư vào Châu Á với trọng tâm là ASEAN. Việc EU thỏa thuận hiệp định tự do thương mại lần đầu tiên với một nước đang phát triển cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam với tư cách là thành viên của ASEAN, đồng thời là một nền kinh tế đang tăng trưởng của Châu Á với thị trường 90 triệu người tiêu dùng”.

Điều này đồng nghĩa với sức ép các DN trong nước phải vươn lên, thay đổi để không bị nhấn chìm trong “biển lớn”. Ông Lê Tiến Trường nhận định: “Kinh doanh là quá trình xông vào các rủi ro, người nào phán đoán đúng, quản trị đúng thì thành công và lợi nhuận. Không có rủi ro thì không có lợi nhuận. Ngành dệt may Việt Nam hiện có gần 7.000 doanh nghiệp kể cả DN FDI, DN tư nhân và DNNN. Sau khi tham gia các FTA thế hệ mới sẽ có người thành công, kẻ thất bại. Nhưng đó là quy luật thị trường, quy luật đó giúp các DN Việt Nam nâng chất lượng và sức sống. Điều đó tốt hơn việc đóng cửa thị trường để cố duy trì sự sống của các DN hoạt động èo uột”.

Tuy nhiên, ông Lê Tiến Trường cho rằng, kể cả khi không có cuộc chơi mang tên FTA thì các DN trong nước hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong nội tại đất nước. Đó là thách thức năng suất, trình độ công nghệ, năng lực cạnh tranh thấp. Ông Trường cho rằng Nhà nước nên giảm chi phí vận hành DN, giảm chi phí các DN phải trả cho các dịch vụ công để tăng tính cạnh tranh.

Nguồn: Lao động