Tương lai của TPP: “2% còn lại là xương xẩu”
04/08/2015 9BizLIVE - "TPP đã đi được 98% chặng đường, còn 2% không thực hiện được thì không có TPP. Phải thấy rõ 2% đó là xương xẩu", TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM cho biết trong cuộc trao đổi với BizLIVE.
Cuộc họp của Bộ trưởng 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngày 1/8 vừa qua tại Hawaii đã kéo dài hơn dự kiến và "đạt được những tiến triển đáng kể" nhưng "vẫn chưa thể đi đến thoả thuận cuối cùng và hoàn chỉnh".
Một số bất đồng chưa được giải quyết như việc mở cửa thị trường sữa tại Canada, đường tại Mỹ và gạo tại Nhật Bản, yêu cầu của New Zealand về các vấn đề sản phẩm từ sữa được đánh giá là rất thách thức…
Dẫn câu tục ngữ "Đường đi 100 dặm, đi được 90 dăm mới chỉ là nửa đường", TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, dù TPP đã đi được 98% chặng đường nhưng vẫn còn nhiều rào cản và khó cán đích.
Ông ví 2% còn lại là "xương xẩu", việc không đạt được 2% này sẽ không có TPP.
Theo đánh giá của nguyên Viện trưởng CIEM rào cản lớn nhất đang ở một số nước như New Zealand trong vấn đề sản phẩm sữa, đường của Mỹ và gạo của Nhật Bản…
TS. Doanh đặc biệt nhấn mạnh, việc Mỹ bảo hộ thị trường dược sẽ khiến giá thuốc tăng lên, chi phí tăng lên, người nghèo khó tiếp cận thuốc chữa bệnh.
Ông Doanh cho biết ông đồng tình với quan điểm của nhiều nhà bác học nổi tiếng ở Mỹ đã lên tiếng phản đối sự vô lý đó đối với những công ty độc quyền của Mỹ.
"Tôi nghĩ rằng lợi ích từ TPP rất lớn nên mong rằng các nước có thể thống nhất với nhau. Hi vọng tới cuối tháng này cuộc họp giữa các Bộ trưởng diễn ra và sẽ kết thúc", ông Doanh nói.
Kịch bản xấu hơn, ông Doanh cho biết nếu sau tháng 8/2015 không thống nhất được các nội dung của TPP nước Mỹ sẽ đi vào chiến dịch tranh cử Tổng thống, lúc này người Mỹ có thể không quan tâm đến TPP.
"Việc Tổng thống mới lên có chịu làm TPP nữa không là việc chưa thể nói trước", ông Doanh nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, điểm vướng mắc lớn nhất của TPP là những quyền lợi cốt lõi của những khu vực kinh tế, ngành kinh tế, sản xuất công nghiệp… của các nước tham gia vào đàm phám.
Theo TS. Thành, mỗi nước tham gia đều có những "tử huyệt" trong nhóm công nghiệp, nông nghiệp do đó mỗi nước đều tìm một đòi hỏi, yêu sách để đàm phán.
Về dài hạn, TS. Thành vẫn cho rằng TPP sẽ tiếp tục được phát triển và hướng đến một khu vực kinh tế tự do chung.
"Tuy nhiên, trong những tháng tới, tình hình có thể sẽ vấp và lui lại một thời gian. Khả năng kết thúc được TPP vào năm nay tuỳ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của Mỹ và Nhật Bản", ông Thành nêu quan điểm.
Hiện tại, TPP được kỳ vọng sẽ tạo đà cho sự tăng trưởng GDP Việt Nam trong những năm tới, tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thuận lợi trong việc tiếp cận hai thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Ngày hôm qua (3/8), Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, sau các phiên họp toàn thể và nhiều phiên họp riêng theo nhóm hoặc song phương ở cấp Bộ trưởng, Trưởng đoàn và kỹ thuật, các nước TPP đã đạt được tiến bộ đáng kể, chỉ để lại một số ít các vấn đề cần thêm thời gian tham vấn trong nước. Sau các cuộc đàm phán này, Việt Nam đã kết thúc toàn bộ đàm phán song phương với tất cả các nước có liên quan. |
Nguồn: Biz Live