Tin tức

Doanh nghiệp và tiến trình hội nhập - đối mặt nhiều nỗi lo

31/07/2015    6

Hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang được triển khai rầm rộ, song nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, gần như “án binh bất động”, chỉ một số ít quan tâm.

Đến đâu hay đấy!

Là một trong những đầu tàu về kinh tế, đồng thời được xem là khu vực năng động nhất của cả nước về hoạt động sản xuất kinh doanh, thế nhưng tại TPHCM, hầu hết doanh nghiệp vẫn đang thụ động trong hội nhập. “Doanh nghiệp của tôi đã thành lập được hơn 10 năm, chủ yếu sản xuất phục vụ trong nước, có xuất khẩu gì đâu mà quan tâm tới hội nhập. Kể cả hàng hóa nước ngoài có tràn vào thì chúng tôi vẫn có đối tác truyền thống”, giám đốc một doanh nghiệp trong ngành cơ khí, quận Bình Tân tự tin nói.

Theo Phó Chủ tịch Hội cơ khí TPHCM Đỗ Phước Tống, việc doanh nghiệp trong ngành cơ khí ít quan tâm đến tiến trình hội nhập là bởi hầu hết các mặt hàng liên quan đều đang được hưởng thuế suất xuất nhập khẩu gần như bằng 0%. Do đó, từ trước đến nay, việc hàng cơ khí ngoại nhập khẩu vào hay một số hàng nội xuất khẩu được là chuyện bình thường. “Nói vậy, nhưng nếu hội nhập càng sâu, doanh nghiệp cơ khí trong nước càng gặp khó khăn do nguồn lực vốn rất kém so với cơ khí của một số nước. Giải pháp trước mắt là nhà nước cần có chính sách kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp nâng sức cạnh tranh khi hội nhập”, ông Tống đề nghị.

Tương tự, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TPHCM Trần Việt Anh cho rằng, các doanh nghiệp đều biết và theo dõi đến hội nhập, nhưng tùy theo lĩnh vực mà mức độ quan tâm khác nhau. Đơn cử, ở ngành cao su, chủ yếu là phục vụ trong nước, ít xuất khẩu, đồng thời ít bị cạnh tranh kể cả khi hội nhập sâu, do đó doanh nghiệp chưa tập trung lắm. Chỉ một vài sản phẩm như săm, lốp ô tô sẽ bị cạnh tranh mạnh với sản phẩm của Thái Lan, Trung Quốc. Tuy nhiên, những sản phẩm này hiện do những doanh nghiệp lớn trong nước đầu tư sản xuất nên đã có sự chuẩn bị để ứng phó. “Dù vậy, công tác tuyên truyền về hội nhập hiện nay còn khiêm tốn, do đó nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm hết tầm quan trọng của hội nhập để sẵn sàng ứng phó”, ông Anh lý giải. Ở ngành dệt may - lĩnh vực được xem là tác động khá lớn khi một số FTA vừa được ký kết và tiến tới là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng công tác chuẩn bị cũng chỉ tập trung ở những “ông lớn” như Tập đoàn Vinatex, riêng các doanh nghiệp nhỏ thì đến đâu hay đến đấy.

“Chúng tôi thấy Việt Nam ký hàng loạt FTA, doanh nghiệp nước ngoài xông ra đầu tư mạnh. Trong khi đó, doanh nghiệp nội vẫn chủ yếu nghe ngóng! Thực tế này cho thấy doanh nghiệp FDI quan tâm, hiểu biết về FTA và tin tưởng cơ hội do FTA mang lại hơn doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp dệt may chưa ý thức được lợi ích của hội nhập. Trong khi 10 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng 15% - 20%/năm, đây chính là kết quả của hội nhập”, một lãnh đạo của Tập đoàn Vinatex nêu thực tế.

Thế yếu và chưa sẵn sàng

“Thời điểm này, nếu các doanh nghiệp vẫn còn lơ mơ với việc hội nhập quốc tế, không nhanh chóng xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ dễ bị mất thị phần ngay trên chính sân nhà”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM chia sẻ. Do đó, để tận dụng được các cơ hội và giảm thiểu rủi ro từ việc tham gia các FTA, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải hành động, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, chú ý gia tăng giá trị cho sản phẩm xuất khẩu, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh. Mặt khác, để giữ được thị trường, các nhà sản xuất trong nước phải bằng mọi giải pháp chinh phục người tiêu dùng nội địa bằng chất lượng hàng hóa và uy tín trong kinh doanh.

Theo ông Hải, khó khăn lớn nhất hiện nay các doanh nghiệp trong nước đang gặp phải là năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh, trong khi phải đối đầu với các đối thủ mạnh trên thế giới. Vì vậy, khi hàng rào thuế quan không còn, các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Trên thực tế, lâu nay, hàm lượng giá trị gia tăng trong sản xuất của đại đa số doanh nghiệp nội còn thấp và dễ bị thay thế, không bền vững. Điều này khiến doanh nghiệp nội địa dễ thua trên sân nhà hoặc có cơ hội nhưng không tận dụng được.

Theo đại diện các hiệp hội ngành hàng, hiện nay, không riêng gì TPHCM mà cộng đồng doanh nghiệp cả nước đang gặp khó khăn khi chưa chủ động được đầu vào, hàng năm phải nhập hàng tỷ USD nguyên liệu. Chưa kể, các dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu quá cũ do giá rẻ, sử dụng nhiều lao động, từ đó làm hạn chế cạnh tranh khi hội nhập. Đơn cử, trong ngành may mặc, do nhập khẩu nguyên phụ liệu phần lớn từ Trung Quốc nên các doanh nghiệp cần phải khai thác lợi thế từ FTA, nhưng phải có sự hỗ trợ từ chính sách khuyến khích của nhà nước để tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ. “Ngoài hỗ trợ về vốn thông qua các chương trình kích cầu, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, nhà nước nên cùng với doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực về quản lý, quản trị doanh nghiệp, song song với việc điều chỉnh chính sách hợp lý nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh khi hội nhập”, ông Đỗ Phước Tống đề nghị.

 Nguồn: SGGP