Phần chúng tôi dành cho Việt Nam là hào phóng
06/08/2015 77(TBKTSG Online) - "Về tổng thể, phần chúng tôi dành cho Việt Nam là hào phóng. Việt Nam cần nâng tầm, xuất khẩu sang EU những mặt hàng có giá trị cao hơn để thu lợi nhuận nhiều hơn." Ông Jean Jacques Bouflet, Tham tán công sứ, Trưởng ban Kinh tế và Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam, nói như vậy khi gặp gỡ báo chí chiều ngày 5-8 để thông tin chi tiết về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU. Dưới đây là phần lược ghi của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online.
- Thưa ông, vì sao có sự chênh lệch về thời gian giữa hai bên trong lộ trình giảm thuế?
Lộ trình giảm thuế của EU là 7 năm, của Việt Nam là 10 năm. Ngay khi Hiệp định có hiệu lực thì phía Việt Nam giảm là 65% dòng thuế, và lộ trình cho từng mặt hàng, từng lĩnh vực thì khác nhau. Đây là con số khá tham vọng với Việt Nam. Về phía EU, 71% dòng thuế sẽ được miễn ngay khi Hiệp định có hiệu lực
Lộ trình giảm thuế 7 năm và 10 năm với 2 nền kinh tế là do sự khác nhau về kinh tế giữa Việt Nam và EU. Việt Nam cần thời gian dài hơn để thích nghi. Quy định kỹ thuật của thị trường EU là thị trường tiêu chuẩn cao, nên doanh nghiệp Việt Nam rất cần thời gian để thích nghi.
Về áp lực với doanh nghiệp, đây là Hiệp định mà hai bên đàm phán theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là áp lực rất lớn. Việt Nam đang ngày càng hội nhập, để chuẩn bị tốt, Việt Nam phải sẵn sàng cho các sản phẩm, đáp ứng chất lượng, xây dựng thương hiệu…
- Ông có thể giải thích về 1% các mặt hàng không được cắt giảm là gì? Có những mặt hàng nhạy cảm thì lộ trình giảm thuế thế nào?
1% dòng thuế còn lại là hàng nông sản nhạy cảm dưới hình thức áp dụng mức quota nhập khẩu với thuế suất 0% nhưng khi nhập có hạn ngạch nhất định.
Sữa sẽ được tự do hoá trong vòng 10 năm, thịt lợn, gà, bò sẽ áp dụng hạn ngạch. Cái mà chúng ta nói là hàng rào kỹ thuật, thì cả hai bên đều phải tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi cũng đòi hỏi tính minh bạch cao hơn, đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp. Xin nhấn mạnh là hàng rào kỹ thuật phi thuế quan thực chất là theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Chi tiết lộ trình chưa có, nhưng ví dụ thịt lợn đông lạnh từ EU vào VN sẽ được dỡ bỏ trong vòng 7 năm, thịt bò trong 3 năm, sữa trong vòng 5 năm, thực phẩm chế biến tối đa là 7 năm, thịt gà trong 10 năm. Chúng tôi chưa có chi tiết sau bao lâu dỡ bỏ.
Từ EU vào Việt Nam, xe gắn máy có lộ trình bỏ thuế là 7 năm (với dung tích lớn trên 150cc), với ô tô là 10 năm (nhưng với ô tô lớn thì sớm hơn 1 năm). Rượu là 7 năm. Hàng dệt may thì áp dụng ngay khi Hiệp định có hiệu lực (hàng EU sang Việt Nam). Với hàng dệt may, giày dép từ Việt Nam sang EU thì dỡ bỏ dần sau 7 năm.
Với hàng Việt Nam sang EU, hàng thuỷ sản dỡ bỏ dần, một số mặt hàng sẽ phải chịu hạn ngạch. Hạn ngạch: 30.000 tấn gạo, 25.000 tấn gạo chưa xát, 30.000 tấn gạo sữa trong một năm. Cá ngừ đóng hộp là hàng nhạy cảm.
Hiện tại một số mặt hàng của Việt Nam đã được hưởng quy chế 0%, không phải theo Hiệp định này mà theo cơ chế khác. Còn sau này, mặt hàng nào hiện tại chưa được 0% thì sẽ được 0%. Có khoảng 2.000 – 3.000 dòng thuế, nên tôi không thể nhớ chi tiết…
Chúng tôi hiện tại đang áp dụng cơ chế GSP rất ưu đãi cho các mặt hàng của Việt Nam, ví dụ như dệt may. Nếu đã được hưởng ưu đãi tốt, thì khi áp dụng FTA sẽ vẫn hưởng (nếu đã có quy chế tốt hơn rồi thì vẫn được giữ nguyên).
- Hiệp định quy định thế nào về quy tắc xuất xứ cho hàng dệt may Việt Nam?
Điều quan trọng hơn cả là nguồn gốc xuất xứ. Theo quy định, các mặt hàng dệt may của Việt Nam phải đảm bảo quy chế chuyển đổi nguồn gốc xuất xứ kép. Để một mặt hàng dệt may Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan, thì ít nhất hàng hoá đó phải được sản xuất tại Việt Nam (tiêu chuẩn xuất xứ đơn là vải nhập về, cắt may tại Việt Nam; tiêu chuẩn kép là vải phải sản xuất tại Việt Nam, cắt may cũng tại Việt nam). Hiệp định cho phép quy chế gọi là cộng dồn nguồn gốc xuất xứ với nguyên liệu có xuất xứ Hàn Quốc (một đối tác FTA của EU).
- Hiện tại số mặt hàng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam rất ít. Sau Hiệp định, liệu EU có nới tiêu chuẩn để công nhận nhiều hơn các mặt hàng có chỉ dẫn địa lý từ Việt Nam?
Hiện tại số chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ tại EU là 37, của EU sang VN là 169. Trước FTA thì chỉ có nước mắm Phú Quốc.
- Ông có thể nói về các hàng rào kỹ thuật khác?
Cái gọi là hàng rào phi thuế quan thực chất là các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế mà các doanh nghiệp EU cũng phải tuân thủ, bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Chúng tôi đã có những điều chỉnh để các doanh nghiệp Việt Nam có thể thích nghi dần dần, đáp ứng các tiêu chuẩn này.
Có ba điểm tôi muốn nhấn mạnh. Thứ nhất, hàng rào tiêu chuẩn thực chất là các tiêu chuẩn quốc tế, minh bạch. Thứ hai, có hỗ trợ cho các doanh nghiệp để thích nghi dần. Thứ ba, áp dụng theo các tiêu chí từ khu vực công.
Ưu tiên hàng đầu là các tiêu chí của lĩnh vực công, những tiêu chí từ lĩnh vực tư (như chuyện cá tra, cá basa được một tổ chức đề nghị đưa vào sách Đỏ) là quan hệ giữa người mua và người bán, chúng tôi sẽ can thiệp nếu nảy sinh những vấn đề lớn.
- Vì sao hàng thuỷ sản đều áp hạn ngạch và lộ trình dài hơn, thưa ông?
Dệt may không chịu hạn ngạch nhập khẩu, thậm chí có một số mã hàng ưu đãi, nhưng một số mặt hàng sẽ dỡ bở thuế quan vào năm thứ 7. Vấn đề duy nhất là nguồn gốc để đảm bảo chặt, đích thực là hàng Việt Nam xuất sang EU.
Những mặt hàng khác tôi công nhận còn tồn tại hạn ngạch như gạo nhưng về tổng thể phần chúng tôi dành cho Việt Nam là "hào phóng". Việt Nam có dư thời gian do đó cần nâng tầm, xuất những mặt hàng có giá trị cao hơn và thu lợi nhuận nhiều hơn.
Dệt may không chịu hạn ngạch nhập khẩu, vấn đề duy nhất với hàng dệt may là phải chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, vì chúng tôi ký FTA với Việt Nam chứ không phải nước nào khác gần Việt Nam.
Trong những năm tới, Việt Nam có dư thời gian tối đa để tận dụng những lợi thế, ưu đãi. Bây giờ chính là lúc Việt Nam tính đến việc xuất những mặt hàng chất lượng cao, có thương hiệu.
Việc áp dụng hạn ngạch là lợi thế bởi sẽ tạo điều kiện cho hàng chất lượng cao. Nếu mở cửa hoàn toàn, chỉ có lợi thế cho hàng rẻ tiền, hàng chui lủi từ các thị trường khác.
Việt Nam đã hưởng thặng dư thương mại rất lớn, gấp đôi EU sang Việt Nam. Hàng Việt Nam vốn dĩ đã rất cạnh tranh khi không có Hiệp định. Hiệp định mang lại lợi ích cho cả hai phía. Các bạn đừng quá lo ngại về việc thay đổi diện mạo của hàng hoá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – EU.
- Về dịch vụ tài chính, ngân hàng, viễn thông ông có thể nói gì?
Liên quan đến ngân hàng, thực tế Việt Nam đã mở cửa cho ngân hàng 100% vốn đầu tư nước ngoài. Việc chúng tôi quan tâm là nâng mức trần sở hữu cổ phiếu ngân hàng.
Việt Nam từ chối dỡ bỏ trần cổ phiếu nên chúng tôi không có cơ hội tăng lượng cổ phiếu, cổ phần của một ngân hàng cổ phần hoá ở đây.
Về viễn thông sẽ mở cửa tiếp cận với viễn thông hạ tầng phi mặt đất còn hạ tầng gắn với mặt đất chúng tôi không tiếp cận. Sẽ có một số những cải thiện nhất định tốt hơn, so với những cam kết.
Hàng không giá rẻ của EU sẽ không được mở cửa ở Việt Nam, chỉ mở cửa cho vận tải hàng hải.
Nguồn: TBKTSG
- Tận dụng tốt hơn EVFTA, mở cánh cửa hợp tác mới giữa Việt Nam - Hungary
- Hiệp định EVFTA: Cơ hội rộng mở để nông sản Việt vào thị trường EU
- Thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Ba Lan
- Hiệp định EVFTA - động lực mở đường lớn cho hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Bulgaria
- Giải pháp giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ Hiệp định EVFTA