Tin tức

Thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Ba Lan

29/11/2024    46

Để thực hiện hiệu quả Hiệp định EVFTA, Việt Nam và Ba Lan cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối. Việt Nam cũng đề nghị Ba Lan nghiên cứu nhập khẩu rau quả tươi, hoa quả đóng hộp, sản phẩm gỗ và hỗ trợ thực thi Quy định chống phá rừng của EU (EUDR).

Hôm nay ( 27/11), phiên họp lần thứ ba của Tổ công tác Việt Nam - Ba Lan về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp được tổ chức dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam Nguyễn Hoàng Hiệp và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Ba Lan Jacek Czerniak.

Trong phiên họp lần thứ 3 này, Bộ NN&PTNT Việt Nam thống nhất cùng Bộ NN&PTNT Ba Lan thúc đẩy hợp tác, tháo gỡ các vướng mắc kỹ thuật trong các lĩnh vực thú y, bảo vệ thực vật, chăn nuôi và một số lĩnh vực khác thuộc phạm vi quản lý của hai Bộ.

Cụ thể, hai bên cam kết tăng cường phối hợp trong việc rà soát giấy tờ, triển khai sử dụng hệ thống cấp giấy phép trực tuyến, chống làm giả giấy chứng nhận, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thương mại động vật. Những nỗ lực này nhằm củng cố niềm tin và đảm bảo quá trình trao đổi hàng hóa diễn ra minh bạch, thông suốt và đáng tin cậy. Bên cạnh đó, Việt Nam và Ba Lan thống nhất đẩy mạnh trao đổi thông tin, phối hợp kiểm soát và loại trừ dịch bệnh trước những thách thức lớn của dịch cúm gia cầm và dịch tả lợn châu Phi.

Tại phiên họp lần thứ ba Tổ công tác Việt Nam - Ba Lan, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam Nguyễn Hoàng Hiệp đưa ra một số đề xuất.

Thứ nhất, để thực hiện hiệu quả Hiệp định EVFTA, hai bên cần tổ chức thêm các diễn đàn doanh nghiệp và hội chợ nông lâm, thủy sản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối. Việt Nam cũng đề nghị Ba Lan nghiên cứu nhập khẩu rau quả tươi, hoa quả đóng hộp, sản phẩm gỗ và hỗ trợ thực thi Quy định chống phá rừng của EU (EUDR).

Thứ hai, Việt Nam mong muốn Ba Lan trên cương vị Chủ tịch EU vào năm 2025 ủng hộ tích cực việc EU gỡ "thẻ vàng" IUU đối với ngành thủy sản Việt Nam, góp phần thúc đẩy thương mại thủy sản vào thị trường châu Âu.

Thứ ba, Việt Nam kiến nghị chính phủ Ba Lan xem xét hỗ trợ tài chính, tăng ODA vay ưu đãi cho các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn và đóng tàu khai thác hải sản. Hai Bộ sẽ phối hợp xây dựng, trình lên Chính phủ hai nước xin nguồn vay ưu đãi cho các đơn vị địa phương của Việt Nam.

Thứ tư, Ba Lan sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo nhân lực, tiếp nhận cán bộ Việt Nam tham gia các chương trình sau đại học trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghệ sau thu hoạch và chế biến hàng nông sản, đóng tàu khai thác thủy sản, quản lý và phát triển nông thôn.

Hai bên đã tổng kết những kết quả trong hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Ba Lan, trao đổi về tiềm năng phát triển thương mại nông sản - thực phẩm giữa hai nước, và cùng thông qua Biên bản ghi nhớ hợp tác.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: "Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ba Lan đạt 3,5 tỷ USD, trong đó thương mại nông lâm thủy sản chiếm hơn 180 triệu USD. Con số này phản ánh tiềm năng hợp tác lớn mà hai nước có thể khai thác thêm".

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin thêm, về kiểm dịch động vật, Việt Nam đã cấp phép cho 155 doanh nghiệp Ba Lan xuất khẩu thịt và 25 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào Việt Nam. Về kiểm dịch thực vật: Việt Nam đang phân tích nguy cơ dịch hại để nhập khẩu quả việt quất tươi từ Ba Lan. Về thủy sản: 505 doanh nghiệp Việt Nam hiện được phép xuất khẩu vào EU, bao gồm thị trường Ba Lan, với sản phẩm chủ đạo như cá hồi đông lạnh và cá hộp tiệt trùng.

Ông Jacek Czerniak, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Ba Lan, nhận định một trong những lĩnh vực ưu tiên của Ba Lan là phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo an toàn lương thực, tập trung định hướng chiến lược vào triển khai các trang thiết bị và công nghệ số hiện đại, đồng thời chú trọng bảo vệ môi trường và giảm phát thải.

Ngoài ra, trong 5 năm qua, giá trị xuất khẩu từ Ba Lan sang Việt Nam đã tăng đáng kể, đạt 175,5 triệu euro vào năm 2023, tăng 14% so với mức 154 triệu Euro so với năm trước đó. Nhập khẩu nông sản từ Việt Nam vào Ba Lan năm 2023 đạt giá trị gần 299 triệu Euro.

Hai bên đặt mục tiêu đảm bảo tăng trưởng thương mại cân bằng, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn mở rộng sang các sản phẩm khác để nâng cao kim ngạch thương mại.

Nguồn: Báo Chính phủ