Ngành Da giày trông chờ gì từ TPP?
22/07/2015 14Hiệp hội da giày và túi xách Việt Nam vừa thông báo kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm 2015. Các doanh nghiệp trong ngành này kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai, đặc biệt là từ các lợi ích mà TPP dự kiến có thể mang lại.
Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội da giày và túi xách Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày đạt 7,35 tỷ USD, tăng trưởng 18% so với cùng kỳ, con số kim ngạch xuất khẩu 14 tỷ USD trong năm 2015 là hoàn toàn có thể đạt được. Ngành da giày, túi xách Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển mạnh trong những năm tới với dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt đến 22 tỷ USD vào năm 2020 và khoảng 30 tỷ USD vào năm 2025.
Các doanh nghiệp nhận định, các qua Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là TPP sẽ mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu của ngành da giày khi hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ. Đặc biệt, với sự tham gia của Hoa Kỳ trong TPP, một thị trường rất lớn tạo sức hút với các doanh nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới không riêng gì các doanh nghiệp Việt.
Các doanh nghiệp da giày kỳ vọng, khi TPP được ký kết sẽ có thể giảm và tiến tới xoá bỏ thuế suất đánh vào các mặt hàng da giày khi xuất khẩu sang các nước trong TPP, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ, một thị trường lớn của ngành da giày Việt Nam. Vì hiện nay mức thuế suất vào thị trường Hoa Kỳ khá cao, trung bình là 27%, nhiều nhóm hàng thuế suất lên tới 58 – 60%.
Tuy nhiên, điều khiến các doanh nghiệp băn khoăn là theo các FTA cũng như TPP sắp tới thì đáp ứng quy tắc xuất xứ là một trong những nội dung quan trọng để được hưởng ưu đãi về thuế. Trong khi đó, hàm lượng nội địa hoá của ngành da giày nước ta còn là một vấn đề đáng lưu tâm bởi phần lớn nguyên phụ liệu ngành này đang được nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ, đây là những quốc gia hiện không tham gia vào TPP.
Bên cạnh xuất khẩu, các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp ngành da giày cần quan tâm hơn nữa đến thị trường nội địa, một thị trường được đánh giá là rất tiềm năng nhưng hiện nay mức độ cung ứng của các doanh nghiệp cho thị trường trong nước mới chỉ khoảng 30%.
Nguồn: Năng lượng mới