Tin tức

Mỹ Latin cẩn trọng TPP

14/07/2015    10

Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do và hội nhập kinh tế đa phương. Tuy nhiên, những người soạn thảo hiệp định này không che giấu tham vọng toàn cầu, mà một trong những mục tiêu công khai của TPP là kết nạp thành viên mới vào sáng kiến này.

Trên cổng thông tin điện tử America economia, một trong những trang web kinh tế có lượng độc giả lớn nhất Mỹ Latin, đã đăng tải bài viết cảnh báo Mỹ Latin nên cẩn trọng với TPP. Nguyên nhân cảnh báo trên xuất phát từ những quy định và chi tiết trong dự thảo hiệp định có thể gây tổn hại cho các đối tác của Hoa Kỳ.

Điều này có thể thấy rõ nhất trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, bản quyền và quyền tác giả, thương hiệu và bằng sáng chế. Theo đó, những người soạn dự thảo TPP muốn lập 1 hạn định thanh toán bắt buộc lên tới 70 năm sau khi tác giả qua đời. Thời hạn hiệu lực và trả tiền sử dụng bằng sáng chế tại tất cả các nước còn lại sẽ phải tăng lên khi gia nhập TPP.

Về nguyên tắc, bảo vệ sở hữu trí tuệ tốt hơn sẽ khuyến khích sáng tạo và Hoa Kỳ chính là hình mẫu. Đây là nước bảo vệ các nhà sáng chế tốt nhất và cũng là nước có nhiều phát kiến cách mạng nhất trong thế kỷ qua. Từ điện thoại, dây chuyền sản xuất hàng loạt, cho tới máy tính cá nhân, công nghệ gen, Google và Facebook. Nhưng đó là lý thuyết.

Trong thực tế, kéo dài thời hạn hiệu lực các bằng sáng chế sẽ gây hại gần như ngay lập tức cho các ngành công nghiệp dược phẩm nội địa tại mỗi nước. Trước hết, các xí nghiệp dược tại nhiều nước sẽ không được sản xuất “thuốc gốc - thuốc generic” là thuốc tương đương sinh học với biệt dược gốc, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn, nhờ đó thường được bán với giá rẻ.

Tuy nhiên, các quyền sở hữu công nghiệp thuốc từng hết hạn giờ lại có hiệu lực trở lại, và đa số xí nghiệp sản xuất thuốc này phải chờ thêm nhiều thời gian cho tới khi quyền sở hữu trên hết hạn lần nữa. Nhiều loại thuốc generic đã được sử dụng tại các nước tham gia ký kết TPP sẽ bị rút khỏi thị trường và thay thế bằng sản phẩm các công ty dược có quyền sở hữu gốc với giá thành cao hơn nhiều.

Không chỉ thế, dự thảo khung còn bao gồm điều khoản cho phép các công ty yêu cầu các nước không tuân thủ các tiêu chuẩn về bản quyền và sở hữu trí tuệ bồi thường tiền bản quyền. Như vậy, TPP đưa vào một điều khoản để một công ty đa quốc gia có thể đưa một quốc gia có chủ quyền ra tòa.

Điều áp đặt này là không thể chấp nhận được. Một khi được đưa vào áp dụng, điều khoản này sẽ cho phép các công ty Hoa Kỳ khởi kiện chính phủ của các nước có chủ quyền tại tòa án do việc không tuân thủ các luật pháp của Hoa Kỳ. Ngoài những bất hợp lý về nguyên tắc sở hữu trí tuệ, còn có các vấn đề khác Mỹ Latin phải lưu tâm như tiêu chuẩn lao động, môi trường...

Thiếu Mỹ Latin, TPP chỉ là một thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và một phần châu Á. Vì vậy, các nước Mỹ Latin không nên ký chừng nào các điều khoản liên quan đến “sinh mệnh” mỗi quốc gia trong khu vực vẫn chưa được chỉnh sửa phù hợp. Việc buộc Hoa Kỳ phải thay đổi văn bản dự thảo TPP để đổi lại chữ ký của các nước trong khu vực không phải là điều không thể.

Các nước châu Á đã đạt được việc đưa khỏi hiệp định khung điều khoản cấm việc điều chỉnh giá trị đồng nội tệ để khuyến khích xuất khẩu. Trong khi đó Nhật Bản cũng giành được ngoại lệ cho phép họ vẫn tiếp tục trợ giá ngành nông nghiệp.

Nguồn: Báo Sài Gòn Đầu tư