Mỹ tăng tốc đầu tư vào Việt Nam: Chuyện bình thường
15/06/2015 11Vấn đề của Việt Nam là có đủ năng lực, trình độ, đủ tâm, đủ tầm để cân nhắc lựa chọn hay không?
Theo thống kê mới nhất của AmCham, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ tăng từ 29,6 tỷ USD năm 2013 đến 36,3 tỷ USD trong năm 2014, tăng hơn 130 lần so với thời điểm năm 1994.
Thương mại hai chiều dự kiến đạt trên 36 tỷ USD. Mỹ đứng thứ 7 về đầu tư tại Việt Nam với 699 dự án (tổng số vốn gần 10,7 tỷ USD, không tính các dự án đầu tư thông qua nước thứ 3). Nhìn vào số liệu, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, Mỹ đang tăng tốc đầu tư vào Việt Nam là diễn biến bình thường của một siêu cường về kinh tế.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng làn sóng đầu tư nằm trong chiến lược xoay trục của Mỹ để đối trọng lại Trung Quốc cả về chính trị và kinh tế nhưng vẫn là cơ hội tốt cho Việt Nam.
Ngoài việc phải nắm bắt thời cơ thế nào, theo ông Hiếu các cơ quan quản lý cần phải có biện pháp ngăn chặn những hình thức chuyển giá bất hợp pháp của các doanh nghiệp FDI. Quan trọng hơn là Việt Nam phải có chế tài buộc các doanh nghiệp của Mỹ chuyển giao một phần công nghệ cao cho Việt Nam.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích, lâu nay Việt Nam thu hút đầu tư thật nhiều nhưng cuối cùng vẫn chỉ là xưởng gia công, là đầu mối trung chuyển bán hàng cho các doanh nghiệp FDI để hưởng chút giá trị gia tăng từ lắp ráp, làm thuê, nhân công giá rẻ. Ngành công nghệ cao hoàn toàn không có gì, công nghiệp phụ trợ dậm chân tại chỗ. Đó là bất cập.
Vậy khi Intel đầu tư, Việt Nam sẽ nắm bắt cơ hội này thế nào? Theo vị chuyên gia này, lợi thế hiện tại của Việt Nam không chỉ là đông dân, nguồn nhân công giá rẻ, nhiều ưu đãi thuế quan… mà Việt Nam còn nằm ở vị trí địa chính trị rất quan trọng. Là điểm trung chuyển, kết nối giao thương giữa các nước trong khu vực, giữa Châu Á với các nước phương Tây. Đó là lý do Mỹ chọn Việt Nam để đầu tư.
“Nhưng liệu Việt Nam có nhìn ra lợi thế này và nắm bắt nó để làm chủ được cuộc chơi hay không?”, theo ông Hiếu lại phải dựa vào chính bản lĩnh của Việt Nam.
Theo ông Hiếu cho biết, 20 năm trước, Việt Nam đã có 3 đề án phát triển rất hoành tráng mà lẽ ra nó thành công, chắc chắn Việt Nam đã chạy một bước rất xa so với hiện tại.
Cụ thể là 3 đề án: Phát triển công nghệ thông tin, thành lập làng công nghệ thông tin; thứ hai là đề án phát triển công nghệ ô tô; thứ ba là đề án phát triển công nghệ hàng hải. Cả ba đều thất bại. Đó là những bài học phải nhớ. Còn làm thế nào để thành công đối với Việt Nam lúc này là cả vấn đề lớn.
Ông Hiếu cho rằng, Mỹ đầu tư vào là tốt nhưng không có gì bảo đảm Mỹ sẽ ở lại Việt Nam mãi mãi. Vẫn còn nhiều thị trường cơ khai, đầy tiềm năng Mỹ cũng muốn khai phá.
Do đó, một mặt chào đón Mỹ nhưng một mặt Việt Nam phải rất thận trọng, không để lệ thuộc vào một nhà đầu tư nào. Điều cốt yếu của Việt Nam là phải tự nâng cao được năng lực của mình, nâng cao tính cạnh tranh sẵn sàng đối diện với bất cứ chiến lược xoay trục của nhà đầu tư nào.
Có thể đến rồi đi
Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia trong Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam ví von: “Mỹ đến rồi đi, có thể giống câu chuyện phát triển du lịch của Việt Nam. Khách đến một lần, lần sau không khác thì không đến nữa. Kinh tế cũng vậy, khi tận dụng hết ưu đãi, tài nguyên, không có giàng buộc, không có lợi ích họ sẽ bỏ đi”.
Theo vị chuyên gia, từng bước đi của những nước siêu cường đều là những bài toán chính trị, kinh tế đã được tính toán rất kỹ lưỡng. Về phía Mỹ, tăng tốc đầu tư vào Việt Nam thời gian gần đây không vì lòng nghĩa hiệp riêng với bất cứ nước nào, mà nó nằm trong chiến lược xoay trục của Mỹ vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Vì lo ngại mối quan hệ cũng như sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc, Mỹ đã thực hiện chiến lược xoay trục và Việt Nam được xem như đầu kéo trong chiến lược này của Mỹ.
Nói rõ hơn, vị chuyên gia cho biết: Trong bối cảnh nguồn lực ngày càng bị cắt giảm, thì việc xác định những ưu tiên hàng đầu của chính sách đối ngoại là rất cần thiết. Rõ ràng, khu vực châu Á-Thái Bình Dương - hiện chiếm một nửa dân số thế giới - có vị thế rất quan trọng đối với Mỹ, không chỉ trên lĩnh vực kinh tế-thương mại-đầu tư mà cả an ninh-quốc phòng.
Vậy vì sao Mỹ chọn Việt Nam? Vì Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng với hơn 100 triệu dân. Việt Nam vừa ký hiệp định thương mại tự do FTA, tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN, tới đây là hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP…
Mỹ đầu tư vào Việt Nam nghĩa là đầu tư vào 600 triệu dân ở các nước trong khu vực ASEAN, thông qua hình thức liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam hoặc đặt doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam và bán hàng trực tiếp cho các nước này.
Việt Nam chính là bàn đạp cho Mỹ cung ứng hàng hóa cho các nước trong khu vực mà không phải mất thuế nhờ các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết.
Còn về phía Việt Nam, coi đây là cơ hội vì sao? Đầu tiên, Việt Nam sẽ có nguồn lực từ đầu tư nước ngoài, có nguồn nhân lực kỹ thuật cao và quan trọng hơn cả đây là cơ hội cho Việt Nam mở rộng giao thương, hợp tác với nhiều nền kinh tế khác như Nga, Ấn Độ….
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, Việt Nam cũng phải tỉnh táo mà lựa chọn đối tác, cần thiết phải mở rộng hợp tác, giảm sự phụ thuộc vào duy nhất một nền kinh tế.
Vị chuyên gia này kết luận: “Vấn đề của Việt Nam là có đủ năng lực, trình độ, đủ tâm, đủ tầm để cân nhắc lựa chọn hay không? Có nắm bắt được những ưu thế và khắc phục những nhược điểm hay không?
Còn khi nắm bắt được cơ hội rồi liệu nội lực trong nước có thay đổi, có đáp ứng được không. Nếu không thay đổi sẽ không thể tận dụng được thời cơ”, ông nói.
Từ đó, ông cho rằng, Việt Nam trước hết phải đẩy mạnh nguồn nhân lực khoa học công nghệ. Trong giao thương với Mỹ, phải tham gia được vào chuỗi giá trị của họ, nâng cao dần giá trị nội lực, tăng giá trị gia tăng trong nước.
Cụ thể với Intel, Việt Nam có thể tận dụng những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực của Mỹ ở Việt Nam như Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright để đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ theo phong cách Mỹ.
“Cần phải có sự chuẩn bị. Không thể ngồi há miệng chờ sung”, vị chuyên gia giấu tên thẳng thắn.
Nguồn: Báo Đất Việt
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời'
- Kịch bản khiến cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump đột ngột ngừng lại vào tháng 6
- Ống thép Hòa Phát không bị áp thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
- Mỹ giảm mạnh thuế nhập khẩu kiện hàng có giá trị thấp từ Trung Quốc