Tin tức

Tận dụng cơ hội từ các FTA

01/06/2015    9

Việc Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh Kinh tế Á - Âu cuối tuần qua đã nâng tổng số FTA mà Việt Nam đã tham gia lên con số 10. Số các FTA song phương, khu vực và đa phương mà Việt Nam tham gia sẽ lên 15 khi 5 FTA dự kiến được ký kết trong năm nay.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban tư vấn chính sách thương mại quốc tế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), cho biết việc hội nhập sâu rộng sắp tới đòi hỏi cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần có cách tiếp cận mới để tận dụng cơ hội.

° Phóng viên: Ông đánh giá ra sao về việc tận dụng các FTA của Việt Nam thời gian qua?

° Ông TRẦN HỮU HUỲNH: Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ phù hợp cam kết của WTO và FTA Việt Nam đã ký. Thế nhưng hỗ trợ thực sự có hiệu quả chưa thì nhận định chung của giới doanh nghiệp, hiệp hội chưa thật tốt trên cả hai phương diện. Thứ nhất, có những khoảng không gian chính sách chúng ta chưa làm một cách kịp thời. Thứ hai là có những chính sách ban hành nhưng thực thi chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt trong quá trình ban hành văn bản để thi hành chính sách này. Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ thường kèm các chính sách kèm theo, mang tính chất liên hoàn thì chúng ta chưa giải quyết một cách đồng bộ nên đã làm hạn chế hiệu ứng của chính sách đó.

° Ông có thể nói cụ thể những vấn đề làm hạn chế hiệu ứng của chính sách?

° Chúng tôi thấy nhiều chính sách hỗ trợ trong khuôn khổ của WTO và FTA Việt Nam đã ký cho phép, không bị cấm như: hỗ trợ về nguồn nhân lực, hỗ trợ xây dựng năng lực doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương... trong khuôn khổ cam kết của WTO song chúng ta chưa làm tốt tuyên truyền, doanh nghiệp chưa biết. Đến khi các tổ chức nước ngoài vào Việt Nam và họ rà soát các chính sách xem có phù hợp hay không thì mới thấy rõ là doanh nghiệp Việt Nam không sử dụng các chính sách này. Điều đó đã dẫn đến việc doanh nghiệp thờ ơ, chưa biết khai thác các lợi thế mà các FTA đã mang lại. Đây là bài học kinh nghiệm mà tôi nghĩ khi Việt Nam đang đàm phán các FTA sắp tới, chúng ta cần phải chủ động ngay từ đầu.

° Từ thực trạng nêu trên, ông có cảnh báo gì?

° Chúng tôi xin lưu ý một cảnh báo từ cộng đồng doanh nghiệp là chính sách không nên đưa ra một cách đột ngột. Các nội dung đàm phán FTA nên được cảnh báo sớm, kể cả vấn đề thuế quan, phi thuế quan, đầu tư, sở hữu trí tuệ... Những điều đó cần được thảo luận một cách công khai, minh bạch có lộ trình và doanh nghiệp cần phải được tham gia.

° Vậy không gian chính sách đưa ra hỗ trợ doanh nghiệp còn rộng hay không khi Việt Nam tham gia các FTA sắp tới, thưa ông?

° Nếu chúng ta nhìn các kết quả FTA Việt Nam đã ký với các nước thì khoảng không gian chính sách còn nhiều. Tuy nhiên, có những không gian chính sách như mở cửa thị trường nước ngoài chúng ta khai thác chưa thật tốt. Vì sao? Đó là vì chính sách trong nước chưa huy động được các nguồn lực. Ví dụ như ưu đãi về thuế quan đối với thị trường đã ký thì đánh giá chung chỉ FTA ASEAN với Hàn Quốc là khai thác tương đối tốt. Còn hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế suất có xuất xứ từ Việt Nam đi thị trường khác mới chỉ khai thác 10% - 30%.

Tiếp đến là một số công cụ thực hiện chính sách bảo hộ cũng chưa làm tốt như: hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ... dù WTO và FTA cho phép. Lý do của vấn đề này đã được nêu, đó là cơ quan nhà nước chưa tích cực hướng dẫn còn cộng đồng doanh nghiệp cũng thụ động, không sử dụng công cụ cho phép.

Kinh nghiệm từ phía Hàn Quốc cho thấy, Hàn Quốc có nhiều kinh nghiệm đàm phán quốc tế và họ đã đưa ra nhiều khuyến nghị cho doanh nghiệp một cách thực tế. Ví dụ như họ nói rằng các biện pháp hỗ trợ có thể bị vi phạm. Nhưng nếu thấy có lợi cho một cộng đồng nào đó hay quốc gia thì họ sẵn sàng làm và chịu phạt. Nếu khoản phạt tính toán đó so với lợi ích của cộng đồng, quốc gia mang lại lớn hơn thì họ chấp nhận. Điểm này cũng là lời khuyên mà một số diễn giả, doanh nghiệp đã đưa ra với cơ quan quản lý là chúng ta cần cân đối giữa chi phí và lợi ích. Nếu lợi ích tổng thể lớn hơn chi phí thì chúng ta làm dù có thể đối mặt với bị kiện.

°Với các FTA thế hệ mới, Việt Nam nên dựa vào đâu để cạnh tranh, thưa ông?

° Theo tôi, không gian cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam cạnh tranh bằng thuế đã tới giới hạn. Các FTA mới đòi hỏi cao hơn các FTA truyền thống (chủ yếu liên quan đến chính sách thuế), không chỉ đụng chạm tới lĩnh vực mở cửa mà liên quan đến thể chế. Ví dụ như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đụng chạm rất nhiều đến thể chế, doanh nghiệp nhà nước, lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, thương mại điện tử... và liên quan đến thuế ít. Điều này đòi hỏi nhà nước cần tạo không gian rộng mở và bền vững hơn, từ đó doanh nghiệp có cơ hội phát triển. Thứ hai là doanh nghiệp, bằng các cam kết của nhà nước, cần nâng cao năng lực nội tại của mình, chấp nhận trong một cuộc chơi mà năng lực cạnh tranh nội tại là quyết định, còn khai thác các điều kiện bên ngoài như thuế, phí chỉ là thứ yếu.

°Ông đánh giá thế nào về khả năng thích ứng của doanh nghiệp với các FTA sắp tới?

° Theo tôi, điều đó không hoàn toàn đơn giản. Kinh nghiệm cho thấy chúng ta chưa khai thác tốt các FTA đã ký dù điều kiện thuận lợi hơn. Những vấn đề về thuế, chất lượng hàng hóa, thương hiệu là những yêu cầu mang tính truyền thống, muôn thuở của doanh nghiệp mà chúng ta chưa làm tốt được thì những thách thức sắp tới liên quan đến thể chế, năng lực cạnh tranh, thương hiệu... là rất lớn. Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp phải có cách tiếp cận mới.

Trong bối cảnh mở cửa thị trường thì vấn đề liên kết doanh nghiệp nước ngoài, chủ động từ cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp để cùng với họ chủ động khai thác tốt thị trường nước ngoài, nội địa là con đường tất yếu phải làm.

FTA thế hệ mới đòi hỏi chúng ta phải mở cửa nhiều hơn, liên kết nhiều hơn. Người Việt Nam không chỉ đoàn kết với nhau mà còn phải biết cách liên kết với doanh nghiệp nước ngoài để cùng chia sẻ. Và như vậy, những vấn đề về pháp luật, văn hóa, cộng đồng cần được đặt ra.

° Xin cảm ơn ông.

Nguồn: SGGP