Tin tức

Việt Nam có “liều lĩnh” quá khi hội nhập?

28/05/2015    11

(TBKTSG Online) Các doanh nhân, các nhà nghiên cứu đã bày tỏ niềm lo lắng, lẫn sự háo hức trước cuộc hội nhập kinh tế  ngày càng sâu rộng tại một cuộc hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 28-5.

Kẻ lo lắng người háo hức

“Chúng ta có “máu me” và “liều lĩnh” quá khi hội nhập sâu rộng như thế này hay không?” – Luật sư Trần Hữu Huỳnh của VCCI – người dẫn dắt cuộc tọa đàm đặt câu hỏi chung.

Câu hỏi này chính là băn khoăn của không ít người trước đó.

Bà Nguyễn Nga, một doanh nhân ở Pháp 40 năm hiện đang có dự án khôi phục lại cầu Long Biên, ví von quá trình hội nhập của Việt Nam: “Chúng ta đang mở quá nhiều cửa, mà gió to thì thốc từ phòng này sang phòng khác. Làm sao chúng ta sống được?” Theo bà, Việt Nam đã quá liều lĩnh khi mở nhiều cửa như thế.

Bà Nga nhận xét, nền sản xuất của Việt Nam rất èo uột khi công nhân Việt Nam chỉ biết lắp ráp ở trình độ thấp nhất, không như nhiều quốc gia khác.

Ông Nguyễn Anh Dương, chuyên gia Nghiên cứu của Dự án NDS của tổ chức Action Aid nói thêm: “Việt Nam là nước hăng hái nhất trong các cam kết hội nhập song phương và đa phương”.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan than vãn rằng ngành bán lẻ không hề được nhà nước hỗ trợ. Chúng ta không có chính sách khuyến thương, trong khi chính phủ lại có hàng loạt chính sách hỗ trợ cho các ngành khác như khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư.

Bà Loan cho biết chi phí thuê mặt bằng lên đến 20-25% tổng doanh thu làm các doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam không thể tồn tại. “Nếu không có hỗ trợ thì doanh nghiệp Việt Nam không có đủ lực cạnh tranh với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài”, bà nói.

Ông Trần Hữu Thanh – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, dẫn chứng ngành ô tô được bảo hộ mà kết quả bằng không, trong khi ngành viễn thông ở thế bắt buộc phải cạnh tranh thì phát triển tốt, rồi khẳng định: “Chúng ta phải mở cửa, phải ra biển lớn”.

Ông cho biết, ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam hiện đang đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc; và ngành chăn nuôi thủy cầm cũng rất tiềm năng khi có bờ biển dài hơn 3.000 km. “Hội nhập buộc các doanh nghiệp trong hiệp hội chúng tôi phải ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp”, ông nói.

Ông Tống Văn Nga, chủ tịch Hiệp hội vật liệu xây dựng cho biết, các vật liệu xây dựng như xi măng, kính sản xuất ở Việt Nam đang được xuất khẩu rất tốt. Riêng xi măng đã xuất khẩu hơn 20 triệu tấn năm 2014. “Tôi tin rằng chúng ta có thể đứng vững khi hội nhập các FTA”, ông nói.

Vai trò của nhà nước

Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung Tâm WTO của VCCI nói: “Chị Nguyễn Nga băn khoăn, nhà mở hết cửa thì người không sống được. Song, tôi cho là nhà mình chưa mở cửa hết. Có những cửa đã mở, nhưng có then, có lưới”.

Bà Trang cho biết với WTO và 9 hiệp định FTA đã được cam kết thì những hỗ trợ như rào cản về thuế, giấy phép nhập khẩu, … cho doanh nghiệp không còn.

“Những thông tin rò rỉ ra từ các FTA tới đây, chúng tôi nhận thấy không gian chính sách hỗ trợ về thuế quan, phi thuế quan ngày càng hẹp. Ví dụ trong mua sắm chính phủ, không còn ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước”, bà nói.

“Tuy nhiên, các rào cản như vệ sinh an toàn thực phẩm, chống bán phá giá thì còn rất rộng”, bà lưu ý.

Bà Trang dẫn chứng thêm, trong lĩnh vực đầu tư có những biện pháp ưu đãi -chẳng hạn như với các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp- cũng sẽ không được phép trong các FTA. Bên cạnh đó, chính sách sử dụng biện pháp trợ cấp bằng tài chính bị co hẹp lại.

Bà giải thích, có thể nhiều trợ cấp cho nông nghiệp sẽ không được phép, nhưng nhà nước vẫn có thể hỗ trợ thông qua đào tạo, nghiên cứu.

“Vấn đề ở chỗ, tôi thấy những  chính sách hỗ trợ chính phủ đã sử dụng trong không gian còn lại dường như không hiệu quả. Có những biện pháp hỗ trợ chỉ trên danh nghĩa. Có những ngành nhà nước chỉ cần không đặt ra điều kiện kinh doanh, hay đơn giản thủ tục hành chính là đã hỗ trợ doanh nghiệp rồi”, bà nhận xét.

“Và đến nay thì Việt Nam đang hỗ trợ ngược, tức là ưu ái các doanh nghiệp FDI hơn là các doanh nghiệp trong nước”, bà Trang nói.

Nguồn: TBKTSG