Càng cam kết FTA, không gian chính sách hỗ trợ sản xuất càng thu hẹp
28/05/2015 15Với việc Việt Nam ngày càng tham gia sâu, rộng hơn vào các hiệp định thương mại tự do (FTA), các chuyên gia nhận định, không gian chính sách hỗ trợ cho các ngành kinh tế sẽ bị thu hẹp.
Tại hội thảo "Không gian chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế-Còn lại gì sau các Hiệp định thương mại tự do?" tổ chức sáng 28-5, đại diện nhiều hiệp hội ngành hàng đã thảo luận sôi nổi về vấn đề này.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã ký kết 9 FTA và đang đàm phán một loạt FTA thế hệ mới quan trọng như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam- EU...
Các FTA này đang mở ra nhiều cơ hội mới cho các ngành kinh tế, đặc biệt là cơ hội xuất khẩu với thuế quan ưu đãi và thu hút đầu tư nước ngoài từ các nước đối tác. Tuy nhiên, bên cạnh việc mở ra các lợi ích từ tự do thương mại, các FTA cũng sẽ hạn chế quyền, thậm chí là cấm Chính phủ được thực hiện các chính sách nhất định để hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước phát triển. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể tới tương lai của các ngành kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, chính sách về thuế quan hiện không còn nhiều, hiện nay ngành nào muốn kiến nghị giảm thuế e là không còn "dư địa", nhưng những công cụ khác như các biện pháp chống trợ cấp, chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu thì vẫn còn.
"Càng cam kết thì không gian chính sách càng hẹp lại. Ví dụ như cam kết trong TPP thì mua sắm Chính phủ không chỉ ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước, nhưng về cơ bản không gian kỹ thuật khác như biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn"- bà Trang nói.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) bình luận, chế biến và xuất khẩu thủy sản là một ngành đặc thù phải nhập khẩu nguyên liệu về để chế biến.
"Hiện nay 80% nguyên liệu của ngành là phải nhập khẩu. Do đó nếu chúng ta đưa ra vấn đề nhập khẩu nhiều là tạo ra nhập siêu thì rất khó cho ngành chế biến thủy sản"- ông Nam nói.
Còn theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam: Chúng ta có chính sách khuyến công, nông, ngư, nhưng chưa có chính sách khuyến khích thị trường, đó là một trong những nguyên nhân khiến cho nông sản cứ được mùa rớt giá, không bán được hàng khiến cho có doanh nghiệp phải phá sản. "Như vậy trong không gian của các FTA tới, ngành Bán lẻ cần được hỗ trợ tương xứng hơn nữa"- bà Đinh Thị Mỹ Loan kiến nghị.
Nguồn: Báo Hải quan
- Giải mã chiến lược của Mỹ trong đàm phán thương mại với Trung Quốc
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời'
- Kịch bản khiến cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump đột ngột ngừng lại vào tháng 6
- Ống thép Hòa Phát không bị áp thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc