Nhập siêu và vấn đề nội lực
18/05/2015 22Việt Nam khó có thể chấm dứt việc thâm hụt thương mại với Trung Quốc, nhưng sẽ cải thiện được điều này bằng cải cách kinh tế.
Bài học từ Singapore
Với thể trạng nền kinh tế còn yếu và đang phát triển như Việt Nam (VN), việc phải nhập siêu từ các thị trường là điều dễ hiểu. Với Trung Quốc – nền kinh tế hàng đầu thế giới, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi nhập quá nhiều từ thị trường này. Thống kê cho thấy, Trung Quốc chiếm tới 24% tổng thương mại của Hàn Quốc, 40% tổng thương mại của Đài Loan.
Tuy nhiên, các quốc gia và vùng lãnh thổ này có năng lực cạnh tranh cao nên không quá quan ngại việc phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn thấp nên việc thoát khỏi ảnh hưởng, phụ thuộc vào thị trường chiếm 20% tỉ trọng thương mại này là không đơn giản. Do đó, với tỉ trọng 60% nguyên phụ liệu đầu vào nhập từ Trung Quốc, nếu từ bỏ thì DN VN sẽ xoay trở không kịp.
Bởi lẽ, cái gốc của vấn đề là do năng lực sản xuất của VN quá kém, nếu không nhập từ Trung Quốc cũng phải nhập từ các thị trường khác. Bởi lẽ, các doanh nghiệp (DN) của VN chủ yếu làm gia công, nhất là xuất khẩu, lại không có ngành công nghiệp phụ trợ nên muốn sản xuất phải nhập nguyên phụ liệu đầu vào. Do vậy, nếu giảm phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc thì bằng cách nào? Nếu nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị từ các nước khác thì hàng hóa sản xuất ra có tính cạnh tranh không, ai sẽ là người định hướng?
Trong câu chuyện này, chúng ta không thể đổ lỗi cho DN bởi DN phải vận hành trên cơ sở của lợi ích trên thị trường. Mà lỗi nằm ở đường hướng chung của vĩ mô, của các chính sách nhập khẩu ở Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Thực ra, nhập siêu với Trung Quốc là một vấn đề không mới. Nhưng điều đáng nói là cho đến nay, các giải pháp mà nhà quản lý đưa ra dường như chưa có gì mới. Sẽ là khập khiễng nếu so sánh nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc với việc Singapore nhập khẩu nước từ Malaysia. Tuy nhiên, cách giải quyết vấn đề của người Singapore lại có thể là những bài học cần được chúng ta nghiên cứu kỹ hơn. Cả thế giới đều nhắc đến sự thần kỳ trong phát triển kinh tế của Singapore, nhưng không phải ai cũng biết đảo quốc này tồn tại như thế nào trong bối cảnh một quốc gia không thể tự cung cấp nước ngọt cho mình. Ngay từ ngày đầu tiên, Singapore phải phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn nước từ quốc gia láng giềng. Vì thế, khi Singapore tuyên bố độc lập vào năm 1965, có vị lãnh đạo Malaysia đã nói đại khái, muốn đảo quốc nhỏ bé này quỳ gối, thì họ chỉ cần đưa tay “khóa van nước”. Sau ngày độc lập, đến nay, từ việc phải nhập gần như hoàn toàn nước từ Malaysia, Singapore đã đa dạng hóa nguồn cung cấp nước với chiến lược “bốn vòi nước quốc gia”, bao gồm nguồn nước mưa, nước nhập từ Malaysia, nước sử dụng lại và nước lọc từ nước biển.
Giải pháp từ thực tiễn
Quay trở lại với vấn đề của VN, trong điều kiện Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế thì quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia là tất yếu. Tuy vậy, một mặt VN phải giảm sự lệ thuộc bất lợi, bất an và rủi ro, mặt khác không kém quan trọng là khai thác những lợi ích, lợi thế và hiệu ứng tích cực trong quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Do đó, về trước mắt, chúng ta cần quản lý chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc. Đặc biệt là vấn đề truy xuất xuất xứ hàng hóa. Cấm xuất khẩu tài nguyên khoáng sản, hạn chế xuất nguyên liệu thô. Xây dựng tiêu chuẩn và hàng rào thương mại, môi trường phù hợp với qui định của của tổ chức thương mại thế giới để kiểm soát hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Kiểm soát biên giới, hạn chế xuất nhập khẩu tiểu ngạch. Tước giấy phép kinh doanh, mạnh tay trừng trị các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, dùng hàng Trung Quốc giả hàng nước khác. Thành lập Ban điều phối một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Tìm đối tác ở các nước đang phát triển thay thế nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Thông qua các đối tác trung gian khi Trung Quốc sử dụng biện pháp thương mại với Việt Nam.
Còn về lâu dài, cần tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc trên cơ sở khai thác lợi thế của Việt Nam. Khuyến khích xuất khẩu chính ngạch và hàng hóa chế biến sâu, giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, cần tái cấu trúc nền kinh tế và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Thúc đẩy quan hệ thương mại với Hoa kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Việt Nam có cơ hội để thể hưởng lợi một khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc suy giảm và căng thẳng trong quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
VN cũng cần tận dụng cơ hội do gia nhập TPP đem lại: Thực trạng cấu trúc nền kinh tế và mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp, khả năng nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc trong các năm tới có thể vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, điều này có khả năng thay đổi tích cực khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi tham gia TPP các DN xuất khẩu tại Việt Nam sẽ phải chú ý nhiều hơn đến nguyên tắc xuất xứ hàng hóa để được hưởng các ưu đãi thuế suất từ TPP bằng cách chuyển sang nhập khẩu máy móc, nguyên phụ liệu từ các nước là thành viên tham gia ký kết hiệp định, thay vì nhập khẩu từ Trung Quốc như hiện nay. Nhưng mặt khác, cũng phải có giải pháp đối phó làn sóng đầu tư từ Trung Quốc vđể họ hưởng lợi do Việt Nam tham gia TPP.
Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp
- Giải mã chiến lược của Mỹ trong đàm phán thương mại với Trung Quốc
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời'
- Kịch bản khiến cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump đột ngột ngừng lại vào tháng 6
- Ống thép Hòa Phát không bị áp thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc