Tin tức

Cuộc chiến cam go của TPP và TTIP

16/05/2015    17

(NDH) Các hiệp định thương mại tự do đa phương có nên được chào đón? Đây là một câu hỏi lớn, nhất là đối với những người coi tự do hóa thương mại là điều tích cực. Bên cạnh đó, vấn đề này cũng đang là tâm điểm gây tranh cãi tại nhiều nước trên thế giới.

Kể từ sau thất bại của “Vòng đám phán Doha” (thuộc chương trình nghị sự của các bộ trưởng WTO), trọng tâm của chính sách thương mại toàn cầu đã chuyển dịch theo hướng đa phương hóa với sự hạn chế các nước thành viên. Trong đó, đáng kể nhất là việc Mỹ thúc đẩy Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại Tư do xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Theo một nghiên cứu của Hội đồng Cố vấn Kinh tế Mỹ (CEA), chính quyền Obama đang cố gắng đưa Mỹ trở thành trung tâm thương mại của 2/3 nền kinh tế toàn cầu.

Hiệp định TPP bao gồm 12 quốc gia thành viên, trong đó quan trọng nhất đối với Mỹ là Nhật Bản. Những thành viên này chiếm 36% tổng GDP thế giới, 11% dân số và khoảng 1/3 giao dịch thương mại toàn cầu. Trong khi đó, hiệp định TTIP giữa Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) chiếm 46% tổng GDP thế giới và 28% tổng giao dịch thương mại toàn cầu. Tất nhiên, Trung Quốc (là đối tác thương mại lớn với Mỹ) đều không tham dự cả 2 hiệp định trên.

Ngoài ra, CEA cũng nhận định một số thành viên TPP vẫn có những rào cản khá cao trong việc nhập khẩu hàng hóa, như ở Malaysia và Việt Nam, hay chế độ bảo hộ nông nghiệp tại Nhật Bản. Hơn nữa, tổ chức này cho rằng việc nhập khẩu dịch vụ vào những thị trường thành viên TPP hay EU vẫn có rào cản khá cao so với Mỹ.

Theo đánh giá của CEA, mục tiêu hạ thấp các rào cản thương mại chỉ là một phần trong kế hoạch của Mỹ. Trong TPP, chính quyền Washington đang đề nghị “thực hiện chế độ bảo vệ lao động và bảo vệ môi trường” một cách mạnh mẽ hơn, cũng như thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Đối với TTIP, cả Mỹ và EU đang tìm kiếm một thỏa thuận gắn kết các quy định cũng như tiêu chuẩn minh bạch cho các doanh nghiệp của 2 phía. Vì vậy, có thể cho rằng TPP và TTIP đều là những nỗ lực nhằm hình thành các quy tắc thương mại quốc tế mới. Theo cựu Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy, TPP chủ yếu liên quan đến vấn đề thâm nhập và bảo hộ thị trường trong khi TTIP tập trung vào hợp tác trong tiêu chuẩn và quy định.

Hiện Nghị viện Mỹ vẫn chưa thông qua Quyền Xúc tiến Thương mại (TPA) cho Tổng thống Mỹ Barack Obama vì có rất nhiều tranh cãi liên quan đến những hiệp định thương mại này.

Theo những chuyên gia ủng hộ các thỏa thuận này, các hiệp định đa phương là cách tốt nhất để thúc đẩy tự do hóa thương mại khi những thỏa thuận trước đây bị thất bại. Ngoài ra, các chuyên gia này cho rằng những quy tắc mới từ các hiệp định này sẽ đem lại điều tích cực cho thế giới cũng như khiến mọi người được hưởng lợi.

Trái lại, một số chuyên gia không đồng ý với quan điểm trên, cho rằng với nguồn lực tài chính hạn chế, việc tập trung quá nhiều vào những hiệp định tự do thương mại giới hạn thành viên có thể ảnh hưởng đến mục tiêu của WTO (là tự do hóa thương mại trên toàn thế giới). Những quy tắc riêng trong các hiệp định thương mại có thể làm suy yếu những quy định chung trên toàn cầu trước đó. Hơn nữa, các thỏa thuận ưu đãi về thương mại có nguy cơ làm thay đổi các chuỗi sản xuất phức tạp (những quy trình sản xuất có liên quan đến nhiều quốc gia) trên toàn cầu.

Một vấn đề nữa là Mỹ đang sử dụng ảnh hưởng của mình để áp đặt các quy định trong hiệp định thương mại thay vì suy nghĩ cho lợi ích đôi bên. Nếu những thỏa thuận trên thắt chặt quy định và tiêu chuẩn về lao động, môi trường hay sở hữu trí tuệ thì không phải cả 2 phía đều có lợi. Ngược lại, nếu những tiêu chuẩn của Mỹ được áp dụng thì “cái giá phải trả” của các nước thành viên khác có thể sẽ rất cao.

Theo một số nghiên cứu, lợi ích kinh tế mà những hiệp định này đem lại, đặc biệt đối với các quốc gia phát triển, là không quá lớn. Giao dịch thương mại đã được tự do hóa đáng kể nên khi những rào cản được dỡ bỏ, lợi ích mà các quốc gia này nhận được là không nhiều. Nghiên cứu của Viện Peterson về TPP cho thấy thu nhập của Mỹ chỉ tăng chưa đến 0,4% GDP nếu hiệp định này được thực hiện. Một nghiên cứu khác của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế (CEPR) cho thấy thu nhập của EU và Mỹ cũng tăng chưa đến 1% khi TTIP được thi hành. Như vậy, thu nhập gia tăng khoảng 1% tại Mỹ là không thấp nhưng chưa phải là con số ấn tượng.

Đối với Hiệp định TTIP, việc “áp đặt” từ phía chính quyền Washington không phải là nỗi lo của các chuyên gia bởi cả EU và Mỹ đều có vị thế ngang bằng nhau. Tuy nhiên, có 3 mối quan tâm lớn mà nhiều chuyên gia tập trung vào trong thỏa thuận này.

Đầu tiên, chuyên gia Jeronim Capaldo của Đại học Tufts cho rằng những ước tính về lợi ích của TTIP đã bỏ qua các yếu tố vĩ mô. Ông nhận định rằng thặng dư thương mại của EU sẽ bị ảnh hưởng, qua đó làm giảm cầu tại thị trường Châu Âu. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia khác không đồng ý với quan điểm này, cho rằng những vấn đề liên quan đến kinh tế vĩ mô nên được giải quyết bằng những chính sách vĩ mô của chính phủ, những quyết định về giao dịch thương mại có mục tiêu riêng của nó.

Thứ hai là rào cản thương mại. Các chuyên gia nhận định rằng việc dỡ bỏ các rào cản thương mại sẽ gặp nhiều khó khăn. Những nhà đàm phán sẽ phải đưa ra các quy định nhằm phối hợp nhiều thủ tục pháp lý cũng như tiêu chuẩn của cả 2 phía, như kiểm nghiệm thuốc, thực phẩm. Nếu người dân Châu Âu không thích các sản phẩm biến đổi gien, họ sẽ đưa mục tiêu đó lên hàng đầu trong các cuộc đàm phán (trong khi người dân Mỹ vẫn sản xuất và sử dụng loại sản phẩm này). Trong trường hợp đó, các thỏa thuận thương mại sẽ gặp “lực cản rất lớn” khi đàm phán liên quan vấn đề trên.

Cuối cùng, việc giải quyết tranh chấp tại một số lĩnh vực kinh doanh liên quan đến chính phủ có thể không dễ dàng. Nhiều chuyên gia lo ngại lĩnh vực kiểm soát đầu tư công hay quyền kiểm soát giá thuốc tại Âu Mỹ không minh bạch. Do đó, những nhà đàm phán TTIP thường né tránh vấn đề này.

Tóm lại, TPP và TTIP sẽ đem lại lợi ích cho các bên nhưng chỉ với mức khiêm tốn. Bên cạnh đó, có những rủi ro trong các hiệp định này. Theo tờ Financial Times, những hiệp định này không nên trở thành một hệ thống toàn cầu mới cạnh tranh với WTO, hoặc cố tình đẩy Trung Quốc ra bên lề “cuộc chơi.” Ngoài ra, những thỏa thuận này cũng không nên trở thành công cụ để áp đặt các quy định gây thiệt hại cho thành viên hay để loại bỏ những quy tắc cũ. Cố gắng đạt được hiệp định bằng mọi giá có thể gây phản tác dụng ngay cả khi các thỏa thuận này thúc đẩy tự do hóa thương mại toàn cầu.

Nguồn: NĐH