Tin tức

Hội nhập AEC: Làm sao tiếp cận vốn ngoại?

21/04/2015    22

(TBKTSG) -  Theo lộ trình hội nhập tiền tệ và tài chính ASEAN (RIA-Fin), các nước sẽ tự do hóa từng bước dịch vụ tài chính vào năm 2015 cùng với việc tự do hóa tài khoản vốn và phát triển thị trường vốn dài hạn. Bên cạnh đó, sáng kiến đa phương hóa Chiang Mai (CMIM) năm 2010, sáng kiến thị trường trái phiếu châu Á (ABMI) năm 2005 và cơ chế bảo lãnh tín dụng và thuận lợi hóa đầu tư (CGIF) năm 2010 đã được đề ra để giúp ổn định và hội nhập tài chính Đông Á. Đây là cơ sở để chính phủ các nước hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh doanh trong quá trình hội nhập AEC.

Tuy nhiên, để có thể tiếp cận được các nguồn hỗ trợ, bản thân doanh nghiệp cũng phải tự “thanh lọc” để tạo uy tín chứ không chỉ chờ đợi sự hỗ trợ từ bên ngoài mà thiếu đi sự cải cách bên trong.

Chủ động tìm hiểu tình hình thị trường tài chính trong nước và khu vực

Khi AEC được thành lập sẽ có nhiều thay đổi trong thủ tục hành chính, thể chế liên quan đến vay vốn và cũng sẽ có nhiều tổ chức tài chính tín dụng đầu tư sang Việt Nam.

Hiện nay, ở Việt Nam có nhiều quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn giá rẻ với các tiêu chuẩn xác định, như “Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa” cho các dự án khả thi thuộc danh mục lĩnh vực ưu tiên; “Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng; “Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia” hỗ trợ các doanh nghiệp có hoạt động đổi mới và ứng dụng công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; các gói cho vay hỗ trợ doanh nghiệp của các ngân hàng... Doanh nghiệp cần xác định các nguồn vay, tiêu chuẩn vay và xem lại mình còn thiếu tiêu chuẩn nào để tập trung cải thiện.

Trong khối ASEAN, Malaysia có hệ thống bảo lãnh tín dụng đa dạng, linh hoạt và hiệu quả. Doanh nghiệp có thể tiếp cận bốn quỹ bảo lãnh tín dụng. Ngoài hệ thống bảo lãnh tín dụng chung do Chính phủ thành lập, ba hệ thống còn lại gồm hệ thống bảo lãnh các khoản vay đặc biệt, hệ thống bảo lãnh tín dụng cơ bản, hệ thống bảo lãnh tín dụng chủ yếu - mới là do các tổ chức tư nhân thành lập, hoạt động vì mục đích lợi nhuận. Ở Singapore, Quỹ phát triển kỹ năng Singapore cung cấp các khoản viện trợ không hoàn lại để đào tạo doanh nghiệp, bao gồm việc phân tích nhu cầu về kỹ năng, đào tạo lao động tại nơi làm việc. Ở Thái Lan, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa huy động vốn từ nguồn viện trợ nước ngoài và khu vực tư nhân. Các quỹ này hoạt động rất hiệu quả. Khi AEC được hình thành, nền kinh tế trở nên thống nhất thì doanh nghiệp Việt Nam có thể nghĩ đến việc tiếp cận các nguồn vốn này một cách trực tiếp hay thông qua các hình thức hợp tác liên doanh, liên kết... với công ty nước bạn.

Nâng cao tính minh bạch trong các báo cáo tài chính

Đối với các công ty cổ phần, việc gia tăng tính độc lập và chất lượng của ban kiểm soát sẽ góp phần gia tăng chất lượng báo cáo tài chính bao gồm tính minh bạch. Các công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán cần đẩy mạnh hơn nữa việc minh bạch hóa thông tin, cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin để nhà đầu tư và cổ đông có những quyết định đúng đắn khi đầu tư vào công ty. Đối với các công ty khác, việc tuân thủ các quy định lập báo cáo tài chính theo chuẩn kế toán Việt Nam (VAS) và hướng đến lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) là rất cần thiết vì sự minh bạch, rõ ràng sẽ tạo tâm lý an tâm cho các nhà đầu tư hoặc ngân hàng khi xem xét cấp vốn cho doanh nghiệp.

Đầu tư kỹ cho việc lập phương án kinh doanh vay vốn

Kế hoạch kinh doanh phải được xem xét kỹ từ khâu phát triển ý tưởng, nghiên cứu thị trường, tính khả thi của ý tưởng, đến việc chuẩn bị những công việc để biến ý tưởng thành hành động kèm theo các phương án dự phòng rủi ro.

Một phương án rõ ràng, chi tiết sẽ giúp hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp có tính thuyết phục cao và dễ được các đơn vị thẩm định ưu tiên xem xét.

Xây dựng uy tín với các tổ chức tín dụng

Các ngân hàng vẫn hay dè chừng các doanh nghiệp nhỏ và vừa do có tỷ lệ nợ quá hạn cao. Vì vậy, doanh nghiệp cần có sự cam kết trong việc thực hiện các phương án kinh doanh và vay vốn.

Doanh nghiệp cũng có thể tham gia vào mô hình ngân hàng thương mại - công ty bảo hiểm - doanh nghiệp, theo đó, doanh nghiệp sẽ được tiếp cận vốn “có đảm bảo” vì công ty bảo hiểm sẽ có trách nhiệm trả nợ thay cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp gặp rủi ro không thể hoàn nợ ở những mức độ nào đó theo hợp đồng.

Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh

Nền kinh tế năm 2015 được dự báo có dấu hiệu phục hồi. Doanh nghiệp cần nắm rõ những diễn biến của kinh tế vĩ mô để bắt kịp nhu cầu thị trường, từ đó thay đổi chiến lược, tầm nhìn mang tính khu vực, toàn cầu.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, nghiên cứu triển khai quy trình sản xuất hiệu quả, tăng cường hoạt động tiếp thị - bán hàng, tính toán kỹ chi phí bỏ ra và sản lượng tiêu thụ để đảm bảo tối thiểu đạt mức doanh thu hòa vốn. Quan trọng hơn là việc kiểm soát tốt nguồn vốn vay trong quá trình sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn đúng mục đích, đúng lúc, đúng đối tượng để tiết kiệm chi phí và gia tăng hiệu quả.

Học hỏi và phát huy khả năng quản lý

Với AEC, sân chơi của doanh nghiệp được mở rộng đồng nghĩa với rủi ro tăng lên. Vì vậy, các chủ doanh nghiệp cần nâng cao khả năng quản trị rủi ro và quản trị tài chính doanh nghiệp. Việc lập kế hoạch, triển khai và kiểm tra, giám sát thực hiện công việc phải được theo dõi sát sao. Doanh nghiệp có thể nghiên cứu sử dụng các phần mềm hỗ trợ quản lý và tìm hiểu các công cụ phòng chống rủi ro biến động tài chính như các công cụ phái sinh, bảo hiểm, thị trường kỳ hạn...

Việc quản lý tài chính cần tập trung vào chiều sâu hơn chiều rộng. Một doanh nghiệp nhỏ nhưng hoạt động hiệu quả, tài chính mạnh vẫn tốt hơn một công ty lớn nhưng kinh doanh không hiệu quả, nợ nần nhiều hoặc có nguy cơ không kiểm soát được nợ. Vì vậy, kế toán quản trị trong nội bộ công ty cũng rất quan trọng. Thông tin tài chính phải được cung cấp kịp thời cho chủ doanh nghiệp để ra các quyết định.

Doanh nghiệp cần quan tâm đến việc đầu tư, mua sắm, tài trợ và quản lý tài sản để đảm bảo mục tiêu kinh doanh, tránh tình trạng nợ vay biến thành gánh nặng chi phí của doanh nghiệp.

Tóm lại, chủ động nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay (nhất là những nguồn vốn chi phí thấp) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong bối cảnh gia nhập AEC là việc rất quan trọng, giúp doanh nghiệp đón nhận những cơ hội và vượt qua thách thức. Tính khả thi của phương án kinh doanh và sự minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp là những yếu tố then chốt để ngân hàng và các tổ chức tín dụng xem xét cho vay, còn tài sản đảm bảo chỉ là điều kiện kèm theo để ngân hàng dễ kiểm soát. Vì vậy, thay vì “kêu khó, kể khổ”, doanh nghiệp nên có những hành động cụ thể để tạo thương hiệu, xây dựng niềm tin với các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng. Khi một thị trường đồng nhất và cạnh tranh được hình thành, mỗi doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển thì phải chủ động hoàn thiện mình, cải thiện “sức khỏe” trước khi đọ sức với bên ngoài.

Nguồn: TBKTSG