Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản: Cơ hội lớn cho hàng Việt Nam vào thị trường Nhật Bản

30/04/2015    856

(TBTCVN) - Để thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) giai đoạn 2015 - 2019, Bộ Tài chính đã ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với hơn 3.200 dòng sản phẩm.

Ông Hà Duy Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho rằng, đây là cơ hội lớn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam xâm nhập vào thị trường Nhật Bản.

* Bộ Tài chính vừa ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với hơn 3.200 dòng sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản, trong đó có các sản phẩm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử; nguyên phụ liệu dệt may, da giày... Xin ông cho biết tại sao lại ưu đãi đối dòng sản phẩm này?

- Ngày 14/2/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 25/2015/TT-BTC kèm Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) giai đoạn 2015 - 2019.

Theo đó, kể từ ngày 1/4/2015 sẽ có thêm 150 dòng hàng được cắt giảm thuế quan về 0%, nâng tổng số dòng hàng được xóa bỏ thuế kể từ khi VJEPA có hiệu lực lên 3.234 dòng, tương đương 34,09% toàn biểu thuế nhập khẩu.

Thuế quan được cam kết cắt giảm dần theo từng giai đoạn. Số dòng thuế cắt giảm trải rộng đối với nhiều lĩnh vực, mặt hàng khác nhau chứ không tập trung riêng vào một số mặt hàng nhất định. Các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử; nguyên phụ liệu dệt may, da giày có lộ trình xóa bỏ thuế quan sớm do đây là các mặt hàng công nghệ cao, linh kiện lắp ráp, nguyên liệu phụ trợ cần nhập khẩu trong nước chưa đáp ứng được, trong đó nhiều mặt hàng cũng có thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) 0%.

Trong các giai đoạn tiếp theo, thuế nhập khẩu của hầu hết các mặt hàng còn lại cũng sẽ giảm dần để tiến tới đưa về 0%.

* Với việc nâng tổng số hàng được ưu đãi mức thuế 0% lên hơn 3.200 dòng sản phẩm thì Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì, thưa ông?

- Hiệp định này sẽ mở ra cơ hội lớn cho hàng xuất khẩu nước ta thâm nhập vào thị trường Nhật Bản. Bởi theo hiệp định, các sản phẩm của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan nhiều nhất của Nhật Bản là các sản phẩm nông, thủy sản và hàng dệt may - là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Cụ thể, thuế suất bình quân đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ giảm dần từ 6,1% năm 2015 xuống còn 3,7% vào năm 2018. Các mặt hàng thủy sản, nông sản, dệt may, sắt thép, hóa chất, linh kiện điện tử có mức cam kết tự do hóa mạnh mẽ nhất.

Đến năm 2026, theo thỏa thuận, Việt Nam và Nhật Bản cơ bản hoàn tất lộ trình giảm thuế để xây dựng một khu vực thương mại tự do song phương hoàn chỉnh. Theo đó, 94,53% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 87,6% kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sẽ được miễn thuế nhập khẩu.

Kể từ khi hiệp định thương mại tự do giữa hai nước (FTA) có hiệu lực, Nhật Bản ngày càng trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa liên tục tăng trưởng và diện mặt hàng xuất khẩu đa dạng hơn.

Theo thống kê, năm 2014 kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt trên 14,7 tỷ USD, tăng 1,1 tỷ USD so với năm 2013. Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản gồm các nhóm hàng chính: Dệt may, dầu thô, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, hàng thủy sản, gỗ và sản phẩm, giày dép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện…

* Có ý kiến cho rằng, khi thuế suất nhập khẩu của hơn 3.200 dòng sản phẩm về 0% sẽ khiến cho hàng hóa từ Nhật Bản nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam. Với tâm lý sính ngoại sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ của các doanh nghiệp nội có cùng sản phẩm. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tính đến nay, có 3.234 dòng thuế có thuế suất 0%, trong đó có 2.703 dòng thuế có thuế suất MFN 2014 bằng 0%. Chỉ có 531 dòng thuế có lộ trình cam kết cắt giảm dần đều trong vòng gần 10 năm, với bước cắt giảm chậm 1- 2%/năm, chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng: Máy tính, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, sản phẩm điện tử, linh kiện, sợi các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, tân dược... 

Đối với dòng máy tính, các sản phẩm điện tử của Nhật được hưởng ưu đãi thuế sẽ cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa hiện có trên thị trường (chủ yếu là các sản phẩm của có xuất xứ từ Trung Quốc và ASEAN). Do đó, người tiêu dùng có thêm cơ hội lựa chọn hàng hoá có chất lượng tốt hơn.

Những mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế phần lớn đều là nguyên liệu đầu vào của sản xuất như giống thủy sản, cây trồng; máy móc, thiết bị, thậm chí cả nguyên phụ liệu dệt may, da  giày...

Khi thuế nhập khẩu những mặt hàng này giảm thì doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nhập nguyên liệu sản xuất từ Nhật Bản có chất lượng tốt, giá cạnh tranh, đồng thời sẽ giảm dần tỷ lệ nhập nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Thực hiện lộ trình giảm thuế này cũng như thực hiện các cam kết trong các hiệp định tương tự, các doanh nghiệp cần phải chủ động, xác định lợi thế của mình, chuẩn bị các  chiến lược kinh doanh để sẵn sàng cho cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu.

* Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam