Tin tức

Việt Nam và Nhật Bản tìm hướng thúc đẩy giao thương nông sản

25/11/2024    90

Giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản chiếm chưa tới 2% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Nhật Bản.

Con số được đưa ra tại Hội thảo “Kết nối chuỗi cung ứng đáp ứng nhu cầu thị trường” do Vụ Hợp tác quốc tế và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (NAEC) phối hợp với Dự án Xúc tiến đầu tư nông nghiệp Nhật Bản (ABJD), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức sáng 22/11 tại Hà Nội.

Tiềm năng hợp tác là rất lớn

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho biết, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản ngày càng phát triển trong nhiều lĩnh vực theo hướng mở rộng hợp tác cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, trong đó, nông nghiệp Việt Nam cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của Nhật Bản.

Việt Nam và Nhật Bản đều có tiềm năng và lợi thế riêng để có thể thúc đẩy hợp tác phát triển nông nghiệp. Nhật Bản là nước công nghiệp phát triển, có nền nông nghiệp hiện đại và có nhiều lợi thế trong áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Mặc dù vậy, nông nghiệp Nhật Bản mới chỉ đáp ứng được trên 45% nhu cầu tiêu dùng trong nước và hàng năm vẫn phải nhập khẩu các mặt hàng nông sản. Đây được coi là lợi thế của Việt Nam để mở rộng xuất khẩu nông sản vào Nhật Bản.

Kể từ năm 2014 đến nay, quan hệ hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản đã có những chuyển biến mang tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn thể hiện thông qua các cuộc đối thoại cấp cao. Bên cạnh những thành tựu, việc hợp tác nông nghiệp giữa 2 nước cũng gặp một số những hạn chế. Theo đó, tỷ lệ đầu tư của Nhật Bản vào nông nghiệp Việt Nam còn thấp so với các ngành khác.

Giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản chiếm chưa tới 2% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Nhật Bản. Trong khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA); Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA),… Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này chưa xứng với tiềm năng. Việc này đặt ra rất nhiều câu chuyện trong vấn đề kết nối giữa các doanh nghiệp Nhật Bản với các doanh nghiệp Việt Nam cũng như những ưu tiên của doanh nghiệp Nhật Bản trong việc mua hàng hóa của Việt Nam.

“Do đó, việc tổ chức Hội thảo sẽ là cầu nối cho các doanh nghiệp, người nông dân và cơ quan quản lý Việt Nam có thể kết nối với các đối tác Nhật Bản trong việc tham gia đưa nông sản Việt vào hệ thống chuỗi siêu thị của Nhật Bản nói chung và hệ thống siêu thị AEON nói riêng”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói.

“Nông nghiệp là lĩnh vực rất tiềm năng để Việt Nam và Nhật Bản hợp tác cùng nhau. Chúng tôi mong rằng, với kỹ thuật của Nhật Bản chúng tôi có thể hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng suất, gia tăng giá trị cạnh tranh của nông sản Việt. Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc về nông nghiệp. Trong quá trình phát triển đấy, quan hệ giữa Việt Nam – Nhật Bản đóng vai trò quan trọng”, ngài Ito Naoki - Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam – cho biết.

Cũng theo Ngài Ito Naoki, quy mô thị trường Nhật Bản gấp 10 lần Việt Nam, dân số làm nông nghiệp tại Nhật Bản ngày càng ít đi, do đó, việc sản xuất và xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Nhật Bản tiềm năng là rất lớn. Do đó, ngài Ito Naoki cũng hy vọng thông qua hội thảo, doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản cùng nhau trao đổi hợp tác về kỹ thuật, xúc tiến bán hàng và hướng tới tương lai. Và với Biên bản ghi nhớ về nâng cao năng lực và kết nối thị trường cho người nông dân giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty AEON TOPVALU Việt Nam sẽ giúp đưa sản phẩm nông sản của Việt Nam ra thị trường thế giới với thương hiệu TOPVALU.

Để đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp Việt Nam và Nhật Bản cũng như để triển khai thành công Biên bản ghi nhớ về nâng cao năng lực và kết nối thị trường cho người nông dân giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty AEON TOPVALU Việt Nam ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia – cho rằng, việc xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, nơi các nhà sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể hợp tác chặt chẽ để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước là việc cần thiết.

Nông sản Việt cần đặt giá trị lên hàng đầu

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho biết, Nhật Bản hiện là một trong những thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản quan trọng của Việt Nam quan trọng của Việt Nam. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Nhật Bản cho thấy cơ cấu hàng hóa của hai nước phần nhiều mang tính bổ sung và không cạnh tranh. Bên cạnh đó, Nhật Bản là nền kinh tế lớn, nhưng cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này còn hạn chế nên vẫn còn rất nhiều dư địa để đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới.

Ngoài ra, những tiêu chuẩn đặc thù kỹ thuật về nông nghiệp của Nhật Bản rất khắt khe, sự biến động của kinh tế thế giới, chủ nghĩa bảo hộ sản xuất trong nước đang tác động rất lớn tới thương mại nông sản toàn cầu; hay xung đột quân sự, cấm vận thương mại, nguy cơ dịch bệnh bùng phát… tăng nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đang là các thách thức đặt ra cho hợp tác nông nghiệp giữa hai nước. Điều này đòi hỏi hai nước phải có những nỗ lực hơn nữa trong việc đàm phán, xây dựng cơ chế hợp tác, trao đổi phù hợp, điều chỉnh quy trình sản xuất, công nghệ để tháo gỡ những khó khăn, thách thức này.

“Người Nhật Bản làm nông nghiệp không phải bằng phân bón, bằng thuốc bảo vệ thực vật mà làm bằng trái tim. Hay tin tôi đi, nếu chúng ta nghĩ đến người tiêu dùng thì người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao. Khi nông sản Việt đặt giá trị lên hàng đầu, đặt người tiêu dùng lên hàng đầu cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật từ phía Nhật Bản thì nông sản Việt sẽ đến được thị trường Nhật Bản nhiều hơn nữa, sẽ đi xa hơn”, ông Lê Minh Hoan nói.

Trong chiều nay, sẽ diễn ra Diễn đàn Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam – Nhật Bản. Sự kiện nhằm giới thiệu các sản phẩm, công nghệ mới và vai trò của hoạt động khuyến nông trong hợp tác kinh doanh nông nghiệp của Nhật Bản. Đây cũng là dịp để các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, các hợp tác xã bàn về những giải pháp cung ứng nông sản Việt Nam cho chuỗi siêu thị AEON Mall.

Đồng thời, là cơ hội kết nối để các hợp tác xã, các đơn vị kinh doanh nông nghiệp tìm hiểu nhu cầu thị trường, tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là nhu cầu của Nhật Bản, góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương nông sản giữa hai nước.

Tại Diễn đàn, nhiều vấn đề sẽ được đặt ra và được các chuyên gia giải đáp tại sự kiện như: Vai trò của chuỗi giá trị trong phát triển nông nghiệp ở Việt Nam; Các vấn đề hay rào cản chính đối với phát triển chuỗi giá trị tại Việt Nam; Chiến lược và chính sách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị; Sự hợp tác của Chính phủ Nhật Bản với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp; Một số mặt hàng mục tiêu chính của ngành nông nghiệp khi thâm nhập thị trường quốc tế; Tiêu chí quan trọng chính trong việc lựa chọn sản phẩm nông nghiệp của siêu thị AEON; Bí quyết hoặc sự khác biệt về chất lượng sản phẩm TOPVALU với các sản phẩm khác…

Bên lề Hội thảo và Diễn đàn sẽ diễn ra các hoạt động giới thiệu về sản phẩm nông nghiệp của các nhà sản xuất trong nước; Triển lãm các sản phẩm, công nghệ mới phục vụ nông nghiệp của doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam.

Nguồn: Báo Công Thương