Tin tức

Ôtô Việt Nam: Cạn kiệt lợi thế, liệu còn được... làm thuê?

14/01/2015    30

(Doanh nghiệp) - "Có nhiều ý kiến lên tiếng cho rằng, chúng ta có nên bỏ ngành ô tô đi hay không? Bởi trong những năm qua, ngành ô tô đâu có làm được gì".

TS Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế thế giới, Viện Nghiên cứu chính trị thế giới bày tỏ quan điểm trước việc số lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc trong năm 2014 đạt con số kỷ lục.

Cuối cùng vẫn chỉ là anh lắp ráp

PV:- Theo tổng cục Thống kê, năm 2014, số lượng ô tô nhập nguyên chiếc là 72.000 chiếc, giá trị tương đương 1,57 tỷ USD, chiếm một nửa lượng tiêu thụ của cả thị trường. Theo ông, điều này có dự báo xu hướng của thị trường sắp tới là xe nguyên chiếc nhập khẩu hay không và vì sao? Ngành lắp ráp ô tô trong nước sẽ đối mặt với những áp lực như thế này từ xu hướng này?

TS Bùi Ngọc Sơn: - Lý do đầu tiên dẫn đến việc số lượng ô tô nhập khẩu tăng cao trong năm qua, theo tôi là do dự báo tỷ giá đồng USD sắp tới sẽ tăng, nên người tiêu dùng cũng muốn xuất USD mua trước, sẽ được giá rẻ hơn. Chính vì vậy, ngoài các lý do về tăng thu nhập, thì điểm chính ở đây vẫn là di chuyển tài sản.

Thêm nữa, về mặt thị trường, thì người VN vẫn cảm thấy chất lượng ô tô làm trong nước không bằng ô tô nhập khẩu. Dù cùng là một hãng, nhưng các sản phẩm đưa sang lắp ráp chắc chắn không phải sản phẩm hạng A, trình độ lắp ráp, trình độ kiểm tra sản phẩm cũng không thể bằng ô tô sản xuất tại thị trường nước ngoài.

Trong khi, ô tô lắp ráp trong nước giá thành lại cao, nên người tiêu dùng chắc chắn sẽ cảm thấy cùng đồng tiền bỏ ra thì nhập khẩu ô tô nguyên chiếc vừa đẹp, chất lượng lại tốt hơn.

Bên cạnh đó, các chính sách phục vụ khách hàng sau khi mua, hiện tại của chúng ta còn quá kém. Chúng ta chỉ có thể cạnh tranh, khi sản phẩm phải tốt, rẻ, tiện, lúc đó người tiêu dùng mới có thể sẵn sàng bỏ tiền ra mua.

PV:- Trên thực tế, tại hội nghị công bố chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô VN mới đây, ông Metelo Jesus Arias - Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã nêu kiến nghị, mong giảm nhiều loại thuế cho doanh nghiệp lắp ráp trong nước, đồng thời giữ trần thuế nhập khẩu nguyên chiếc trong cam kết FTA.

Điều này có phải minh chứng cho việc ngành sản xuất trong nước không chống đỡ được với xe nhập khẩu hay không, thưa ông? Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này khi trên thực tế giá xe lắp ráp cạnh tranh hơn rất nhiều so với xe nhập khẩu?

TS Bùi Ngọc Sơn: - Rõ ràng điều này là bằng chứng cho việc ngành công nghiệp ô tô trong nước không chống đỡ nổi với thị trường xe nhập khẩu, bởi vì mức chênh lệch giá cả như vậy là quá nhỏ.

Hơn thế, khi chúng ta đi vào WTO thì áp lực bán ô tô trên TG sẽ là chịu thuế xuất giảm dần đi, chính các nhà sản xuất ô tô cũng sẽ nhìn thấy khuynh hướng năng lực trong nước của VN kém đi.

Cho nên, giữa nhập khẩu ô tô nguyên chiếc và nhập khẩu nguyên liệu lắp ráp, thì việc nhập ô tô bán sẽ dễ hơn, nhanh hơn, giá cũng không chênh nhau nhiều, nên các anh sản xuất trong nước chịu sức ép thì phải kêu.

Hiện nay, các DN sản xuất trong nước, chủ yếu dựa vào chính sách để hưởng lợi, chưa kể còn có cả vận động hành lang để từ được hưởng 1 sẽ được hưởng 2, vì họ biết VN không thể bỏ được ngành ô tô.

Từ đó, mới có nhiều ý kiến lên tiếng cho rằng, chúng ta có nên bỏ ngành ô tô đi hay không? Chứ còn nếu muốn giữ lấy ngành ô tô, thì phải có gì đó, để cho phát triển, nhưng khi phát triển chính sách kém, cuối cùng sau 20 năm không thu được gì, cuối cùng vẫn chỉ là anh lắp ráp, có đau lòng không?

Và chúng ta sẽ không bao giờ nội địa hóa được, trong khi cơ hội xe nhập khẩu sẽ ngày càng rẻ hơn. Chỉ cần đặt ra bài toán, nếu như bây giờ xe nhập khẩu rẻ hơn, bán nhanh hơn, thu tiền khẩn trương hơn thì sẽ không bao giờ họ bày ra chuyện lấy công nhân, huấn luyện đào tạo, nhà máy, hi sinh đất cát để làm nhà máy lắp ráp, tất cả sẽ là do lợi nhuận, hiệu quả kinh tế chi phối.

Để dẫn đến thực trạng này là do, thứ nhất, về nền tảng vĩ mô, chính sách tỷ giá làm cho người ta cảm thấy nhập khẩu vào là rất rẻ, vì vậy không muốn sản xuất trong nước.

Thứ hai, khi sản xuất trong nước có nhiều thứ phức tạp, nhiều tiêu chí, thậm chí tiêu chí rất cao, so với giá ô tô nhập khẩu và trong bối cảnh gia nhập WTO, giảm thuế suất thì đối với họ, lợi ích ở thuế nhập khẩu sẽ nhiều hơn. Chưa kể những động thái mang tính chất cục bộ, đó là vấn đề chính sách, phán đoán về mặt tỷ giá.

Vấn đề lợi ích - sở hữu

PV:- Từ khi có Chiến lược phát triển ngành ô tô tới nay, ngành sản xuất ô tô Việt Nam hiện nay vẫn đang là lắp ráp, chưa làm được trục khuỷu, sơn ô tô... Vậy phải hiểu những kiến nghị bảo vệ nền sản xuất ô tô trong nước như thế nào, thực chất là để thúc đẩy ngành sản xuất ô tô hay là bảo hộ cho những doanh nghiệp FDI?

TS Bùi Ngọc Sơn: - Thực ra cuối cùng vẫn là bảo hộ cho các doanh nghiệp FDI, đáng lẽ chúng ta phải có những chính sách bảo hộ, như chúng tôi có chính sách, thì DN cho chúng tôi cái gì, chứ vào làm 5 – 10 năm nhưng cuối cùng lại không có gì trong tay, như vậy để làm gì? Chúng ta có thể khẳng định, đó không phải là bảo hộ để lấy ngành ô tô trong nước mà là bảo hộ cho mấy DN sản xuất lắp ráp ô tô nước ngoài.

Mục đích của họ vào VN là nhằm mục đích kiếm ăn theo hướng hưởng lợi nhuận, chứ không truyền lại cho chúng ta kỹ thuật. Đó là lỗi của chúng ta, nên đến giờ vẫn chỉ đi làm thuê.

Nhìn nhận về mặt đầu tư hiện nay cũng sai chính sách, đã là DN nhà nước thì làm sao đứng ra làm được ô tô, người làm chắc chắn phải là DN tư nhân, bởi để làm ô tô thì cần một dự án trường kỳ, dài hạn. 

Tôi khẳng định, nếu như hệ thống này còn tồn tại thì chắc chắn sẽ không bao giờ VN làm được ô tô. Bởi lẽ, hiện nay, chúng ta quá chú trọng vào nuôi nấng DNNN, đầu tư cho DN nước ngoài vào sản xuất tại VN, nhưng lại quên mất DN tư nhân, khu vực mới có động lực sáng tạo ra ô tô.

Chỉ có những xưởng ô tô của gia đình, mới có thể trau chút, say mê, bỏ ăn, chấp nhận phá sản để tạo ra một chiếc ô tô cho riêng mình. Chứ còn, các Giám đốc ngồi bàn giấy, thì chỉ xem phi vụ nào ngắn, ghi điểm thành tích, thu được lợi nhuận cao thì mới làm, vậy thì đến bao giờ mới có ngành ô tô. Trong khi cần lăn lộn, cần chi phí, lao tâm khổ tứ cả thế hệ mới ra được.

Cuối cùng vấn đề ở đây là vấn đề lợi ích, vấn đề sở hữu, vấn đề hiệu quả kinh tế...

PV:- Do việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan theo lộ trình, Tập đoàn ô tô Mazda (Nhật Bản) đã tuyên bố chọn Thái Lan làm cơ sở sản xuất với quy mô lớn nhằm cung cấp sản phẩm cho khu vực Đông Nam Á. Một thương hiệu ô tô lớn của Hàn Quốc, mà rất nhiều người hy vọng sẽ đầu tư vào Việt Nam là Hyundai, mới đây cũng đã tuyên bố tập trung cho sản xuất tại Malaysia.

Ông dự báo xu hướng lựa chọn lại địa điểm đầu tư sẽ khiến cho ngành lắp ráp ô tô Việt Nam phải đối diện với những khó khăn như thế nào? Và hạn chót cho chiến lược phát triển ô tô Việt Nam, nền sản xuất ô tô Việt Nam sẽ có được những gì?

TS Bùi Ngọc Sơn: - Thực ra việc này, cũng không quá khó khăn, nếu các DN rút bớt thì sẽ giảm nhẹ cạnh tranh, và sẽ chỉ cho thấy chúng ta quá kém. Bởi đã là thu hút, thì họ sẽ tính đến nơi chi phí thấp, hiệu quả lớn hơn.

Vì thế, phải đặt ra câu hỏi tại sao mình có vấn đề gì mà người ta phải đi? Trả lời được câu hỏi đó thì mới có thể cải tiến, phát triển được, không thì chúng ta mãi mãi chỉ là lao động quèn, không có gì.

Lợi thế duy nhất là lao động giá rẻ dần rồi cũng sẽ hết, bởi dù có rẻ thì cũng phải làm ra cái họ cảm thấy bán được, chứ nếu không bán được cũng vứt đi. Chắc chắn sẽ thua tất cả các nước xung quanh.

Việc cần làm hiện nay, là phải kiểm soát lại vấn đề sở hữu hệ thống triển khai cho DN tư nhân làm, không đến ngành lắp ráp cũng không còn chỗ đứng.

- Xin cảm ơn TS!

Nguồn: Báo Đất Việt