Hội thảo «Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU: Những nội dung doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý»

22/12/2014    98

EU hiện là một trong các đối tác hàng đầu của Việt Nam về kinh tế, thương mại và đầu tư. Theo Tổng cục thống kê, năm 2012 EU đã vươn lên vị trí thứ nhất và trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 20,3 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2011 và chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực vào thị trường EU chiếm tỷ trọng cao là: Điện thoại chiếm 43% tổng kim ngạch điện thoại xuất khẩu; giày dép chiếm 36%; máy tính chiếm 19%; hàng dệt may chiếm 16%.

Nhằm giúp các doanh nghiệp khu vực miền Trung hiểu rõ hơn về những cơ hội cũng như thách thức với doanh nghiệp Việt Nam khi ký kết FTA với EU, cũng như tiếp nhận những ý kiến đóng góp cho việc đàm phán, Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) đã phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khu vực Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU: Những nội dung doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý”.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm, tham dự của đại diện các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, thủy sản, may mặc, thủ công mỹ nghệ v..v. tại miền Trung, nơi  thị trường EU chiếm 34% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng đã cung cấp số liệu khảo sát nhanh của VCCI về đàm phán FTAViệt Nam-EU. Theo kết quả khảo sát, trong số 123 chuyên gia, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, cán bộ phụ trách kinh tế-thương mại của các tổ chức phi chính phủ được hỏi ý kiến, 97% số người ủng hộ việc Việt Nam sớm đàm phán ký kết EVFTA vì nhận thức được những cơ hội lớn về kinh tế và chỉ có trên 3% còn quan ngại về các quy tắc xuất xứ, khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam, cũng như sự chưa hoàn thiện về hành lang pháp lý của Việt Nam.

Tại hội thảo, đại diện của Bộ Công Thương đã trình bày về những cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp trong nước khi Việt Nam ký FTA Việt Nam-EU.  Đàm phán FTA với EU có thuận lợi là cơ cấu hàng xuất khẩu của EU và Việt Nam có tính chất bổ sung lẫn nhau, không cạnh tranh trực tiếp, EU liên tục là thị trường xuất siêu của Việt Nam. Việc ký kết FTA với EU mang lại những cơ hội cho các doanh nghiệp như tăng cường xuất khẩu nhờ vào lộ trình cắt giảm thuế về 0% đối với ít nhất 90% một số dòng thuế trong vòng 10 năm, đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhập một số nguyên liệu nguồn và máy móc thiết bị với giá thành rẻ hơn từ châu Âu nhằm đẩy mạnh sản xuất, và thu hút nhiều hơn nguồn vốn từ EU vào Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng có những khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu của thị trường EU. Ngoài ra. việc giảm thuế nhiều mặt hàng xuất xứ từ EU, và mở cửa hơn nữa thị trường dịch vụ sẽ làm tăng sức ép cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt Nam, đòi hỏi minh bạch hóa các quy định về quản lý kinh doanh và đầu tư.

TS. Claudio Dordi, Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn của dự án EU-MUTRAP đã giải thích rõ về những triển vọng lợi ích về thuế của Việt Nam khi ký FTA với EU. Theo ông Dordi, các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam như may mặc, thủy sản và da giày v.v... đang chịu mức thuế suất cao. Việc ký kết Hiệp định sẽ giúp những sản phẩm trên được hưởng mức giảm thuế sâu, mang lại lợi thế cạnh tranh với những nước khác. Ông Dordi khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước, ngoài việc tận dụng những lợi thế về giảm thuế, cần cải thiện các kênh phân phối, xây dựng thương hiệu trong nước, cũng như đề cao sản xuất thân thiện với môi trường nhằm tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu.

Ông Lê Văn Đạo, Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam và ông Nguyễn Văn Thâm, Phó Chủ tich Hiệp hội Gỗ Bình Định đã bày tỏ sự kỳ vọng vào việc ký kết EVFTA với lộ trình cắt giảm thuế sẽ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của 2 mặt hàng dệt may và gỗ sang EU. Bên cạnh đó, ông Thâm cũng nêu lên những quan ngại về làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp FDI sẽ cạnh tranh mạnh mẽ và áp đảo các doanh nghiệp trong nước, việc điều chỉnh khung pháp lý theo hướng bảo vệ sở hữu trí tuệ, thực thi các yêu cầu về môi trường và lao động sẽ làm tăng chi phí, trách nhiệm của doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm gỗ; sự thiếu thông tin của các doanh nghiệp về chống bán phá giá và hàng rào kỹ thuật cũng sẽ tạo ra những hạn chế khi có các tranh chấp với nước ngoài.

Trong phần thảo luận, có một số ý kiến góp ý với Bộ Công Thương, đề nghị lưu ý trong khi đàm phán với EU cố gắng đơn giản hóa hồ sơ xuất khẩu cho ngành đánh bắt thủy sản, cũng như thúc đẩy việc EU công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.    

Tại hội thảo, các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết phải tìm hiểu kỹ về văn hóa, thị hiếu tiêu dùng, các quy định, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của EU trong việc lập kế hoạch kinh doanh, cũng như khai thác chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập và FTA trong tương lai.

Nguồn: Mutrap

Tải tài liệu Hội thảo đầy đủ tại đây: