WTO ban hành Báo cáo cuối cùng của Ban Hội thẩm trong vụ DS429
08/12/2014 348Ngày 17 tháng 11 năm 2014, WTO đã ban hành tới các Thành viên WTO Báo cáo cuối cùng của Ban Hội thẩm về các kết luận chính thức trong vụ việc giải quyết tranh chấp tôm tại WTO (DS429).
1. Một số thông tin chung về vụ việc
- Ngày 16 tháng 02 năm 2012, Việt Nam đã gửi yêu cầu tham vấn với Hoa Kỳ liên quan tới một số biện pháp chống bán phá giá mà Hoa Kỳ áp dụng với tôm nước ấm nhập khẩu từ Việt Nam.
- Ngày 17 tháng 01 năm 2013, sau khi tham vấn không thành công với Hoa Kỳ, Việt Nam đã nộp yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm lên DSB.
- Ngày 27 tháng 2 năm 2013, Ban Hội thẩm đã được thành lập.
- Bên thứ ba: Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Na uy, Thái Lan, Ecuador.
- Ngày 12 tháng 7 năm 2013, các thành viên của Ban Hội thẩm đã được lựa chọn.
Trong vụ việc DS429, Việt Nam đã đưa ra 11 khiếu kiện liên quan tới 05 vấn đề chính: (i) Phương pháp quy về 0; (ii) Thuế suất toàn quốc (NME-wide entity); (iii) Mục 129(c)(1) của Đạo luật thực thi các Hiệp định của Vòng đàm phán Uruguay (URAA); (iv) Quyết định của cuộc rà soát cuối kỳ (sunset review); (v) dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá cho một số doanh nghiệp Việt Nam.
2. Một số kết luận chính trong báo cáo cuối cùng của Ban Hội thẩm
Trong 11 khiếu kiện của Việt Nam nêu trên, Ban Hội thẩm đã chấp nhận và ủng hộ 7 khiếu kiện của Việt Nam, thuộc 4 nhóm vấn đề chính, cụ thể như sau:
- Phương pháp zeroing: Ban Hội thẩm ủng hộ khiếu kiện của Việt Nam rằng phương pháp zeroing vi phạm về mặt áp dụng (as applied) (trong đợt rà soát 4, 5 và 6) quy định của Hiệp định chống bán phá giá ADA.
- Thuế suất toàn quốc: Ban Hội thẩm ủng hộ Việt Nam rằng việc Hoa Kỳ áp dụng thuế suất toàn quốc cho các doanh nghiệp Việt Nam không chứng minh được họ độc lập với sự kiểm soát của chính phủ là vi phạm về mặt pháp lý và về mặt áp dụng (trong đợt rà soát 4, 5 và 6) quy định của Hiệp định ADA.
- Quyết định của cuộc rà soát cuối kỳ: Ban Hội thẩm ủng hộ khiếu kiện của Việt Nam rằng quyết định của Hoa Kỳ trong cuộc rà soát cuối kỳ là vi phạm Hiệp định ADA do Hoa Kỳ sử dụng các biên độ phá giá được tính toán dựa trên phương pháp zeroing để đưa ra quyết định trong cuộc rà soát cuối kỳ, dẫn tới quyết định này cũng vi phạm quy định của WTO.
- Việc dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá cho một số doanh nghiệp Việt Nam:
Theo quy định của Hoa Kỳ, khi một doanh nghiệp nhận được biên độ phá giá bằng 0 hoặc không đáng kể trong 03 đợt rà soát liên tiếp, Hoa Kỳ sẽ phải dỡ bỏ lệnh áp thuế cho các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, trong các đợt rà soát 4, 5 và 6, Hoa Kỳ đã từ chối đề nghị dỡ bỏ lệnh áp thuế cho một số doanh nghiệp Việt Nam đã nhận được biên độ phá giá bằng 0 hoặc không đáng kể trong 2 đợt rà soát liên tiếp do (i) họ không được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc trong 03 đợt rà soát liên tiếp và (ii) một số doanh nghiệp được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc trong 03 đợt rà soát liên tiếp bị nhận biên độ phá giá lớn hơn 0 hoặc mức không đáng kể do bị tính bằng phương pháp zeroing. Do đó, Việt Nam khiếu kiện điều này vi phạm quy định của Hiệp định ADA. Ban Hội thẩm ủng hộ Việt Nam rằng việc Hoa Kỳ không dỡ bỏ lệnh áp thuế cho một số doanh nghiệp Việt Nam do các doanh nghiệp này không được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc hoặc không nhận được biên độ phá giá bằng 0 trong trong 03 đợt rà soát liên tiếp (vì Hoa Kỳ sử dụng phương pháp zeroing) là vi phạm quy định của Hiệp định ADA.
Tuy nhiên, Ban Hội thẩm cũng chưa ủng hộ Việt Nam ở một số vấn đề trong các khiếu kiện sau:
- Phương pháp zeroing: Ban Hội thẩm không kết luận rằng phương pháp zeroing vi phạm về mặt pháp lý quy định của Hiệp định ADA. Lý do là Hoa Kỳ đã ban hành Quy định sửa đổi về việc không sử dụng zeroing trong các đợt rà soát hành chính (ngày 14 tháng 2 năm 2012), nên phương pháp zeroing không còn bị coi là vi phạm về mặt pháp lý quy định của Hiệp định ADA. (Nhưng việc áp dụng phương pháp này cho vụ việc tôm cụ thể trong giai đoạn POR4,5 và 6 Ban Hội thẩm đã kết luận là vi phạm WTO như đã nêu ở trên).
- Thuế suất toàn quốc: Ban Hội thẩm không kết luận rằng phương pháp mà Hoa Kỳ sử dụng để tính mức thuế suất toàn quốc dựa trên các dữ kiện sẵn có bất lợi là vi phạm quy định của Hiệp định ADA. Ban Hội thẩm cho rằng Việt Nam chưa chứng minh được cách thức Hoa Kỳ tính toán thuế suất toàn quốc được sử dụng có hệ thống và áp dụng cho các vụ việc trong tương lai.
- Mục 129(c)(1) của Đạo luật thực thi các Hiệp định của Vòng đàm phán Uruguay (URAA): Việt Nam cáo buộc Mục 129 (c ) (1) vi phạm về mặt pháp lý quy định của Hiệp định ADA do không áp dụng hồi tố, chỉ giới hạn việc thực thi các phán quyết của WTO đối với các lô hàng thực hiện vào hoặc sau ngày việc quyết định thực thi có hiệu lực. Do vậy, có nhiều biện pháp của Hoa Kỳ bị kết luận là không phù hợp với WTO sẽ không được tuân thủ vì những biện pháp này được thực hiện trước khi Hoa Kỳ đưa ra quyết định thực thi phán quyết của WTO. Tuy nhiên, Ban Hội thẩm cho rằng mặc dù Mục 129 không đề cập đến các chuyến hàng trong quá khứ nhưng không có nghĩa là Mục 129 giới hạn việc thực thi chỉ đối với các lô hàng trong tương lai.
Theo quy định về giải quyết tranh chấp WTO, trong vòng 60 ngày kể từ ngày Báo cáo cuối cùng của Ban Hội thẩm được gửi tới các Thành viên WTO, Báo cáo sẽ được thông qua tại cuộc họp của Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO (DSB) trừ khi các bên tranh chấp có yêu cầu kháng cáo hoặc DSB đồng thuận không thông qua báo cáo. Trong trường hợp một hoặc cả hai bên có yêu cầu kháng cáo thì DSB sẽ ngừng xem xét việc thông qua Báo cáo của Ban Hội thẩm cho đến khi kết thúc kháng cáo.
Nguồn: Phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài –
Cục Quản lý cạnh tranh