Tin tức

Thép và các sản phẩm làm từ thép – đối tượng thường xuyên của các vụ việc điều tra CBPG

09/10/2014    123

Theo số liệu thống kê của Hệ thống cảnh báo sớm của Việt Nam được tổng hợp từ các Báo cáo thường niên của các quốc gia thành viên WTO, trong vòng khoảng 20 năm (giai đoạn từ 1994 đến 2012), các thành viên của WTO đã tiến hành khởi xướng 789 vụ điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm thép trên tổng số hơn 4000 vụ điều tra CBPG trong giai đoạn này[1].

Nghiên cứu thực tiễn điều tra CBPG đối với sản phẩm này tại một số nước, số liệu cho thấy mặt hàng thép và các sản phẩm làm từ thép hoặc kim loại cơ bản (basic metal) là đối tượng thường xuyên của biện pháp phòng vệ thương mại.

Thống kê cụ thể về điều tra CBPG tại một số quốc gia trong giai đoạn từ 1994 đến 2012 như sau:

Quốc gia

Số vụ việc điều tra CBPG

Số vụ việc CBPG đối với sản phẩm thép

Tỷ lệ các vụ việc CBPG sản phẩm thép

Hoa Kỳ

588

203

34%

Liên minh Châu Âu

485

99

20.5%

Canada

171

103

60%

Brazil

284

53

19%

Nguồn: website canhbaosom.vn

Các số liệu trên cho thấy, các quốc gia/vùng lãnh thổ tích cực sử dụng biện pháp CBPG như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu dành sự quan tâm khá thường xuyên đối với mặt hàng thép. Các sản phẩm thép bị điều tra chống bán phá giá chiếm chủ yếu là các sản phẩm xây dựng như ống thép hàn, dây cáp thép, thanh thép chịu lực, thép cán nóng, thép không gỉ, thép carbon và thép hợp kim[2]

Lý giải cho việc sản phẩm thép trở thành đối tượng thường bị điều tra chống bán phá giá, nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ sự phong phú về chủng loại sản phẩm. Thép là một trong những kim loại cơ bản có tính ứng dụng cao. Sản phẩm thép có đến hàng ngàn chủng loại trải dài trong mã HS 72 (sắt và thép), mã HS73 (các sản phẩm bằng sắt hoặc thép), mã HS 82 (Dụng cụ, đồ nghề, dao, kéo và bộ đồ ăn làm từ kim loại cơ bản; các bộ phận của chúng làm từ kim loại cơ bản), mã HS 83 (Hàng tạp hóa làm từ kim loại cơ bản), mã HS 94 (sản phẩm nội thất, nhà lắp ghép bằng sắt thép), mã HS 96 (các mặt hàng khác) từ các sản phẩm thép nguyên liệu cho đến các sản phẩm thép hạ nguồn.

Do vậy, khả năng một hoặc một nhóm sản phẩm trong số hàng ngàn chủng loại này bị điều tra CBPG là khá cao. Một nguyên nhân khác có thể kể đến là tầm quan trọng của ngành thép đối với nền kinh tế. Như đã thống kê, hầu hết các sản phẩm thép bị điều tra đều là các sản phẩm xây dựng, có giá trị kinh tế. Do đó, khi có dấu hiệu về hành vi bán phá giá, các doanh nghiệp sản xuất và cơ quan có thẩm quyền sẽ nhanh chóng phát hiện và tiến hành điều tra.

Cùng với việc là sản phẩm thường bị điều tra chống bán phá giá, số vụ việc tranh chấp tại cơ chế giải quyết tranh chấp WTO liên quan đến sản phẩm thép cũng tương đối nhiều. Trong số 105 vụ tranh chấp về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, có khoảng 19 vụ việc[3] (chiếm khoảng 20%) liên quan đến thép và các sản phẩm làm từ thép. Các quốc gia yêu cầu tham vấn thường đưa ra các lập luận cho thấy các vi phạm của cơ quan điều tra trong quá trình phân tích thiệt hại cũng như tính toán biên độ phá giá.

Việt Nam cũng là một trong những nước bị điều tra CBPG, với 52 vụ việc bị điều tra chống bán phá giá bởi 15 nước khác nhau trên thế giới từ 1994 đến tháng 3 năm 2013, trong đó số lượng các vụ việc mà sản phẩm đối tượng là thép là khoảng 15 vụ việc [4] (28%). Trong số đó, riêng trong 3 năm gần đây (từ 2011 đến 2013), Việt Nam đã phải ứng phó với 8 vụ điều tra chống bán phá giá sản phẩm về thép (ống dẫn dầu, thép cuộn cán nguội, thép cuộn nguội, ống thép các bon, thép cuộn nguội, thép cuộn không gỉ, mắc áo thép, tháp điện gió). Điều này cho thấy xu hướng điều tra đối với sản phẩm này đang gia tăng.

Về khởi xướng điều tra, cho đến nay Việt Nam mới chỉ điều tra một vụ việc đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ 4 nước là Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan. Ngày 5 tháng 9 năm 2014, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 7896/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá. Theo Quyết định này, thuế CBPG sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 5 tháng 10 năm 2014. Đây là vụ việc điều tra chống bán phá giá đầu tiên của Việt Nam và sản phẩm bị áp dụng là thép, một trong những đối tượng thường xuyên của các vụ điều tra chống bán phá giá trên thế giới cũng như các tranh chấp tại WTO.

Nguồn: Phòng Điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại – Cục Quản lý cạnh tranh 

 

 

 

 

 

-----------------------------------------------------------------------------------------

[1] http://service.canhbaosom.vn/vi/tool/adm

[2] http://ec.europa.eu/trade/policy/accessing-markets/trade-defence/actions-against-imports-into-the-eu/anti-dumping/

[3] http://wto.org/english/tratop_e/dispu_e/dispu_agreements_index_e.htm?id=A6#selected_agreement

[4]http://chongbanphagia.vn/files/Thong%20ke%20cac%20vu%20kien%20CBPG%20voi%20hang%20XK%20VN%2031.03.2014.pdf