Tin tức

Ông Cao Sỹ Kiêm: Nắm thời cơ khi thế cờ thay đổi

08/10/2014    7

BizLIVE - Nhận định về phát triển của doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua, TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, mặc dù đã có những bước phát triển rất nhanh nhưng điểm hạn chế của doanh nghiệp thời gian qua nằm ở vấn đề vốn ít, công nghệ thấp, lao động chưa được đào tạo nhiều, hiểu biết về luật lệ có mức độ… 

Rào cản từ vốn, công nghệ 

Với cương vị là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa xin ông cho biết đánh giá của ông về giới doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong thời gian qua?

Doanh nghiệp Việt Nam từ khi có Luật doanh nghiệp đã phát triển rất nhanh. Trước đây chỉ khoảng 30 vạn đã lên đến gần 600.000 doanh nghiệp, riêng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp.

Về kết quả sử dụng lao động, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chiếm 50% trong tổng số doanh nghiệp, chiếm 45-51% hàng xuất khẩu và hàng tiêu dùng, đóng góp khoảng trên 20% ngân sách nhà nước.

Sự phát triển chung của doanh nghiệp theo nhịp độ phát triển chung của kinh tế nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa có thời gian dài bị hạn chế nên khi khi có luật, có chủ trương đã phát triển rất nhanh.

Tuy nhiên, vẫn có những điểm hạn chế là nguồn vốn của doanh nghiệp ít, công nghệ thấp, lao động chưa được đào tạo nhiều, hiểu biết về luật lệ có mức độ, yếu thế trong cạnh tranh cho nên thời gian vừa qua khi kinh tế giảm sút lực lượng này giảm bị tác động mạnh nhất, giải thể ngừng sản xuất cũng là nhiều nhất, lao động mất việc làm cũng tăng.

Hiện nay tình hình kinh tế bắt đầu có những chuyển biến, thể chế đang được hoàn tất, các thủ tục hành chính được cải tạo, vốn thuế đã có chính sách hỗ trợ có hiệu quả, hiệu lực hơn nên bắt đầu có dấu hiệu phục hồi dù chưa nhanh chưa đều.

Mặc dù lãi suất và khả năng cho vay của ngân hàng đã cải thiện hơn nhưng khả năng tiếp cận còn nhiều hạn chế. Nhiều đơn vị chưa đảm bảo được các tiêu chuẩn vay, việc chọn lọc, quản lý của ngân hàng chặt hơn, vấn đề tài sản thế chấp đòi hỏi nhiều hơn, triệt để hơn nên khả năng tiếp cận vốn khó đặc biệt nguồn vốn dài hạn. 

Thêm nữa, sức mua thấp, tổng cầu thấp nên thị trường co lại ở thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước nên khả năng sản xuất mặc dù vốn, thủ tục hành chính được cải thiện nhưng khả năng khôi phục sản xuất chưa nhanh, chưa thật vững cho nên nhiều đơn vị hiện nay vẫn trong tình trạng khó khăn. 

Sở dĩ doanh nghiệp phát triển rất nhanh chưa được đào tạo nâng cao trình độ nên khả năng đáp ứng về mặt trình độ, quản lý, quản trị cũng rất hạn chế cho nên năng suất lao động kém, sức cạnh tranh của hàng hóa kém làm doanh nghiệp Việt Nam đã yếu đã kém lại càng yếu càng nhỏ hơn và khả năng phục hồi càng chậm hơn.

Việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp được đánh giá là khó khăn vậy giải pháp trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Hiện nay khó khăn chính vẫn ở thủ tục thế chấp, nhiều đơn vị hiện nay nợ thuế, nợ quá hạn, nợ xấu nên không đủ tiêu chuẩn vay, không được vay ở tất cả doanh nghiệp nên mặc dù lãi suất giảm, vốn nhiều nhưng không vay được đặc biệt vốn dài hạn.

Vốn muốn giải quyết vấn đề này và để doanh nghiệp tiếp cận được cần gỡ hai việc. Đối với doanh nghiệp phải vươn lên khắc phục, đảm bảo mức cao nhất, điều kiện và tiêu chuẩn vay của ngân hàng. 

Đánh giá sở trường sở đoản, đánh giá mặt được chưa được, tiềm năng, thế mạnh của mình, phát huy được hay chưa được đồng thời phải xây dựng và điều chỉnh chiến lược.  

Phía ngân hàng phải sâu sát hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục được những yếu tố thiếu xót đó hoặc có những cam kết đảm bảo với những dự án, những sản phẩm có khả năng sinh lời, khả năng hoàn trả hoặc thời gian sau có cam kết sẽ hoàn trả hoặc hai bên cam kết để giải quyết. 

Ngoài ra, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lĩnh vực, các ngành các cấp như thuế, công thương, đầu tư, ngân hàng… để có sự tác động đồng bộ, nhiều chiều với doanh nghiệp thì mới vượt qua được. 

Giải pháp nắm thời cơ

Hiệp định tự do mậu dịch khu vực ASEAN (AEC) dự kiến hoàn tất vào tháng 1/2015, đồng thời Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể được kí kết cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức, nhận định của ông về vấn đề này như thế nào?

Những ký kết đã ký sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tham gia thị trường, nâng chất lượng hàng hóa để phát huy, phát triển sản xuất kinh doanh. Nhưng có một điểm hạn chế, khó khăn là sự chuẩn bị các mặt về hàng hóa, chất lượng, giá thành và điều kiện đòi hỏi cam kết phải ký.

Tham gia TPP, Việt Nam được đánh giá là thấp nhất và những chuẩn bị chưa được mạnh mẽ, nhiều đơn vị chưa hiểu được nội dung, chưa hiểu được việc làm, và biện pháp làm và đây là điểm khó khăn nhất khai thác thế lợi. 

Muốn có lợi phải khắc phục điểm này và phải có những chuẩn bị tích cực như thay đổi môi trường pháp lý, trang bị nguồn nhân lực, công nghệ, thay đổi quản lý, quản trị là vấn đề đang đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam và đất nước Việt Nam. 

Ở lĩnh vực dệt may, da giày được đánh giá là có triển vọng khi tham gia vào TPP do có khả năng phát triển, nhiều lao động nhưng điểm khó là quy định nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu phải tự sản xuất hoặc ở những nước Việt Nam có cam kết. Song nguyên liệu chủ yếu của lĩnh vực này lại đến từ Trung Quốc mà Trung Quốc không tham gia TPP.

Vậy theo ông giải pháp là gì?

Về lâu dài phải có kế hoạch, chủ trương phát triển trong nước nhưng trong khi chưa phát triển được phải liên hệ ký kết và đàm phán với các nước trong khối tham gia ký kết. 

Lĩnh vực giày da, may mặc quần áo phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa việc chuẩn bị yêu cầu hàng hóa chất lượng, mô hình mẫu mã để gia nhập và đảm bảo những cam kết như tự lực nguyên liệu hoặc chuyển hướng nhập khẩu nguyên liệu từ những nước trong cùng khối.

Có người liên tưởng TPP như khi Việt Nam gia nhập WTO, sự chuẩn bị chưa nhiều vì thế những cái tưởng chừng như cơ hội Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết, thưa ông?

Thông qua đánh giá tổng kết khi Việt Nam gia nhập WTO những vấn đề còn khiếm khuyết những vấn đề phải trả giá cấp quốc gia, cấp ngành hàng, cấp doanh nghiệp phải có những tổng kết đánh giá để rút kinh nghiệm chỉ ra hoặc phát hiện những vấn đề chưa sửa được để sửa, thế mạnh tiềm năng gì chúng ta chưa phát huy hết. 

Đây được ví như thế cờ thay đổi nhưng đi những bước nào để có lợi nhất thì cấp vĩ mô, vi mô, nhà nước, doanh nghiệp phải có sự đánh giá xem xét và việc làm cụ thể.  

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Biz Live