Tin tức

Nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường UAE

29/09/2014    12

Là thị trường mở, tiêu dùng nội địa phụ thuộc vào nhập khẩu, đồng thời là thị trường tái xuất lớn thứ 3 thế giới Tiểu vương quốc các nước Ả Rập thống nhất (UAE) đang được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), UAE hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Tây Á. Năm 2013, Việt Nam xuất siêu sang UAE 3,8 tỉ USD với kim ngạch xuất khẩu vượt 4 tỉ USD, đưa UAE trở thành  thị trường xuất khẩu thứ 7 của Việt Nam trên thế giới (sau Hoa Kì, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia và Đức). 8 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang UAE đạt 3,2 tỉ USD và nhập khẩu từ UAE  310 triệu USD.

UAE là thị trường mở, tiêu dùng nội địa chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu, thuế nhập khẩu thấp (từ 0% đến 5%) đối với hầu hết các loại hàng hóa. Đây cũng là thị trường có sức mua lớn với GDP bình quân đầu người trên 60.000 USD/năm.

Không chỉ vậy, UAE có số lượng người nhập cư và số lượng khách du lịch lớn nên có nhu cầu sản phẩm đa dạng về chủng loại, chất lượng. Ngoài ra, UAE còn là thị trường trung chuyển (thị trường tái xuất lớn thứ 3 thế giới sau Hồng Kông, Singapore) nên có nhu cầu nhập khẩu để tái xuất sang các nước tại khu vực Bắc Phi, Trung Đông, Trung Á.

Theo đánh giá của ông Lê Thái Hòa, Phó Vụ Thị trường châu Phi- Tây Á, Nam Á, phần lớn hàng xuất khẩu sang UAE trên 60 nhóm mặt hàng. Trong đó, có 15 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 triệu USD trong năm 2013. Một số hàng hóa của Việt Nam như điện thoại, thủy sản, dệt may, giày dép, nông sản thực phẩm, thực phẩm gia dụng đã tạo dựng tại chỗ đứng tại thị trường UAE với sức cạnh tranh ngày càng được nâng cao so với hàng Trung Quốc, Malaysia…

Theo ông Lê Thái Hòa, việc thâm nhập vào thị trường UAE có rất nhiều thuận lợi do UAE khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đến mở văn phòng đại diện và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có thể trực tiếp trao đổi hàng hóa thông qua việc thường xuyên mở các hoạt động giao thương. Khả năng thanh toán của các doanh nghiệp UAE rất cao vì thường thanh toán bằng hình thức trả tiền đổi chứng từ.

Tuy nhiên, khi giao dịch với các doanh nghiệp UAE các doanh nghiệp cũng cần lưu ý tránh những điều cấm kị của người đạo Hồi để tránh gây phản cảm cho đối tác như: sử dụng đồ uống có cồn, thịt heo, hỏi về gia đình, nam giới không bắt tay hay tiếp xúc với phụ nữ… Ngoài ra, lương thực thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm xuất khẩu vào thị trường này phải có giấy chứng nhận Halal. Đặc biệt gần đây, UAE yêu cầu các sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào thị trường này phải có giấy cứng nhận không nuôi bằng thức ăn có nguồn gốc protein từ động vật.

“Người tiêu dùng UAE ngày càng chú trọng tới chất lượng, dịch vụ sau bán hàng, dịch vụ bảo dưỡng, giá cả cạnh tranh. Các thương nhân UAE coi trọng quan hệ cá nhân và thích trao đổi trực tiếp. Ngoài ra, các DN nên sử dụng ngôn ngữ Ả Rập khi đóng gói bao bì sản phẩm và tránh in những hình ảnh nhạy cảm trên bao bì”… ông Lê Thái Hòa khuyến cáo./.

Nguồn: Báo Hải quan