AEC - Cơ hội không dễ tận dụng
28/08/2014 13“Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) không chỉ mở ra nhiều cơ hội mà còn là thách thức khá lớn cho ngành da giày Việt Nam”. Đó là nhận định của bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da- Giày- Túi xách Việt Nam (Lefaso) khi trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
Theo lộ trình, đến cuối năm 2015, thuế xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào AEC sẽ về 0%. Theo bà, đây có phải cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) da giày Việt Nam?
Đây là cơ hội rất lớn, bởi so với các thị trường trong khối, ngành da giày Việt Nam rất có lợi thế cạnh tranh về giá, năng lực sản xuất, tay nghề lao động… Vì vậy, khả năng mở rộng thị trường ASEAN của da giày Việt Nam là khá tốt. Thực tế, trong các thị trường xuất khẩu của giày, dép Việt Nam thì thị trường ASEAN cũng chiếm một con số đáng kể. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này khoảng 1,807 tỷ USD.
Việt Nam còn có cơ hội phối hợp với các nước trong khối AEC phát triển nguồn nguyên phụ liệu. Giúp giảm lượng nhập khẩu nguyên phụ liệu từ bên ngoài, tiết kiệm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Thêm nữa, các nước làm giày, dép thuộc AEC hầu hết đều làm hàng xuất khẩu, sẽ giúp tạo thành một khối nguồn cung ổn định và giữ vững thị phần tại các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản.
Đâu là những khó khăn DN trong nước phải đối mặt khi hội nhập AEC?
Khó khăn đầu tiên sẽ là cạnh tranh lẫn nhau. Vì ngành công nghiệp da giày của các nước trong khối có sự tương đồng khi cùng chung một mặt bằng, người tiêu dùng sẽ có sự lựa chọn đối với những sản phẩm nào giá rẻ, chất lượng tốt. Hiện nay một số nước như Malaysia, Thái Lan đã có động thái đưa sản phẩm vào Việt Nam và sự cạnh tranh đã rất rõ ràng.
DN trong nước cũng rất thiếu thông tin về AEC nên chưa có sự chuẩn bị kỹ. Đã có những DN hiểu được tác động của AEC nhưng trình độ và khả năng đáp ứng có hạn. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Lefaso sẽ sớm xây dựng kế hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may, da giày bao gồm: Địa điểm đầu tư, đất đai, quy mô dự án, loại nguyên liệu ưu tiên, chính sách phát triển… |
Thông thường khi thuế suất về 0%, các nước sẽ dựng hàng rào kỹ thuật, bà nhận định thế nào về vấn đề này?
Hiện nay, phần lớn các nước trong AEC đã xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng sản phẩm. Đây là giải pháp rất phổ biến nhằm bảo vệ thị trường trong nước và người tiêu dùng khi hàng rào thuế quan được tháo bỏ.
Về khả năng đáp ứng đơn hàng, với DN lớn làm hàng xuất khẩu hay DN FDI, việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật hoàn toàn trong khả năng vì họ đã kiểm soát chặt chẽ đầu vào khâu nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng của các DN nội địa lại rất kém. Nguyên nhân là họ chỉ sản xuất hàng tiêu thụ nội địa, không theo quy chuẩn, tiêu chuẩn nào nên rất khó vượt được rào cản kỹ thuật của các nước.
Ngoài AEC, sắp tới Việt Nam sẽ tham gia một loạt các hiệp định thương mại khác nên việc đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn là bắt buộc. Nếu DN không đổi mới, nâng cao năng lực của mình khả năng bị loại khỏi sân chơi là rất lớn.
Vậy Lefaso có khuyến cáo gì với các DN để có thể khai thác tốt AEC?
Đầu tiên, Lefaso sẽ thường xuyên cập nhật thông tin về AEC tới các DN nhằm giúp cộng đồng DN trong nước nhận thức và có sự chuẩn bị trước những cơ hội, thách thức khi hội nhập hoàn toàn.
Tuy nhiên, bản thân DN cũng phải tự cải thiện về chất lượng sản phẩm, quảng bá hình ảnh trên thị trường nội địa, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Các DN cũng nên nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, tập trung vào những sản phẩm thị trường khác không có để tạo lợi thế cạnh tranh.
Xin cảm ơn bà!
Nguồn: Báo Công Thương
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam