Tin tức

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Việt Nam cần hội nhập thực chất

19/08/2014    15

Việt Nam cần có các biện pháp tái cấu trúc mạnh mẽ để tiến trình hội nhập kinh tế thực chất và tích cực hơn.

Hội nhập kinh tế của Việt Nam trong những năm qua được thể hiện gần như đồng thời trên tất cả các phương diện từ đa phương đến khu vực và song phương. Về đa phương, Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2007 sau hơn 11 năm đàm phán.

Về khu vực, Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN và sau đó là Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước. Cùng với ASEAN, Việt Nam đã tham gia vào các thỏa thuận thương mại tự do giữa ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand.

Về song phương, Việt Nam đã ký hàng lọat hiệp định quan trọng như Hiệp định thương mại với Mỹ, Hiệp định đối tác kinh tế với Nhật Bản và đang tích cực tham gia đàm phán 6 Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Liên minh thuế quan... Những mốc son về hội nhập kinh tế quốc tế này đã tạo ra sức lan tỏa giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên những diễn đàn khu vực và quốc tế.

Thực tế, việc hội nhập kinh tế đa tầng nấc đã thể hiện sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc nắm bắt các cơ hội mới, song nó cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ. Việt Nam đang tiếp tục đàm phán thêm 6 Hiệp định thương mại tự do mới với các đối tác lớn. Việc cùng lúc mở cửa thị trường cho nhiều đối tác sẽ tạo ra sức ép to lớn về cạnh tranh cũng như yêu cầu cấp bách phải cải cách hệ thống pháp luật và thực thi các cam kết.

Đặc biệt, trong một số trường hợp như đối với Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là những hiệp định thương mại mang tính đa phương mới, có mức độ tự do hóa cao hơn. Khi tham gia những hiệp định này, Việt Nam cần phải cam kết sâu hơn đối với những nội dung truyền thống như hàng hóa hay dịch vụ mà còn cả những nội dung phi truyền thống như lao động, môi trường, thương mại điện tử…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, để thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế đa tầng nấc, Việt Nam không nên hội nhập một cách hình thức, mà phải hội nhập thực chất để phục vụ mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, phân bổ lại nguồn lực theo hướng hiệu quả và minh bạch hơn.

“Cần có sự thay đổi về định hướng chính sách phát triển. Để phục vụ mục tiêu phát triển, các cấp độ hội nhập kinh tế quốc tế đều cho phép dành đối xử đặc biệt và khác biệt cho những nước đang phát triển như Việt Nam. Chúng ta có thể tận dụng nhưng không nên lạm dụng sự đối xử đặc biệt và khác biệt đó. Việc có được 1 thời gian chuyển đổi dài để duy trì một biện pháp hỗ trợ thiếu hiệu quả nào đó sẽ không tốt bằng việc chủ động tái cơ cấu và thúc đẩy tính cạnh tranh. Môi trường cạnh tranh đến lượt nó sẽ thúc đẩy việc nâng cao năng suất trình độ công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, những thành tố hết sức quan trọng đối với phát triển bền vững trong dài hạn”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chỉ rõ.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển thì cho rằng, Việt Nam cần phải tiếp tục gắn hội nhập kinh tế quốc tế với cải cách trong nước. Hai tiến trình này có mối quan hệ biện chứng nhau bởi chủ động cải cách là để tạo tiền đề cho hội nhập và ngược lại, lấy hội nhập với bên ngoài để thúc đẩy cải cách trong nước.

“Lấy cải cách, lấy hội nhập kinh tế làm trọng tâm, đồng thời đẩy mạnh hội nhập trên những lĩnh vực khác. Ở trong nước thì lấy cải cách kinh tế làm trọng tâm, đồng thời mở rộng diện cải cách sang các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Trước hết là phải cải cách hệ thống chính trị bởi cải cách hệ thống chính trị sẽ mở đường cho cải cách kinh tế và phải làm sao cải cách chính trị đồng bộ với cải cách kinh tế để tác động ngược trở lại tích cực hơn đối với cải cách kinh tế”, ông Tuyển cho biết.

Đồng tình với quan điểm này của ông Trương Đình Tuyển và từ góc độ một chuyên gia quốc tế về thương mại toàn cầu, nguyên Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới Pascal Lami cũng cho rằng, để hội nhập thực chất hơn trong giai đoạn mới, Việt Nam cần phải  tiếp tục nâng cao vị thế kinh tế - xã hội của mình.

“Trong tương lai, ảnh hưởng của một nước phụ thuộc lớn vào vị thế kinh tế của nước đó. Việt Nam có khoảng 90 triệu dân, đứng thứ 13 thế giới và đến năm 2050 có thể đứng thứ 11 thế giới. Điều này nói lên rất nhiều về khả năng ảnh hưởng của các bạn đối với thế giới và nó đúng hơn cả ở lĩnh vực thương mại. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng lợi ích từ việc mở cửa thương mại chỉ đến khi các chính sách nội bộ và trên một vài khía cạnh nào đó là cả những chính sách liên quan đến quốc tế phải đóng góp vào tăng trưởng”, ông Pascal Lami nêu rõ.

Bên cạnh những cải cách vĩ mô, ở góc độ vi mô, trong tiến trình hội nhập kinh tế giai đoạn tiếp theo, vai trò của các doanh nghiệp cũng cần phải được nâng cao. Bà Nguyễn Thu Trang phụ trách về hội nhập WTO của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, năm 2012, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định 06 quy định quy chế tham vấn.

Theo đó, các cơ quan đàm phán những hiệp định thương mại quốc tế bắt buộc phải lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trực tiếp hoặc thông qua phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thu Trang, đến nay ý kiến đóng góp và khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp cho tiến trình đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế còn rất ít.

Đại diện phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình từ đàm phán đến thực thi các thỏa thuận kinh tế song phương và đa phương có thể hữu ích cho các cơ quan chính phủ, đặc biệt là trong các quá trình đàm phán những hiệp định quan trọng sắp tới./.

Nguồn: VOV