Vòng đàm phán thứ 7 FTA Việt Nam-EU
19/05/2014 931Cao ủy Thương mại EU, ông De Gutch đã tới Việt Nam để cùng các nhà lãnh đạo mở đầu phiên đàm này. Cao ủy mong muốn: “Các cuộc họp mang tính xây dựng với các đối tác của EU ở khu vực Đông Nam Á”.
“Kinh nghiệm cho thấy việc mở cửa thương mại sẽ giúp những quốc gia nâng cao mức sống của người dân. Việc mở cửa cũng mang lại cơ hội cho các nhà xuất khẩu từ EU, do đó cả hai bên sẽ cùng dành thắng lợi"- ông De Gutch nói.
Hai bên hy vọng có thể hoàn thành việc đàm phán sớm để các doanh nghiệp EU và Việt Nam có thể hiện thực hóa những lợi ích từ hiệp định thương mại được đánh giá là tham vọng này.
Phía EU tin tưởng việc thực hiện hiệp định sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư cũng nhưng tạo thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp từ cả hai phía.
Trong dịp này, Cao ủy EU De Gutch sẽ có buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Huy Hoàng để đánh giá tình hình và tiến độ các phiên đàm phán FTA.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Franz Jessen- Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam- cho rằng: “Nếu FTA Việt Nam- EU được ký vào cuối năm 2014, sẽ có những đóng góp tích cực đối với đầu tư, thương mại và công nghiệp của Việt Nam”.
Đại sứ Franz Jessen dự kiến, đầu tư từ EU sang Việt Nam sẽ sự tăng trưởng mạnh, đặc biệt là trong những lĩnh vực chế tạo, máy móc. Ngoài ra, khi EU đầu tư vào Việt Nam, sẽ có những thành phẩm được sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu ngược lại EU, góp phần hơn nữa vào tăng trưởng thương mại Việt Nam và EU.
Liên quan đến thương mại song phương Việt Nam- EU, Đại sứ Franz Jessen nhận định: “Trong những năm gần đây chúng ta có sự tăng trưởng tốt, tăng khoảng 20-22% một năm. Tuy nhiên, thời gian tới, chúng ta vẫn cần thêm những nỗ lực để tiếp tục xu hướng phát triển thương mại giữa hai bên”.
“Năm 2014, nền kinh tế của phía EU sẽ có sự phục hồi rõ ràng hơn, do đó cầu phía EU sẽ tăng lên. Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam cũng sẽ tăng lên và đó là cơ hội để Việt Nam có thể tăng trưởng xuất khẩu sang EU”- Đại sứ Franz Jessen nói với phóng viên Báo Công Thương.
EU và Việt Nam, một trong 10 nước ASEAN tuyên bố khởi động đàm phán FTA song phương tại Brussels tháng 6/2012. Việt Nam là nước thứ 3 trong ASEAN tiến hành đàm phán FTA với EU sau Singapore và Malaysia, và sau đó là Thailand.
FTA sẽ bao hàm thương mại hàng hóa và dịch vụ, đầu tư, mua sắm công của chính phủ, quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm chỉ dẫn địa lý và các vấn đề chính sách khác như các hàng rào phi thuế quan, thú y và thảo y và các vấn đề về vệ sinh, rào cản kỹ thuật trong thương mại, hải quan và thuận lợi hóa thương mại và thương mại và phát triển bền vững.
EU và Việt Nam đã có quan hệ thương mại mạnh mẽ. Trong năm 2013, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của EU trong ASEAN (và thứ 32 toàn cầu). EU là một trong những nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam với tổng số cam kết là 1,37 tỉ euro.
Trong khi theo đuổi một cách tiếp cận song phương, EU vẫn quan tâm mục tiêu tối cao là đạt được một thỏa thuận với cả khối ASEAN, một trong những khu vực năng động nhất trên thế giới. Do vậy EU mong có được một hiệp định tham vọng với Việt Nam mà gắn kết với các FTA với các nước thành viên ASEAN.
Xuất khẩu của EU chủ yếu là hàng công nghệ cao-máy móc và thiết bị cơ điện, máy bay, ô tô, dược phẩm và sắt thép. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam vào EU bao gồm máy điện thoại, sản phẩm điện tử, giầy dép, hàng dệt may, cà phê, gạo, hải sản và đồ nội thất.
Trong nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ thương mại giữa EU và các thành viên ASEAN, ông De Gutch- Cao ủy Thương mại EU- cũng sẽ đến thăm và tham gia các cuộc họp cấp cao với các cơ quan hữu quan của Campuchia và Myanma.
Nguồn: Báo Công Thương
- Kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu
- Phiên đàm phán thứ 13 Hiệp định EVFTA: Đạt được nhiều thỏa thuận tích cực
- Phiên đàm phán thứ mười hai Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU
- Việt Nam và EU kết thúc vòng đàm thứ 11 về FTA
- Tuyên bố chung Việt Nam-EU về định hướng kết thúc đàm phán FTA