Tin tức

TPP- Động lực cải cách thể chế kinh tế

06/05/2014    10

Khi tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam sẽ phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo hướng cải cách mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp FDI.

Trong tiến trình hội nhập kinh tế sâu và rộng, lợi ích từ các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) mang lại là không thể phủ nhận và Việt Nam đã tích cực chủ động tham gia đàm phán, ký kết 8 FTA song phương, gia nhập WTO và hiện đang đàm phán các FTA thế hệ mới, chuẩn mực cao hơn.

Theo ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, TPP sẽ có phạm vi rộng hơn, yêu cầu thực thi cao hơn và khả năng tác động thể chế kinh tế thị trường rộng lớn hơn. Các nội dung không có trong WTO hoặc Việt Nam chưa cam kết trong WTO đã được đưa vào TPP như đầu tư công, mua sắm Chính phủ, chính sách cạnh tranh và doanh nghiệp nhà nước,…

Bên cạnh đó, khi tham gia TPP, Việt Nam cần phải điều chỉnh cả những nội dung không trực tiếp mang tính thương mại nhưng có liên quan đến thương mại như quyền của người lao động, các tổ chức xã hội dân sự, môi trường, lao động, công đoàn…

Ông Trương Đình Tuyển cũng cho rằng, khi tham gia các FTA, đặc biệt là TPP sẽ tạo động lực cải cách thể chế, là cơ hội để Việt Nam hình thành đồng bộ thể chế kinh tế thị trường. Qua đó, bảo đảm việc phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển:

TPP sẽ tạo "sức ép" pháp lý để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế thị trường có sức cạnh tranh, đồng thời cũng tạo điều kiện để chúng ta xây dựng một đội ngũ doanh nghiệp mạnh.

Theo ông Tuyển, thể chế là yếu tố quyết định nhất đến sự phát triển nhanh và bền vững chứ không phải là các lợi thế tự nhiên (tài nguyên, vị trí địa lý…). Thể chế tạo ra lợi thế so sánh động và đây chính là lợi ích dài hạn khi tham gia TPP. Tăng trưởng xuất khẩu, thu hút mạnh đầu tư là kết quả cụ thể của quá trình hoàn thiện thể chế theo yêu cầu khi tham gia các FTA, trong đó có TPP.

Khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo hướng cải cách mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả với doanh nghiệp FDI. Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường, loại bỏ mọi hình thức trợ cấp trái với quy định của WTO.

Ở khía cạnh khác, TS. Võ Trí Thành- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - cho biết, với các cam kết sâu rộng hơn WTO, TPP sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phân bổ lại nguồn lực theo hướng hiệu quả hơn, định vị lại vai trò của 3 trụ cột trong thể chế kinh tế thị trường hiện đại là thị trường, nhà nước và xã hội. Nhà nước sử dụng các công cụ điều tiết thị trường và thực hiện chức năng kiến tạo phát triển các chiến lược tăng trưởng, từ đó hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Nếu tận dụng triệt để lợi cơ hội từ TPP, Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi lớn từ làn sóng đầu tư mới, tạo ra nhiều việc làm, hình thành năng lực sản xuất mới để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“TPP hướng tới môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch hóa quy trình xây dựng chính sách và khuyến khích sự tham gia của công chúng vào quá trình này nên sẽ có tác dụng rất tốt để hoàn thiện thể chế kinh tế, cũng như tăng cường cải cách hành chính”, TS. Võ Trí Thành chia sẻ.

Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn