Từ tự do hóa đến thuận lợi hóa
25/04/2014 28“Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế, phát huy quyền làm chủ của nhân dân”. Trao đổi với DĐDN, LS Trần Hữu Quỳnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế VN nhận xét, thông điệp đầu năm của Thủ thướng chính phủ đã để lại một ấn tượng mạnh với doanh nhân.
Theo LS Huỳnh, thời gian qua Chính phủ đã đưa ra nhiều chủ trương cải cách hành chính, sửa đổi hệ thống pháp luật về kinh doanh song song với việc tái cơ cấu nền kinh tế ổn địch kinh tế vĩ mô… Giới doanh nhân đánh giá cao, đồng thời hy vọng về việc triển khai những chủ trương trên một cách đồng bộ, kiên quyết sẽ giúp nền kinh tế có những khởi sắc.
-Ông đánh giá thế nào về những cam kết cải cách và thực hiện cam kết của Chính phủ trong thời gian vừa qua?
Nói đến vấn đề cơ chế chính sạch tạo điều kiện cho phát triển sản xuất kinh doanh thời gian vừa qua, một thay đổi quan trọng về mặt chiến lược là nhà nước đã dỡ bỏ nhiều rào cản để giải phóng nguồn lực trong xã hội để người dân và DN được tự do phát triển kinh doanh Chính phủ đã nỗ lực liên tục đổi mới các qui định giúp DN ra nhập thị trường. Các chính sách cũng hướng tới tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Nhà nước đã tích cực đàm phán các hiệp định quốc tế, giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường,Chính phủ cũng thường xuyên ra soát pháp luật về kinh doanh …
Tuy nhiên, các cải cách của Chính Phủ để phát triển sản xuất kinh doanh thời gian qua vẫn ở mức tự do hóa và cũng chưa phải triệt để. Nhiều điều kiện kinh doanh dưới các hình thức giấy phép, chứng chỉ, chấp nhận, qui hoạch, kế hoạch với các căn cứ còn chung chung, trừu tượng vẫn đang là sức cản giải phóng nguồn lực này.Cải cách cần nâng lên một tầm mới là thuận lợi hóa đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thuận lợi hóa đối với hoạt động sản xuất kinh doanh tức là từ chính sách đến thực thi cần phải tạo điều kiện tốt nhất với chi phí thấp nhất, thời gian ngắn nhất nguồn lực được phát huy cao nhất để cuối cùng là hàng hóa, dịch vụ có khả năng cạnh tranh cao nhất trên thị trường trong nước và quốc tế. Để giải quyết vấn đề này chúng ta cần có sự quyết tâm của chính quyền ở mọi cấp, sự nỗ lực đồng thuận của DN.
-Vấn đề tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường luôn được nhắc đến trong những năm gần đây. Tuy nhiên, khu vực DNNVV, DN dân doanh vẫn luôn gặp trở ngại trong quyền được bình đẳng. Việc cải cách thể chế phải thực hiện ra sao để những chủ trương trên không còn là những “khẩu hiệu”, thưa ông?
Hiến pháp 2013 có quy định đảm bảo các quyền bình đẳng trong kinh doanh của các thành phần kinh tế. Thông điệp của Thủ tướng chính phủ đã ghi rõ, “Nhà nước phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường; kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền DN cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh. Thực tế từng bước một chúng ta đã kiểm soát các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Chính phủ đã có một số chính sách hỗ trợ DNVVN bên cạnh việc cải cách DNNN đang được triển khai theo một lộ trình cụ thể, chi tiết hơn trước đây.
Tuy vậy, vấn đề hỗ trợ DNVVN vẫn còn kém hiệu quả và chưa thiết thực. Chúng ta cần phải có một cơ quan chuyên trách về hỗ trợ DNVVN có trách nhiện cao thuộc Chính phủ. Một số quốc gia thậm chí còn có cả một bộ về DNVVN. Trong bối cảnh kinh tế nước ta hiện nay, việc có một cơ quan chính phủ được đảm bảo đầy đủ quyền năng và nguồn lực để hỗ trợ DNVVN là rất cần thiết.
Chính sách đã có quy định các chính sách hỗ trợ DNVVN như tín dụng, công nghệ, đất đai, nguồn nhân lực… nhưng về một số bộ, ngành, địa phương thì các chính sách này không còn thực thi được. Thực tế chính quyền địa phương đang có những cơ chế ưu tiên, ưu đãi hơn cho khu vực DNNN và DN FDI. Như đã nói, cơ quan đặc trách về DNVVN trong chính phủ , đồng thời phải thể hiện tiếng nói của DNVVN trong Chính phủ, đồng thời có trách nhiệm giúp đỡ các tổ chức hiệp hội DNVVN hoạt động có hiệu quả.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ, ưu tiên DNVVN cũng cần rõ rang, cụ thể cà thực tế hơn. Ví dụ, một số quốc gia có quy định cụ thể việc đấu thầu, mua sắm công phải để DNVVN tham gia tối thiểu 30%. Hiện nay, DNVVN đang cạnh tranh không bình đẳng với các DNNN và DN FDI. Chính phủ cần rà soát toàn bộ các văn bản quy phạm phát luật về hỗ trợ DNVVN xem nó đã tốt chưa, những văn bản nào vẫn còn đang “nằm trên giấy” vướng mắc thực hiện ở khâu nào, ai phải chịu trách nhiệm tháo gỡ.
Nhà nước cũng cần phải định vị lại vai trò của DNNN. Khu vực này chỉ nên làm những việc mà các khu vực khác không muốn làm hoặc không làm được. Nếu phải duy trì thì DNNN cần phải tiên phong trong năng xuất, chất lượng, hiệu quả, phải liên kết được với các DN trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực mới. Nhìn chung, Nhà nước không nhất thiết phải kiếm lợi nhuận mà cần tập trung và kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh doanh. Thông điệp của Thủ tướng cũng đã khẳng định, Nhà nước không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọt người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội.
-Nghĩa là thông điệp của Thủ tướng đã nói tới vai trò kiến tạo của nhà nước. Cần phải hiểu thế nào về vai trò kiến tạo này, thưa ông?
Vai trò kiến tạo của nhà nước có thể được hiểu ở việc khơi được sức dân và DN để họ xây dựng lại hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Hạ tầng cứng là tạo điều kiện tốt nhất để phát triển điện, đường, sân bay, bến cảng, thông tin, công nghệ… Còn hạ tầng mềm là có được nền quản trị hành chính nhà nước tiên tiến và hiện đại, nền giáo dục đáp ứng được các yêu cầu của phát triển. DN được hoạt động trong môi trường thuận lợi, nền văn hóa phong phú các quyền của con người, quyền công dân được bảo vệ và phát huy có hiệu quả.
Thực tế thời gian qua, Chính phủ đã tập trung quá nhiều thời gian để giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh doanh của DNNN nhưng cuối cùng kết quả vẫn không đạt. Nếu trả lại việc kinh doanh cho người dân, Chính phủ chỉ tập trung vào kiến tạo phát triển thì mọi việc sẽ tốt hơn. Vai trò và hiệu quả quản lý nhà nước được thể hiện rõ ràng và mạnh mẽ hơn.
- “Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật” là nội dung đầu tiên mà Thủ tướng gửi đến người dân và DN trong thông điệp này. Ông có nhận xét gì khi mà việc giải quyết tranh chấp giữa người dân , DN với cơ quan chính quyền địa phương vẫn có sự thiên lệch, việc thực thi pháp luật như thi hành các bản án dân sự, kinh tế còn ở mức thấp?
Trước tiên nói Nhà nước pháp quyền là người dân và DN được làm những gì mà pháp luật không cấm. Nếu cấm thì phải hợp lý và phải được ghi nhận ở văn bản pháp lý cao như luật. Khía cạnh thứ hai là cán bộ công chức và cơ quan nhà nước.
Quyền đóng góp xây dựng chính sách pháp luật và cả quyền khiếu nại, khiếu kiện của người dân, DN phải được đảm bảo. Từ cơ quan nhà nước đến cán bộ công chức phải có trách nhiệm giải trình một cách công khai, minh bạch, kịp thời. Thông điệp của Thủ tướng đã ghi, sự phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp phải trên cơ sở bảo đảm tính độc lập theo chức năng được phân công và yêu cầu kiểm soát nhau bổ trợ cho nhau theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, phần lớn các vụ khiếu kiện của người dân và DN đối với các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương đều bị thua. Cực chẳng đã, người dân, DN mới phải đi kiện “quan”. Nhưng dường như một kết quả thua kiện đã được báo trước ngay từ ngay từ khi khởi kiện khiến niềm tin của họ bị giảm sút. Điều này cho thấy, tính độc lập của cơ quan tòa án trước các vụ kiện hành chính đang là một câu hỏi lớn.
Đã vậy, tính thượng tôn pháp luật còn đang bị xem nhẹ đến mức báo động khi những quyết định và bản án có hiệu lực pháp luật hầu như không được giải quyết. Báo cáo mới đây của bộ tư pháp chỉ ra , thì tỷ lệ thi hành án thành công tại TP HCM chỉ ra là 28%, Bắc Ninh 33% Hà Nội 36% …
Cải cách hành chính đã quan trọng cải cách tư pháp còn quan trọng hơn. Đây là nơi cuối cùng công lý được thực thi. Giải quyết tốt nhiệm vụ này sẽ đưa lại niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Khi họ đã có niềm tin, họ sẽ tích cực đóng góp bảo vệ, xây dựng đất nước, đầu tư để phát triển.
-Tính tương tác giữa nhà nước với người dân và DN trong quản lý hành chính, xây dựng chính sách là một nội dung cơ bản của quyền làm chủ. Theo ông, Chính phủ cần phải làm gì đẩ đẩy mạnh tính tương tác giữa hai bên?
Thông điệp của Thủ tướng đã nói rõ phải tăng cường tương tác giữa các cơ quan bộ máy trong nhà nước và giữa bộ máy nhà nước với các tổ chức chính trị-xã hội. Mở rộng đối thoại với người dân và DN bằng nhiều hình thức để Nhà nước, cán bộ công chức gần dân hơn và chủ trương, chính sách, pháp luật sát với thực tiễn hơn.
Thực tế, tính tương tác trong xây dựng chính sách đã có cải thiện quan trọng với những quy định chi tiết về việc tham gia của người dân và DN được tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, giám sát quá trình triển khai, cũng như đưa ra những đánh giá bộ máy một cách khách quan.
Quản trị nhà nước mang tính tiên tiến và hiện đại thì tương tác đóng vai trò rất lớn. Đã có những khẩu hiệu như ngành thuế đồng hành cũng DN, hải quan đồng hành cùng DN… tuy nhiên vẫn chưa thực sự đi vào bản chất . Xu hướng chung đang tiến tới là phải đối thoại thẳng thắn và giám sát lẫn nhau. Mục tiêu là cải thiện được môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Được biết, Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 “về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng các năng lực cạnh tranh quốc gia”. Theo đó, Chính phủ đã đưa ra nhiều cam kết về cải cách rất cụ thể. Điều này đã khẳng định quyết tâm cải cách toàn diện của Chính phủ để nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia. Đây cũng là cam kết của Chính phủ tạo thuận lợi hơn nữa cho DN phát triển.
-Xin cảm ơn ông
Bá Tú thực hiện
Mục tiêu, nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tại nghị quyết số 19/NP-CP ngày 18/4/2014: Phấn đấu hết năm 2015 đạt mức trung bình của nhóm các nước ASEAN-6, trong đó một số tiêu chí cụ thể là:
-Đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập DN còn tối đa là 6 ngày;từ cải thiện các khâu liên quan khác nhằm rút ngắn thời gian từ đăng ký đến bắt đầu kinh doanh của DN;
-Cải cách quy trình, hồ sơ và thủ tục nộp thuế đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 171 giờ/năm)
- Rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng đối với các DN, dự án đầu tư xuống còn tối đa là 70 ngày (mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 50.3 ngày);
-Hoàn thiện quy định về quyền sở hữu và bảo vệ nhà đầu tư vào Luật đầu tư và Luật DN theo hướng tăng cường bảo vệ quyền sở hữu, nhà đầu tư, cổ đông thiểu số theo chuẩn mực quốc tế;
- Tạo thuận lợi, bảo đảm quyền bình đẳng, công khai, minh bạch trong tiếp cận tín dụng theo cơ chế thị trường, giữa các doanh nghiệp tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế;
- Đơn giản hóa quy trình, hồ sơ và thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan và giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cho DN, phấn đấu thời gian xuất khẩu và thời gian nhập khẩu bằng mức trung bình của các nước nhóm nước ASEAN-6 là 14 ngày và thời gian nhập khẩu là 13 ngày);
- Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục phá sản DN xuống còn tối đa 30 tháng;
- Công khai hóa, minh bạch hóa tình hình hoạt động, tài chính DN theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.
- Khảo sát nhanh (2'): Yêu cầu thẩm định chuỗi cung ứng của một số thị trường EU đối với hàng xuất khẩu Việt Nam
- Tổng thống Trump: Hoa Kỳ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam
- Mỹ sắp “kích hoạt” lại thuế quan: Ai sẽ kịp xoay chuyển?
- Mỹ thu hẹp trọng tâm thương mại để đảm bảo các thỏa thuận trước thời hạn áp thuế
- Kim ngạch thương mại Việt Nam- EU tăng 40% nhờ EVFTA