Báo cáo của Ban Hội thẩm vụ việc tranh chấp Trung Quốc kiện Hoa Kỳ tại WTO về việc Hoa Kỳ áp dụng biện pháp đối kháng và CBPG với một số sản phẩm từ Trung Quốc
14/04/2014 105Ngày 27 tháng 3 năm 2014, báo cáo của Ban Hội thẩm trong vụ việc Trung Quốc kiện Hoa Kỳ tại WTO về việc Hoa Kỳ áp dụng biện pháp đối kháng và chống bán phá giá với một số sản phẩm từ Trung Quốc (DS449) đã được gửi đến các Thành viên.
Trước đó, ngày 17 tháng 12 năm 2012, tại phiên họp định kỳ hàng tháng, Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO (DSB) đã đồng ý thành lập Ban Hội thẩm cho vụ việc nêu trên.
Đây là vụ việc mà Việt Nam tham gia với tư cách bên thứ ba cùng với một số Thành viên khác như Úc, Canada, EU, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ấn Độ.
Ngày 17 tháng 9 năm 2012, Trung Quốc đã thông báo tới Ban Thư ký WTO về việc yêu cầu tham vấn với Hoa Kỳ, cụ thể là hai vấn đề đặc biệt đáng lưu ý như sau:
- Quy định mới của Hoa Kỳ (có hiệu lực từ ngày 13/3/2012) về việc cho phép áp dụng biện pháp đối kháng đối với các nước có nền kinh tế phi thị trường (NME);
- Vấn đề đánh trùng thuế (double counting) khi Hoa Kỳ tiến hành điều tra đồng thời 25 vụ việc chống bán phá giá và chống trợ cấp liên quan đến một số sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc.
Liên quan đến các cáo buộc của Trung Quốc, Ban Hội thẩm có kết luận như sau:
1. Về quy định mới của Hoa Kỳ về việc cho phép áp thuế đối kháng đối với nước NME.
Ban Hội thẩm đã bác bỏ khiếu kiện của Trung Quốc vì những lý do sau:
- Trung Quốc cáo buộc rằng quy định nêu trên đã có hiệu lực từ năm 2006(trên thực tế Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra chống trợ cấp đối với các nước NME, bao gồm Trung Quốc và Việt Nam), trong khi đó đến năm 2012 Hoa Kỳ mới chính thức công bố, do đó không phù hợp với điều X:1 GATT 1994 (quy định một nước sẽ nhanh chóng công bố các thay đổi về pháp luật có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu cho Chính phủ các nước khác và các bên có liên quan).
Ban Hội thẩm kết luận rằng quy định mới này bắt đầu có hiệu lực từ năm 2012, không phải năm 2006 như Trung Quốc đã cáo buộc và Hoa Kỳ đã ngay lập tức công bố quy định này sau khi nó có hiệu lực, do đó Hoa Kỳ không vi phạm điều X:1 của Hiệp định GATT 1994.
- Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ vi phạm điều X:2 GATT 1994, và cho rằng quy định nói trên là một biện pháp có phạm vi áp dụng chung mang tính chất làm tăng thuế suất và áp đặt yêu cầu mới hoặc cao hơn hoặc giới hạn đối với hàng nhập khẩu đã được thực thi trước khi được công bố chính thức vào năm 2012.
Phần lớn thành viên của Ban Hội thẩm (2/3) đều đồng ý rằng mặc dù quy định nói trên là một biện pháp áp dụng chung đã được “thực thi” trước khi được công bố chính thức, nhưng quy định này không nằm trong phạm vi điều chỉnh của điều X:2, do đó Hoa Kỳ không vi phạm điều X:2 GATT 1994.
- Cuối cùng, liên quan đến cáo buộc của Trung Quốc về việc Hoa Kỳ vi phạm Điều X:3(b) GATT 1994, Ban Hội thẩm quyết định rằng quy định của điều X:3(b) về việc các tòa án tiến hành rà soát và thay đổi các quyết định hành chính liên quan đến các vấn đề hải quan “sẽ độc lập với các cơ quan được giao nhiệm vụ thực thi hành chính và các quyết định của tòa án sẽ được các cơ quan hành chính đó thi hành và điều chỉnh hành vi các cơ quan hành chính đó, trừ khi có kháng án”, không ngăn cấm quy định pháp luật làm thay thế các quyết định của tòa án nội địa đang trong quá trình chờ ra quyết định khi quy định này có hiệu lực. Do đó, theo quan điểm của Ban Hội thẩm, Hoa Kỳ không vi phạm điều X:3(b) của Hiệp định GATT 1994.
2. Về vấn đề đánh trùng thuế.
Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ không trao cho Bộ Thương mại (USDOC) thẩm quyền theo luật định nhằm nhận định và ngăn ngừa đánh trùng thuế (double remedies) trong khuôn khổ 25 vụ việc điều tra kép chống trợ cấp và chống bán phá giá trong giai đoạn từ 2006 – 2012 đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ban Hội thẩm đã xác định rằng Hoa Kỳ đã không điều tra xem có việc “đánh trùng thuế” trong vụ việc điều tra hay không, và do đó Hoa Kỳ đã vi phạm Điều 19.3, 10 và 32.1 của Hiệp định về Trợ cấp và các biện pháp Đối kháng (SCM).
Hai vấn đề mà Trung Quốc khiếu kiện là hai vấn đề được Việt Nam quan tâm do Việt Nam hiện chưa được Hoa Kỳ công nhận là có nền kinh tế thị trường và cho đến nay đã bị Hoa Kỳ điều tra 4 vụ việc chống trợ cấp (kể từ năm 2009), trong đó có 3 vụ việc là điều tra kép chống bán phá giá và chống trợ cấp (2 trong số 3 vụ việc này Hoa Kỳ ra kết luận áp thuế).
Ngày 8/4/2013, Trung Quốc đã thông báo kháng cáo quyết định của Ban Hội thẩm.
Nguồn: Cục quản lý cạnh tranh
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam