Tin tức

Tận dụng GSP: DN dệt may, da giày kêu khó

21/03/2014    164

Quy tắc xuất xứ nguyên phụ liệu, nguy cơ bị áp thêm các rào cản thương mại phi thuế quan và “bẫy trưởng thành”… đang là nỗi lo lớn của các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày trong việc tận dụng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Sau gần 3 tháng, hàng dệt may, giày dép của Việt Nam chính thức được hưởng GSP khi nhập khẩu vào thị trường EU, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này 2 tháng đầu tiên của năm đã có sự tăng trưởng nhanh chóng: mặt hàng dệt may tăng 22,8% và mặt hàng giày dép tăng 26,94% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp lại không tự tin và cho rằng, rất khó để tận dụng những ưu đãi do GSP mang lại.

Ông Thân Đức Việt- Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10- cho hay: Để tận dụng GSP các doanh nghiệp phải đáp ứng được tiêu chuẩn xuất xứ nguyên liệu để xin được C/O form A (được hưởng ưu đãi). Theo đó, nguyên liệu của sản phẩm phải có một tỷ lệ nội địa hóa nhất định. Trong khi đó, nguyên liệu chính cho sản xuất là vải lại được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc (không nằm trong quy tắc xuất xứ công gộp) điều đó cũng có nghĩa doanh nghiệp không được hưởng GSP.

Chia sẻ về sự phức tạp của quy tắc xuất xứ, bà Phan Thị Thanh Xuân- Tổng thư ký Hiệp hội Da giày và túi sách Việt Nam- cho biết: Quy tắc xuất xứ của GSP khuyến khích việc nhập khẩu nguyên, phụ liệu từ các nước EU với giá thành cao hơn nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc… khiến chi phí của doanh nghiệp bị đẩy cao, giảm khả năng cạnh tranh và hiệu qủa sản xuất…

Cũng theo bà Xuân, GSP giúp các mặt hàng giày dép Việt Nam tăng xuất khẩu vào thị trường EU sẽ khiến các nhà sản xuất EU lo ngại mất thị trường và tạo áp lực buộc EU tăng các biện pháp bảo hộ và áp thêm những rào cản kỹ thuật phi thuế quan mới. Thêm nữa, mặc dù ngưỡng trưởng thành của mặt hàng giày, dép của Việt Nam đã được tăng mức trần lên 17,5% nhưng do thị phần của mặt hàng này được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới và rất dễ rơi vào ngưỡng trưởng thành.

Việc được hưởng ưu đãi thuế quan trên thị trường EU chắc chắc sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn cho các mặt hàng dệt may và giày dép của Việt Nam, đặc biệt khi đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam là Trung Quốc đang bị áp thuế MFN (hơn GSP trung bình 3,5%). Theo đó, thay vì đặt hàng ở Trung Quốc các nhà nhập khẩu sẽ chuyển đơn hàng sang Việt Nam để tận dụng ưu đãi. Thế nhưng, lợi thế cạnh tranh do GSP đem lại không mang tính bền vững vì việc đáp ứng được quy tắc xuất xứ của doanh nghiệp là rất khó khăn, thời hạn có hiệu lực của GSP không phải là mãi mãi.

Thêm nữa, do được hưởng ưu đãi GSP +, hàng hóa của Pakistan nhập khẩu vào EU sẽ không phải chịu tác động của cơ chế trưởng thành, không hạn chế về quy mô xuất khẩu. Điều này chắc chắn tạo áp lực cạnh tranh không nhỏ cho hàng dệt may, da giày của Việt Nam.

Để có thể tận dụng tối đa ưu thế do GSP mang lại, ông Trần Ngọc Quân- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu- khuyến cáo các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường cho dù đó là thị trường lớn. Lưu ý, vừa tăng trưởng xuất khẩu vừa đề phòng tránh rơi vào ngưỡng tự vệ hoặc vượt ngưỡng trưởng thành.

Các doanh nghiệp cũng thường xuyên tham vấn với các Hiệp hội ngành hàng, Bộ Công Thương nhằm nắm bắt tiến trình đàm phán FTA  để điều chỉnh chiến lược thị trường cho phù hợp. Phối hợp với Bộ Công Thương để vận động EU tiếp tục trao GSP cho Việt Nam để đảm bảo cơ chế tiếp cận thị trường ổn định và linh hoạt.

Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn