Tin tức

Chương trình thanh tra cá da trơn thực chất là bảo hộ thương mại

13/03/2014    11

CôngThương - Nghị sĩ McCain cho rằng, một trong những điều không hợp lý trong Luật Nông nghiệp là việc thành lập Văn phòng Cá da trơn trực thuộc USDA. USDA sẽ sử dụng khoản chi phí lên đến 15 triệu USD/năm để thuê các thanh tra viên chỉ để thanh tra riêng sản phẩm cá da trơn tại các cơ sở chế biến thủy sản.

Trước đây, Nghị sĩ McCain và nghị sĩ Shaheen (đảng Dân chủ, bang New Hampshire) và cùng 11 thượng nghị sĩ khác đã ủng hộ cho quy định loại bỏ chương trình thanh tra cá da trơn của USDA.

Năm 2012, quy định do họ đề xuất được Thượng viên thông qua dưới hình thức bỏ phiếu. Năm 2013, Ủy ban Nông nghiệp của Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua đề xuất sửa đổi được nghị sĩ của cả hai đảng đưa ra nhằm loại bỏ chương trình này khỏi Luật Nông nghiệp. Tuy nhiên, dù bị phản đối, Văn phòng thanh tra Cá da trơn đó vẫn được giữ lại.

Theo Nghị sĩ McCain, người dân Mỹ không cần một chương trình thanh tra cá da trơn mới của USDA. Nước Mỹ đã có Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) kiểm tra cá da trơn và các loài thủy sản khác.

Tuy vậy, một số nhà làm Luật Nông nghiệp vẫn kiên quyết thành lập ra Văn phòng Cá da trơn bởi các nhà sản xuất cá da trơn tại các bang miền Nam nước Mỹ không muốn phải cạnh tranh với các nhà nhập khẩu cá da trơn từ nước ngoài. Mục đích thực sự của điều này là bảo hộ thương mại bằng chính tiền thuế của người dân.

Trong khuôn khổ Luật Nông nghiệp, nhập khẩu cá da trơn có thể rõ ràng sẽ bị cấm trong vài năm tới để các thanh tra nước ngoài chuyển từ các thủ tục thanh tra của FDA sang đáp ứng các thủ tục của USDA.

Cơ quan Giải trình chính phủ (GAO) đã thanh tra Văn phòng Cá da trơn này và có đến 4 báo cáo kết luận rằng đây là một sự chồng chéo quản lý và lãng phí. GAO cảnh báo rằng Văn phòng Cá da trơn sẽ làm chia rẽ hệ thống an toàn thực phẩm nếu bỏ trách nhiệm thanh tra thủy sản của FDA.

Chính bản thân USDA và FDA cũng đặt câu hỏi về giá trị khoa học của chương trình thanh tra cá da trơn. Cách đây vài năm, USDA xem xét vấn đề này và kết luận chưa thể chắc chắn vào tính hiệu quả thực sự của chương trình thanh tra cá da trơn. Thậm chí ngân sách liên bang của Tổng thống Mỹ cũng đề nghị cắt bỏ chương trình này.

Người tiêu dùng Mỹ cũng cần được biết về những tác động thương mại của chương trình thanh tra này. Nghị sĩ McCain cho biết, một số quốc gia, trong đó có Việt Nam đe dọa sẽ có hành động trả đũa đối với xuất khẩu hàng nông nghiệp của Mỹ như thịt bò và đậu tương.

Các chuyên gia thương mại cảnh báo rằng mánh lới về cá da trơn này là một dạng bảo hộ, làm ảnh hưởng tới những nỗ lực của Mỹ trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại như Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)- thỏa thuận có khả năng giúp giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm xuất khẩu của Mỹ sang các đối tác thương mại châu Á.

 Nguồn: http://baocongthuong.com.vn