Tin tức

Những vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự của năm APEC 2014

12/02/2014    12

Năm 2014, Trung Quốc chính thức trở thành nước chủ nhà tổ chức các Hội nghị của Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương (APEC 2014). Để xác định chủ đề chính thức của APEC năm 2014, Trung Quốc đã tổ chức phiên họp Hội nghị các Quan chức cao cấp không chính thức (ISOM) từ ngày 9 đến ngày 10 tháng 12 năm 2013 tại Thủ đô Bắc Kinh Trung Quốc để thảo luận những nội dung và lĩnh vực ưu tiên trong chương trình nghị sự của năm APEC 2014.

Tại phiên họp, nước chủ nhà đưa ra chủ đề chính của APEC 2014 là: “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác Châu Á- Thái Bình Dương” (Shaping the future through Asia- Pacific Partnership). Nhằm hiện thực hóa chủ đề này, Trung Quốc đề xuất 3 nội dung ưu tiên trong hợp tác năm APEC 2014, bao gồm: Đẩy mạnh hội nhập kinh tế trong khu vực; Thúc đẩy phát triển đổi mới, cải cách và tăng trưởng kinh tế; Tăng cườngkết nối toàn diện và phát triển cơ sở hạ tầng.

Đối với nội dung ưu tiên “Đẩy mạnh hội nhập kinh tế trong khu vực”: Hội nghị thống nhất thông qua 4 công tác sau: Hướng tới thực hiện hóa Khu vực Mậu dịch Tự do Châu Á- Thái Bình Dương (FTAAP); Ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và chống lại chủ nghĩa bảo hộ; Nâng cao hợp tác chuỗi giá trị toàn cầu và cung cấp chuỗi kết nối; Thúc đẩy tự do và thuận lợi hóa đầu tư.

APEC tiếp tục đóng vai trò khởi tạo Khu vực Mậu dịch Tự do Châu Á- Thái Bình Dương (FTAAP), khuyến khích trao đổi thông tin giữa các khu vực RTAs/FTAs như TPP và RCEP, đối thoại chính sách, tăng cường xây dựng năng lực, chia sẻ thông tin, tiếp tục giải quyết vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới. Trung Quốc, Hàn Quốc, Niu Di Lân, Đài Loan, Thái Lan đề nghị APEC tiếp tục nỗ lực xây dựng và nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển để thực hiện hóa FTAAP thông qua Khuôn khổ sáng kiến “Nhu cầu xây dựng năng lực”.

Các nền kinh tế APEC tiếp tục cam kết ủng hộ thệ thống thương mại đa phương, duy trì vai trò của WTO trong hệ thống thương mại toàn cầu và thúc đẩy hội nhập khu vực RTAs/FTAs. APEC sẽ nỗ lực để đạt được gói thỏa thuận Doha trên cơ sở kết quả đạt được từ Hội nghị bộ trưởng WTO MC 9.

APEC cần thực hiện chia sẻ thông tin và chính sách đối thoại để tạo môi trường thuận hóa cho việc phát triển chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả đáng tin cậy hơn. Bên cạnh đó, APEC cần tăng cường kinh tế và kỹ thuật (ECOTECH) và xây dựng năng lực để giúp phát triển nền kinh tế và doanh nghiệp nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, và thúc đẩy các nền kinh tế phát triển sáng tạo và nâng cấp các ngành công nghiệp trong khu vực. APEC cần tiếp tục giải quyết những kết nối quan trọng trong chuỗi cung ứng, thiết lập nền tảng thông tin toàn khu vực và thực hiện chương trình xây dựng năng lực trong cách tiếp cận toàn diện, nhằm đạt được 10% cải thiện hiệu suất chuỗi cung ứng về mặt thời gian, chi phí .. vào năm 2015. Hoa Kỳ, Niu Di lân, Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông thông báo đã sẵn sàng hợp tác với nhau trong việc thành lập “Quỹ APEC về xây dựng năng lực cho các thành viên trong việc cải thiện hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng”.

APEC cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư trong khu vực thông qua thực hiện Kế hoạch hành động thuận lợi hóa trong đầu tư, thúc đẩy tính minh bạch, tính dễ dự đoán và nhất quán của các chính sách đầu tư, tăng cường chia sẻ thông tin giữa các hiệp định đầu tư song phương và khu vực, các bài học kinh nghiệm... công bố các văn bản hướng dẫn trong thủ tục đầu tư như: Kế hoạch hành động thuận lợi hóa đầu tư, các Nguyên tắc không ràng buộc trong đầu tư và chiến lược đầu tư.

Đối với nội dung ưu tiên “Thúc đẩy phát triển đổi mới, cải cách và tăng trưởng kinh tế”: APEC đã cam kết một chiến lược phát triển dài hạn toàn diện, trong đó chú trọng đổi mới và cải cách cơ cấu. Hợp tác phát triển đổi mới đã được đưa vào chương trình nghị sự APEC trong một thời gian dài tập trung vào khoa học, công nghệ và sở hữu trí tuệ. Tất cả các Thành viên APEC đã ngày càng nhận thức rõ về vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Hội nghị Lãnh đạo cấp cao Yokohama năm APEC 2010 đã tuyên bố đổi mới tăng trưởng là một trong 5 nhân tố trong Chiến lược Tăng trưởng của các nhà Lãnh đạo APEC. Hội nghị Lãnh đạo cấp cao Honolulu năm APEC 2011 tuyên bố “Thúc đẩy chính sách đổi mới hiệu quả, không phân biệt đối xử và theo hướng thị trường để khuyến khích đưa ra các sáng kiến ​​và năng lực đổi mới cần thiết cho sự tăng trưởng”. Hội nghị Lãnh đạo cấp cao Vladivostok năm 2012 tuyên bố đổi mới tăng trưởng là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Trung Quốc cho rằng trong thập kỷ qua, nhận thức về cải cách cơ cấu ngày càng tăng, các nền kinh tế APEC đã cam kết mạnh mẽ để thúc đẩy cải cách cơ cấu và đưa nó trở thành một ưu tiên cải tổ trong nước. Từ Hội nghị thượng đỉnh tại Băng cốc 2003, cải cách cơ cấu đã trở thành chương trình nghị sự hàng năm của APEC.Chiến lược mới của APEC về cải cách cơ cấu (ANSSR) đã được thông qua tại Hội nghị Lãnh đạo cấp caoYokohama năm APEC 2010. Kể từ đó, ANSSR đã thúc đẩy quá trình cải cách cơ cấu trong nền kinh tế APEC thông qua xây dựng năng lực, đánh giá giữa kỳ, và việc sử dụng các chỉ số định lượng và định tính để đánh giá. Thị trường trong nước của các nền kinh tế thành viên APEC đã được cải thiện, năng suất lao động tăng, tốc độ tăng trưởng được duy trì. Trung Quốc nhấn mạnh, APEC cần phải đạt được các mục tiêu được xây dựng trong ANSSR vào năm 2015.

Trung Quốc đề xuất các lĩnh vực cho hợp tác năm 2014 trong lĩnh vực ưu tiên này như: cải cách cơ cấu, phát triển xanh, đổi mới phát triển, năng lượng bền vững, đô thị hóa, an ninh lương thực, kinh tế xanh và kinh tế mạng.

Đối với vấn đề ưu tiên “Nâng cao kết nối toàn diện và phát triển cơ sở hạ tầng”: Trung Quốc khẳng định do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, những nỗ lực phục hồi kinh tế thế giới đã làm cho cộng đồng quốc tế phát hiện ra kết nối và phát triển cơ sở hạ tầng là một lĩnh vực mới quan trọng của tăng trưởng. Nhiều tổ chức kinh tế lớn trên thế giới ưu tiên cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng như dành ngân sách dài hạn cho xây dựng hạ tầng. Ngân hàng thế giới đã đưa ra sáng kiến “Cơ sở hạ tầng toàn cầu- Global infrastructure Facility”. ADB dự đoán nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của các nền kinh tế Châu Á từ năm 2010 đến năm 2020 khoảng 8 nghìn tỷ. Nghiên cứu của Tổ chức Du lịch Thế giới và Hội đồng Du lịch Thế giới cũng cho thấy tạo thuận lợi về visa có thể tạo được 2,6 triệu việc làm và doanh thu du lịch đạt 89 tỷ USD.

Năm 2013, thúc đẩy kết nối và phát triển cơ sở hạ tầng được xác định là một ưu tiên của APEC. Các Nhà Lãnh đạo đưa nội dung kết nối vào trong phụ lục của Tuyên bố Bali (Khuôn khổ Kết nối và Kế hoạch dài hạn về Phát triển cơ sở hạ tầng). Hội nghị nhất trí APEC cần phối hợp với các tổ chức quốc tế để tránh trùng lặp. Hội nghị cũng kỳ vọng Trung tâm Thử nghiệm về quan hệ đối tác Công- Tư về cơ sở hạ tầng và Ban Tư vấn về cơ sở hạ tầng hoạt động hiệu quả.

Phía Trung Quốc đề xuất tăng cường kết nối toàn diện và phát triển hạ tầng như là một trong những ưu tiên của APEC năm 2014. Đối với ưu tiên này, phía Trung Quốc đề xuất những nỗ lực thúc đẩy hợp tác APEC trong phần cứng, phần mềm, và kết nối con người, tìm ra các điểm nghẽn làm hạn chế việc kết nối và phát triển cơ sở hạ tầng. Các nỗ lực thúc đẩy trên được thông qua các hoạt động về xây dựng kế hoạch kết nối; mở rộng các kênh đầu tư và tài chính cho kết nối và phát triển cơ sở hạ tầng; xây dựng Quan hệ đối tác Châu Á- Thái Bình Dương về phát triển cơ sở hạ tầng; hợp tác tài chính trong khu vực về kết nối và phát triển cơ sở hạ tầng; kết nối phần mềm; tạo thuận lợi cho việc đi lại và trao đổi nguồn nhân lực; giáo dục xuyên biên giới…

Với ba nội dung ưu tiên sẽ được bàn trong năm 2014, hy vọng các nền kinh tế thành viên APEC sẽ có mối quan hệ ngày càng gắn bó sâu sắc hơn để xây dựng một tương lai phát triển cho khu vực Châu Á- Thái Bình Dương cũng như cho thế giới.

Nguồn: http://www.nciec.gov.vn