Tin tức

Doanh nghiệp Việt phải vượt sức ép

16/01/2014    12

Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành năm 2015 cũng là lúc các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn do mức độ cắt giảm thuế sâu rộng trong hiệp định ASEAN và ASEAN + 6.

Tăng sức ép khi hội nhập sâu

Việt Nam đã và đang tham gia đầy đủ tiến trình tự do hóa thương mại trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA) và ASEAN mở rộng (ASEAN +6) với các nước khu vực và trên thế giới. Việc hội nhập sâu với các nước này đưa các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có hàng chục triệu DNNVV trong nội khối ASEAN.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, sức ép nhiều nhất tới các doanh nghiệp Việt Nam là mức độ cắt giảm thuế sâu rộng trong hiệp định ASEAN và ASEAN + 6 với khoảng 90% các dòng thuế giảm xuống 0% vào năm 2015, phần còn lại sẽ được thực hiện vào năm 2018. Điều này có nghĩa các doanh nghiệp nước ngoài với nguồn vốn và trình độ quản lý cao, sẽ có xu hướng gia tăng đầu tư tại thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, điều đáng buồn là nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước chưa tận dụng tối đa lợi thế giảm thuế theo các FTA mà Việt Nam đã cam kết trong khối ASEAN và các đối tác, nhất là các ưu đãi thuế liên quan đến hàm lượng giá trị gia tăng nội địa của hàng hóa, dịch vụ và các hàng rào kỹ thuật để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

Số liệu của Diễn đàn Mạng lưới ASEAN cho thấy, trung bình cứ 5 doanh nghiệp Việt Nam thì chỉ có 1 doanh nghiệp nhận thức cơ hội và thách thức về các FTA và AEC. Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chịu thách thức lớn từ hàng hóa nhập khẩu do tâm lý thích dùng hàng ngoại của người tiêu dùng trong nước.

Vượt sức ép

TS Lê Đăng Doanh cho rằng, bất chấp những áp lực và thách thức đặt ra, Việt Nam cần phải giữ tầm nhìn dài hạn. Cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các DNNVV sẽ được lợi rất nhiều về xuất khẩu, đầu tư và chuyển dịch lao động từ quá trình hội nhập kinh tế sâu và rộng.

Thực tế với AFTA, hàng hóa của Việt Nam đang được hưởng thuế suất ưu đãi thấp hơn thuế suất tối huệ quốc mà các nước ASEAN dành cho các nước thành viên WTO, từ đó hàng Việt Nam có thuận lợi hơn để thâm nhập thị trường khu vực ASEAN, nhất là các mặt hàng nông sản, dệt may. Đồng thời, Việt Nam cũng dễ dàng hơn để thu hút vốn đầu tư, tiếp thu công nghệ, sử dụng nguồn vốn và kỹ thuật cao tại khu vực.

“Việc các doanh nghiệp cần làm là tìm nguồn tham khảo hữu ích để nắm được những cam kết về FTA, ngoài ra doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu để tra cứu được thuế để xác định được chênh lệch thuế suất giữa thuế được tính theo nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) với các thuế ưu đãi và thuế ưu đãi giữa các FTA khác nhau để chọn mức ưu đãi thấp nhất. Tiếp theo đó, các doanh nghiệp cần xin C/O phù hợp nếu đáp ứng được các tiêu chí về xuất xứ”- ông Doanh cho hay.

Với kinh nghiệm của một doanh nghiệp xuất khẩu lớn, ông Thân Đức Việt- Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10- cũng cho hay, từ áp lực của thị trường mở cửa, May 10 đang trong đà tự đổi mới mình để tạo ra nhiều sức cạnh tranh hơn theo hướng nâng cao giá trị thương hiệu và chất lượng trong các sản phẩm thay vì dựa vào giá trị lao động chân tay. Ngoài ra, việc nghiên cứu tìm hiểu cac quy định trong FTA để tận dụng tối đa hiệu quả của thuế quan và xuất xứ đang giúp May 10 sẵn sàng tiếp cận với hiệp định TPP.

Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn