Tin tức

Báo cáo về các biện pháp thương mại của các nước G-20

24/12/2013    40

Báo cáo về các biện pháp thương mại của các nước G-20[1]

(Giữa tháng 5/2013 đến giữa tháng 11/2013)

2013 – Tăng trưởng thương mại thế giới thấp hơn mong đợi

Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu thất thường và chậm chạp không chỉ diễn ra tại hầu hết các nền kinh tế phát triển mà còn ở các thị trường mới nổi. Sự thiếu hụt các hoạt động thương mại ảnh hưởng lớn đến dòng chảy thương mại quốc tế. Tăng trưởng thương mại năm nay dự kiến chỉ tăng nhẹ so với năm 2012, mặc dù triển vọng đang được cải thiện cho các năm tiếp theo nhưng vẫn thấp hơn xu hướng tăng trưởng trong lịch sử. Lượng hàng hóa giao dịch thương mại trên thế giới dự kiến sẽ tăng 2,5% trong năm 2013 và 4,5% trong năm 2014.

Gia tăng các vụ việc mới về hạn chế thương mại

Trong 6 tháng vừa qua, các biện pháp hạn chế thương mại mới hoặc các biện pháp có khả năng hạn chế thương mại đã được áp dụng tại phần lớn các nước thành viên G20 với xu hướng mức độ hạn chế thương mại ngày càng tăng. Đã có 116 biện pháp hạn chế thương mại mới được áp dụng kể từ báo cáo gần đây nhất của WTO, tăng từ 109 biện pháp trong kỳ báo cáo 7 tháng trước đó. Các biện pháp này chủ yếu là các biện pháp về phòng vệ thương mại, đặc biệt là khởi xướng điều tra chống bán phá giá, tăng thuế và thủ tục hải quan nghiêm ngặt hơn. Các biện pháp mới này ảnh hưởng tới khoảng 1,1% lượng nhập khẩu của các nước G20, tương đương 0,9% lượng nhập khẩu của toàn thế giới.

Tác động hạn chế hoặc bóp méo thương mại của các biện pháp sau biên giới, như trợ cấp, mua sắm công và các quy định về hàng hóa và dịch vụ, ngày càng khó định lượng. Các biện pháp này đa dạng hơn so với các biện pháp tại biên giới, tác động của chúng đối với thương mại thường mang tính gián tiếp và khó kiểm soát hơn, đặc biệt là các biện pháp được áp dụng ở cấp địa phương và ở những nơi mà việc thi hành các biện pháp liên quan đến quyền tự quyết mang tính hành chính. Tất cả các biện pháp này đều có thể ảnh hưởng đến thương mại, tuy nhiên với mục đích của Báo cáo này, câu hỏi được đặt ra là liệu các biện pháp này có được sử dụng một cách cố ý để hạn chế hoặc bóp méo quyền tiếp cận thị trường nội địa hay không. Đối với các quy định về SPS và TBT, với dữ liệu đã có tốt hơn, 2-3% trong số hàng nghìn biện pháp được thông báo lên WTO mỗi năm đã được các Thành viên lựa chọn để rà soát kỹ càng hơn hơn trên cơ sở các quan ngại thương mại cụ thể, và tỷ lệ này không thay đổi nhiều trong 6 năm qua.

Để đánh giá tác động thương mại của các biện pháp sau biên giới chính xác hơn, việc đánh giá cần có nhiều dẫn chứng và minh bạch hơn.

Các biện pháp tự do hóa hoặc tạo thuận lợi hóa thương mại ít được thực hiện hơn so với trước đây

Một số nước thành viên G-20 cũng thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi hóa thương mại, dù  ít hơn so với giai đoạn báo cáo trước đó. Khoảng 33% trong tổng số các biện pháp được ghi nhận có thể được xem là tạo thuận lợi hóa thương mại, so với con số 40% của kỳ báo cáo rà soát thương mại trước đó. Các biện pháp tạo thuận lợi hóa chủ yếu dưới hình thức chấm dứt các vụ kiện phòng vệ thương mại và cắt giảm thuế quan. Các biện pháp này tác động tới khoảng 0,8% lượng nhập khẩu của các nước G-20 và 0,6% lượng nhập khẩu thế giới.

Gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại

Số lượng các biện pháp hạn chế thương mại tiếp tục tăng. Đây là kết quả của việc nhiều biện pháp mới được áp dụng trong thời gian gần đây. Trong giai đoạn này, tỷ lệ xóa bỏ các hạn chế thương mại vốn được áp dụng kể từ cuộc khủng hoảng toàn cầu cao hơn so với giai đoạn trước đây nhưng không đáng kể. Khoảng 20% tổng số các biện pháp hạn chế thương mại được đưa ra từ tháng 10/2008 đến nay đã bị loại bỏ, so với con số 19% của kỳ báo cáo hồi tháng 06/2013.

Tất cả các biện pháp hạn chế thương mại được thông qua từ tháng 10/2008, ngoại trừ các biện pháp được báo cáo là đã chấm dứt tính đến giữa tháng 11/2013, được ước tính đã tác động tới khoảng 3,9% hàng nhập khẩu trên toàn thế giới, và khoảng 5% hàng nhập khẩu của các nước G-20.

G-20 – Vai trò dẫn đầu củng cố sức mạnh cho hệ thống thương mại đa phương

Vai trò dẫn đầu mạnh mẽ của các nền kinh tế G-20 rất quan trọng đối với thế giới, đặc biệt trong việc tạo đà tích cực hướng tới thực hiện gói cam kết Bali. Thành công của Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 không phải là sự kết thúc mà là mở đầu cho quá trình tiến tới kết thúc vòng đàm phán Doha. Hệ thống thương mại đa phương cần được củng cố và tăng cường nhằm duy trì tự do hóa thương mại toàn cầu và bổ sung các quy định thương mại để phản ánh các vấn đề của thế kỷ 21.

Hệ thống thương mại đa phương vẫn là sự bảo vệ tốt nhất chống lại chính sách bảo hộ và là nguồn lực mạnh nhất cho phát triển, khôi phục bền vững và tăng trưởng kinh tế. Hệ thống này đã khẳng định vai trò hữu hiệu như một chính sách đảm bảo trước xu hướng bảo hộ. Tỷ lệ thất nghiệp cao và tốc độ phục hồi kinh tế chậm chạp đang tạo sức ép lên chính sách bảo hộ. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, điều quan trọng cần phải coi thương mại là động lực tăng trưởng, tạo ra việc làm. 

 


[1] Đây là báo cáo hoàn toàn thực tế và được đưa ra dưới sự chịu trách nhiệm của Tổng giám đốc WTO. Báo cáo không có tác động pháp lý đối với các quyền và nghĩa vụ của các thành viên WTO cũng không có bất kỳ ý nghĩa pháp lý nào về sự phù hợp của các biện pháp được ghi lại trong báo cáo này với Hiệp định WTO hoặc các quy định của các Hiệp định này. Báo cáo này không ảnh hưởng đến quan điểm đàm phán của các Thành viên trong Vòng Đàm phán Doha.

 

Nguồn: http://www.wto.org/

Dịch và biên tập: Trung tâm WTO-VCCI   

  Tải Báo cáo đầy đủ dưới đây: