Tin tức

Xuất khẩu mực, bạch tuộc giảm mạnh nhất 10 năm

11/12/2013    9

Mực, bạch tuộc bị khai thác quá mức nên nguồn nguyên liệu tại vùng biển Việt Nam không đáp ứng về kích cỡ và chất lượng so với Trung Quốc, Thái Lan.

Kết thúc tháng 10, tổng giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc đạt 360,5 triệu USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức sụt giảm sau nhiều tháng liên tiếp và giảm sâu nhất trong cơ cấu thủy sản xuất khẩu Việt Nam...

Hai quý đầu năm đánh dấu cột mốc xuất khẩu lịch sử chạm đáy của nhuyễn thể chân đầu Việt Nam. Trong suốt 10 năm trở lại đây, chưa năm nào, giá trị xuất khẩu mực bạch tuộc giảm không ngừng 21-54% so với cùng kỳ năm trước. Kể từ quý II, mức sụt giảm đã nhẹ dần nhưng không có chiều hướng vượt khỏi con số âm. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mực, bạch tuộc không khỏi lo lắng và than phiền vì tại hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn đều có chung xu hướng: giảm số đơn hàng và lượng hàng nhập khẩu nhập khẩu. Còn các nhà nhập khẩu lại lùng sục khắp các nguồn cung giá rẻ và chất lượng tạm chấp nhận được.

Có thể nói rằng, xuất khẩu mực, bạch tuộc 10 tháng đầu năm giảm mạnh là do tình hình kinh doanh không tốt tại 3 thị trường nhập khẩu chính, chiếm đến 75% tổng giá trị xuất khẩu là Hàn Quốc, Nhật Bản và EU.

Xuất khẩu nhuyễn thể chân đầu sang EU rất xấu. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp xuất khẩu, lượng đơn hàng sang thị trường này có thời điểm giảm 50-60% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết thúc tháng 10, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang EU giảm mạnh nhất: 28,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, trong đó, 3 thị trường đơn lẻ nhập khẩu lớn nhất là: Italy giảm 18,2%; Đức giảm 10,9% và Bỉ giảm 41% so với cùng kỳ năm 2012.

Giá xuất khẩu vẫn tăng nhẹ. Khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng rõ nét nhất đến tiêu dùng tại khu vực đồng tiền này. Ngay từ quý II, EU tuyên bố chuyển dịch dần và sang nguồn cung giá rẻ tại Bắc Phi như: Morocco và Mauritania. Đồng thời cũng thăm dò và thân thiết hơn với khách hàng Trung Quốc. Tại chợ bán buôn của Tây Ban Nha, Italy, giao dịch mực, bạch tuộc trong nhiều tháng trong tình trạng vắng khách.

Cho đến hết tháng 10, Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của mực, bạch tuộc Việt Nam nhưng vẫn giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Sau nhiều tháng ảm đạm thì trong tháng 7 và 8, giá trị xuất khẩu cũng tăng 4,2-5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 10, xuất khẩu sang thị trường này khả quan hơn khi tăng 24,2% so với tháng 10/2012.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp lớn xuất khẩu sang Hàn Quốc, 10 tháng đầu năm nay, thị trường Hàn Quốc cũng chuyển hướng sang một số nguồn cung giá tốt, chất lượng tốt như Thái Lan và Indonesia.

Tuy nhiên, do bị lạm thác quá mức nên nguồn nguyên liệu khai thác tại vùng biển Việt Nam không đáp ứng về kích cỡ và chất lượng so với các nước khác. Trong khi Trung Quốc và Thái Lan làm rất tốt việc bảo vệ nguồn lợi hải sản bằng cách tăng nhập khẩu từ các quốc gia láng giềng thì cho đến nay, ngư dân Việt Nam vẫn khai thác vô tội vạ. Đây là nguyên nhân khiến chất lượng bạch tuộc và giá mặt hàng này không thể cạnh tranh nổi tại thị trường Hàn Quốc. Mặc dù, nhu cầu vẫn lớn nhưng doanh nghiệp chủ động giảm bạch tuộc giá cao sang thị trường này.

Duy nhất tháng 1, giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Nhật Bản tăng nhẹ 3,7% so với cùng kỳ năm 2012. 9 tháng còn lại, giá trị xuất khẩu sang thị trường này giảm mạnh 7,9-54,3% so vơi cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản than phiền, mặc dù giá xuất khẩu sang thị trường này cao hơn so với các thị trường nhập khẩu khác nhưng nhu cầu tại đây lại giảm mạnh.

Như vậy, có thể kết thúc năm 2013, giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc sẽ còn giảm mạnh do tình hình không mấy khả quan tại 3 thị trường nhập khẩu chính cộng thêm nguồn nguyên liệu trong nước thiếu trầm trọng và hoạt động nhập khẩu lại gặp nhiều khó khăn.

Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn