Tin tức

Khai thác lợi ích từ ưu đãi thuế quan

21/04/2014    18

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn cạnh tranh dự trên yếu tố giá, do đó, biết tận dụng ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định tự do hóa thương mại (FTA) ASEAN và ASEAN + là việc cần quan tâm cho thành công của các doanh nghiệp Việt Nam.

Việt Nam đã tham gia đầy đủ vào tiến trình tự do hóa thương mại trong khu vực ASEAN và ASEAN + với 7 nước gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ và Chi Lê. Các FTA này đã và đang giúp cho hàng hóa Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi nhập khẩu vào ASEAN thấp hơn cả thuế suất tối huệ quốc mà các nước ASEAN dành cho các thành viên trong WTO. Cùng với đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ ASEAN với giá thấp hơn các khu vực khác để sản xuất hàng hóa, giảm chi phí đầu vào, hưởng ưu đãi về xuất xứ hàng hóa.

Thuế suất nhập khẩu giảm, nhà nhập khẩu được hưởng lợi, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam có thể đàm phán với đối tác nhập khẩu để chia sẻ một phần lợi ích (nâng giá xuất khẩu hợp lý), hàng hóa Việt Nam cũng có điều kiện cạnh tranh về giá, có thể mở rộng thị phần, xâm nhập sâu vào thị trường các nước thành viên ASEAN và sang các nước đối tác mở rộng của ASEAN.

Theo ông Thân Đức Việt, Giám đốc điều hành Tổng công ty may 10, có rất nhiều lĩnh vực các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác ưu đãi thuế quan như nông sản, dệt may. Thực tế hàng năm May 10 sản xuất khoảng trên 21 triệu sản phẩm chất lượng cao các loại, chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU (chiếm 80%).

Dù vậy, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt tại các thị trường này và nắm bắt những ưu đãi về thuế quan khi Việt Nam đã tham gia FTA trong  ASEAN và các đối tác ASEAN + 7, May 10 đã xúc tiến nghiên cứu và tìm đối tác để khai thác. Đến nay, May 10 đã có những đơn hàng đầu tiên và đã xuất khẩu sản phẩm sang thị trường ASEAN và ASEAN +.

Ông Thân Đức Việt “Cũng như các doanh nghiệp khác, May 10 đang nỗ lực tự thân đổi mới, nâng cao giá trị thương hiệu, tăng cường nghiên cứu, tìm hiểu về các FTA mới để tận dụng tối đa hiệu quả của thuế quan và xuất xứ nhất là khi Hiệp định Tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang tới gần”.

Tính đến hết tháng 10/2013, May 10 đã xuất khẩu sản phẩm sang các nước ASEAN + 7 đạt kim ngạch khoảng 18 triệu USD, chiếm 13,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của đơn vị. Điều này đã khiến cho May 10 giảm dần sự phụ thuộc quá nhiều vào việc chỉ xuất khẩu được sang một vài thị trường chính như Mỹ, EU... Thời gian tới, May 10 sẽ tiếp tục nghiên cứu thị trường để tăng cường xuất khẩu sang các nước ASEAN và ASEAN +.

Nhiều chuyên gia nhận định, khu vực Đông Nam Á hiện có thể coi là cái rốn của việc sản xuất may mặc với Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia. Ngành dệt may Việt Nam đã tận dụng được lợi thế về chi phí nhân công rẻ, đặc biệt đạt được tiêu chuẩn của hệ thống trách nhiệm xã hội tốt nên thu hút được khá nhiều sự quan tâm của các đối tác, các nhà đầu tư so với các nước khác trong khu vực. Đồng nghĩa với việc sản phẩm may mặc của Việt Nam đang có ưu thế trong việc tiếp cận thị trường.

Tuy nhiên, theo ông Thân Đức Việt, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn chưa thể tận dụng hết cơ hội từ ưu đãi thuế quan do hiện ngành may mặc nói chung và May 10 nói riêng vẫn nhập khẩu đến 90% nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc. Trong khi muốn được hưởng ưu đãi về thuế quan, cần phải đáp ứng yêu cầu xuất xứ nguồn gốc sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa trong ASEAN ít nhất là 40%.

“May 10 nói riêng và các doanh nghiệp dệt may trong nước đang kỳ vọng vào chính sách hỗ trợ của Chính phủ để hình thành được các chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào xuất xứ ASEAN nhằm tận dụng hết các lợi thế do FTA đem lại"- ông Việt cho biết.

Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn